Phục hồi mạnh mẽ, Yên Bái đón hơn 1,5 triệu lượt khách năm 2022

Trong năm 2022, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp kích cầu và mở cửa lại hoạt động du lịch, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Phục hồi mạnh mẽ, Yên Bái đón hơn 1,5 triệu lượt khách năm 2022 ảnh 1Chợ phiên Mù Cang Chải thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc của huyện Mù Cang Chải và du khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, năm 2022, ngành du lịch tỉnh đã đón trên 1,5 triệu lượt khách (vượt 44,4% kế hoạch năm), doanh thu ước đạt 1.101 tỷ đồng (vượt 30,2% kế hoạch).

Bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết để có kết quả ấn tượng này, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.

Trong năm 2022, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp kích cầu và mở cửa lại hoạt động du lịch, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

[Đưa Yên Bái trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực Tây Bắc]

Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội đón chào du khách như Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Lễ hội Quế huyện Văn Yên; các hoạt động du lịch "Mùa nước đổ;” Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn gắn với Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông và Lễ đón bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội đền Đông Cuông...

Các địa phương đã đưa vào nhiều sản phẩm du lịch mới, ấn tượng, thu hút du khách với phương châm "một địa điểm du lịch mang tới cho khách nhiều hơn một dịch vụ, một sản phẩm du lịch."

Là tỉnh miền núi có nhiều lợi thế về phát triển du lịch, Yên Bái được ví như Tây Bắc thu nhỏ với phong cảnh thiên nhiên đa dạng và nhiều địa điểm tham quan hấp dẫn.

Tỉnh có trên 30 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc mang đậm bản sắc, văn hóa riêng, là thế mạnh trong việc thu hút khách du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch mới mang tính khác biệt như du lịch nghỉ dưỡng cấp cao, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái...

Phục hồi mạnh mẽ, Yên Bái đón hơn 1,5 triệu lượt khách năm 2022 ảnh 2Màn trình diễn nghệ thuật Xòe Thái với sự tham gia của nhiều nghệ nhân và diễn viên quần chúng. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Những lợi thế này đang được cụ thể hóa trong Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà... và định hướng phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.

Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, tại Hội nghị kích cầu phát triển du lịch "Yên Bái - điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn và ấn tượng" tổ chức tháng 4/2022, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn yêu cầu ngành du lịch cần tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và các chủ trương, nghị quyết, chương trình, đề án, chính sách của Trung ương, của tỉnh về mở cửa, phục hồi và kích cầu du lịch.

Ngành cần tập trung hướng dẫn, khuyến khích, tạo mọi điều kiện theo quy định để các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch củng cố, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sẵn có, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo, hấp dẫn riêng có. Trong đó, tập trung phát triển và làm mới sản phẩm du lịch theo hướng xanh, bền vững; cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến các thị trường du lịch trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...

Đồng thời, đa dạng hóa các kênh truyền thông, xây dựng các chiến dịch quảng bá theo chủ đề và theo giai đoạn thông qua các trang mạng xã hội; tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với Thành phố Hồ Chí Minh và Chương trình hợp tác phát triển du lịch của tỉnh Yên Bái với tỉnh Valdemarne (Cộng hòa Pháp).

Tỉnh cũng ưu tiên lồng ghép các nguồn lực để phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ; hỗ trợ tối đa để giúp đỡ các nhà đầu tư triển khai, hoàn thành các dự án khu, điểm du lịch; tiếp tục triển khai thực hiện tốt cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh về hỗ trợ phát triển du lịch.

Đồng thời thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương về kích cầu, về tín dụng và các chính sách hỗ trợ khác để phục hồi ngành du lịch...

Yên Bái phấn đấu xây dựng tỉnh là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc với hình ảnh và điểm đến đặc thù "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục