Phục hồi nhanh chóng sau COVID-19, xuất khẩu lao động 'về đích' sớm

Số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 9 tháng năm 2022 cao gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Nhật Bản tiếp tục là thị trường dẫn đầu về số lao động tiếp nhận.
Phục hồi nhanh chóng sau COVID-19, xuất khẩu lao động 'về đích' sớm ảnh 1Lao động chuẩn bị xuất cảnh sang làm việc tại Nhật Bản. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Nếu như những tháng đầu năm, mỗi tháng các doanh nghiệp chỉ đưa được chưa đến 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài thì trong 3 tháng trở lại đây, số người đi xuất khẩu lao động tăng nhanh do các thị trường tiếp nhận đã mở cửa trở lại. Chỉ riêng trong tháng 8/2022 đã có hơn 30.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Sau 9 tháng, số lao động đi làm việc ở nước ngoài đã vượt kế hoạch đề ra trong năm 2022.

Số lượng tăng gấp 2,4 lần

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong 9 tháng năm 2022, các doangh nghiệp đã đưa 103.026 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 114,4% mục tiêu kế hoạch năm (năm 2022 dự tính kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 90.000 lao động). Đặc biệt, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái (9 tháng năm 2021 tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 42.818 lao động). 

Nhật Bản tiếp tục là thị trường dẫn đầu tiếp nhận lao động trong chín tháng qua với 51.859 người, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) với 44.584 lao động, Hàn Quốc với 1.668 lao động , Singapore 1.498 lao động, Trung Quốc 643 lao động, Romania 540 lao động, Hungary 522 lao động, Liên bang Nga 318 lao động, Ba Lan 315 lao động và các thị trường khác.

Chỉ riêng trong tháng 9/2022, số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 8.180 lao động, cao gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái là 776 lao động. Số lao động đi làm việc tại các thị trường trong tháng 9/2022 gồm: Đài Loan 5.027 lao động, Nhật Bản 2.775 lao động, Trung Quốc 168 lao động, Singapore 49 lao động, Hungary 46 lao động, Hàn Quốc và Liên Bang Nga mỗi nước 21 lao động, Algeria 18 lao động, Hồng Kông (Trung Quốc) và Ba Lan mỗi nước 17 lao động...

Phục hồi nhanh chóng sau COVID-19, xuất khẩu lao động 'về đích' sớm ảnh 2

Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết từ đầu năm 2022, sau khi đại dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát ở Việt Nam và trên toàn thế giới, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã dần hồi phục trở lại.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai ngay các giải pháp phát triển thị trường lao động ngoài nước, đàm phán với cơ quan chức năng của Israel về Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam-Israel, dự thảo Biên bản thỏa thuận (MOU) về lao động nông nghiệp với Australia, xây dựng Thỏa thuận về tuyển dụng lao động giữa Việt Nam và Thái Lan

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã hoàn thiện Bản ghi nhớ về di cư lao động có kỹ năng và trao đổi kiến thức với Cộng hòa liên bang Đức; trao đổi “Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Malaysia.” 

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động duy trì và phát triển các thị trường tiếp nhận lao động; kịp thời nắm bắt các thông tin về tình hình dịch COVID-19, chính sách, quy định mới về tiếp nhận lao động đối phó với tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại các nước; hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo các quy định về phòng chống dịch của nước sở tại.

Mở rộng cơ hội cho lao động chất lượng cao

Tại Nhật Bản, thị trường tiếp nhận lao động nhiều nhất hiện nay, lao động ngày càng có thêm nhiều cơ hội điều kiện làm việc, mức lương tốt hơn, đặc biệt là đối với lao động có kỹ năng, chuyên môn.

Phục hồi nhanh chóng sau COVID-19, xuất khẩu lao động 'về đích' sớm ảnh 3Lao động Việt Nam làm điều dưỡng tại Nhật Bản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết trong hơn 30 năm qua, có hơn 350.000 thanh niên Việt Nam đã tới Nhật Bản để thực tập kỹ năng. Từ năm 2013, số lượng thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản đã tăng mạnh, từ 10.200 người năm 2013 lên 82.700 người năm 2019. Đến nay, Việt Nam là nước đứng đầu trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, với hơn 200.000 thực tập sinh đang làm việc tại đây.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, Việt Nam và Nhật Bản cũng đã ký kết biên bản hợp tác về Chương trình lao động kỹ năng đặc định vào tháng 7/2019. Chương trình lao động kỹ năng đặc định là chương trình tiếp nhận lao động Việt Nam đạt các yêu cầu chứng chỉ về trình độ, tay nghề, tiếng Nhật sang Nhật Bản làm việc trong thời gian 5 năm. Lao động kỹ năng đặc định sẽ nhận được các đãi về tiền lương, bảo hiểm, phúc lợi... tương đương với lao động người Nhật Bản. Hiện nay, có khoảng 41.000 lao động đặc định Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.

Thị trường Hàn Quốc cũng đang mở thêm những cánh cửa việc làm đối với lao động có kỹ năng của Việt Nam. Thực hiện Chương trình hợp tác lao động kỹ thuật (E-7) giữa Việt Nam và Hàn Quốc, cơ quan chức năng của hai nước đang thúc đẩy hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực đóng tàu. 

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết Việt Nam đánh giá cao chủ trương, chính sách của Hàn Quốc trong việc mở rộng tiếp nhận lao động kỹ thuật. Đây là giải pháp quan trọng để tháo gỡ vấn đề thiếu hụt nhân lực tại Hàn Quốc và mở ra nhiều cơ hội cho lao động có tay nghề của Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2022 đã dần hồi phục trở lại, tập trung chủ yếu ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong thời gian tới đây, việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ theo hướng có chọn lọc hơn. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ từng bước cân đối lực lượng lao động trong nước và đi nước ngoài theo hướng có lợi nhất cho người lao động. Mặt khác, bộ cũng sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đưa đi nước ngoài làm việc nhằm học tập kinh nghiệm, sau này trở về phục vụ đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục