Phục hồi kinh tế thế giới: Thấp thỏm với những mối đe dọa

Việc trở lại trạng thái bình thường về kinh tế, theo bất kỳ hình thức mới nào vào năm 2021, 2022 sẽ yêu cầu các nền kinh tế phát triển bắt đầu ngừng hỗ trợ chính thức để tránh những nguy cơ tiềm năng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: mole.my)

Tạp chí Project Syndicate đã đăng bài viết phân tích rằng, trong năm vừa qua, các chính phủ và ngân hàng trung ương của các nước giàu có đã đưa ra những biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ chưa từng có để giúp giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch COVID-19.

Việc trở lại trạng thái bình thường về kinh tế, theo bất kỳ hình thức mới nào diễn ra vào các năm 2021 và 2022, sẽ yêu cầu các nền kinh tế phát triển bắt đầu ngừng các hỗ trợ chính thức để tránh những nguy cơ tiềm năng.

Trên mặt trận chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã làm bất cứ điều gì cần thiết để trấn an thị trường tài chính khi đại dịch xảy ra vào mùa Xuân năm 2020.

Kể từ đó, các ngân hàng đã duy trì quan điểm ủng hộ mạnh mẽ đối với việc thực hiện lãi suất thấp trong lịch sử, thậm chí trong một số trường hợp còn ở mức âm. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã tái sử dụng và mở rộng các công cụ hiện có, đồng thời đưa ra những công cụ mới nếu cần thiết.

Những nỗ lực quan trọng này đã làm phình to các bảng cân đối kế toán của nhiều ngân hàng trung ương lớn. Vào tháng 12/2020, tổng tài sản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đạt mức đáng kinh ngạc 28.600 tỷ USD. ECB chiếm 8.500 tỷ USD trong tổng số này và Fed là 7.300 tỷ USD, trong khi BoJ và PBoC có tổng tài sản lần lượt là 6.800 tỷ USD và 5.900 tỷ USD.

[Dự báo thế giới năm 2021: Người thắng, kẻ thua về kinh tế]

Tương tự như vậy, chính phủ của các nền kinh tế tiên tiến đã theo đuổi những chính sách tài khóa mạnh nhất trong lịch sử, bỏ hạn chế chi tiêu sang một bên để cung cấp hỗ trợ rộng rãi và không phân biệt đối với rất nhiều người cần và xứng đáng được nhận.

Tổ chức tư vấn Group of Thirty ước tính hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các công ty, nhân viên và người thất nghiệp trong cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện vượt quá 12.000 tỷ USD trên toàn cầu. Các hỗ trợ đó, được ủng hộ bởi một sự đồng thuận chính trị rộng rãi, đã ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lớn và khó khăn trên diện rộng.

Nhiều biện pháp khẩn cấp trong số này là cần thiết và không thể tránh khỏi. Nhưng khi các nhà hoạch định chính sách nhận thấy khả năng phục hồi trong giai đoạn 2021-2022, họ phải cảnh giác về những tác động phụ của việc kích thích tài chính và tiền tệ kéo dài. Mỹ và các quốc gia giàu có khác phải đối mặt với một số rủi ro khi họ cố gắng phục hồi nền kinh tế của mình.

Trước hết, mức vốn chủ sở hữu cao hiện tại có thể nhanh chóng biến thành một cơn đau đầu khó chịu khi các biện pháp kích thích chính sách mất dần. Thị trường cổ phiếu bùng nổ, được thúc đẩy bởi các dòng thanh khoản khổng lồ và nguồn tiền dễ kiếm, với các nhà đầu tư ham lợi nhuận dồn hết vào các tài sản rủi ro.

Hơn nữa, các thị trường đều ngầm hiểu rằng các ngân hàng trung ương hiện đang đứng đằng sau hầu hết các loại tài sản, nâng cao khả năng chấp nhận rủi ro. Điều này giúp giải thích sự tăng giảm bất ổn gần đây và sự phục hồi sau đó của đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin.

Bên cạnh đó là sự gia tăng ảnh hưởng của truyền thông xã hội đã giới hạn khả năng các quỹ đầu cơ bán khống cổ phiếu của nhà bán lẻ GameStop. Cơn sốt đối với các công ty mua lại vì mục đích đặc biệt (SPAC, công ty huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và sau đó tìm kiếm các công ty tư nhân để mua lại hoặc sáp nhất trong vòng hai năm) vẫn không hề suy giảm.

Nhưng người ta nghi ngờ về sự bùng nổ chứng khoán hiện tại và xu hướng tìm kiếm lợi tức liệu có thể được duy trì khi các nhà hoạch định chính sách dần thu hẹp và cuối cùng rút lại các biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa. Việc hiệu chỉnh thị trường sau đó có thể sẽ rất khó khăn và đau đớn và nhiều nhà đầu tư sẽ phải trả giá đắt.

Rủi ro thứ hai liên quan đến các khó khăn của doanh nghiệp. Sự hỗ trợ của nhà nước cho đến nay đã giữ cho tỷ lệ đóng cửa doanh nghiệp và phá sản thấp hơn mức bình thường ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến.

Nhưng khi các chính phủ và ngân hàng trung ương chấm dứt sự hỗ trợ như một việc phải làm, xu hướng phá sản sẽ tiếp tục diễn ra với các công ty vừa và nhỏ và thậm chí một số công ty lớn hơn.

Nhiều công ty đang gặp khó khăn, và hiện vẫn duy trì hoạt động bởi sự hào phóng của các chính phủ, sẽ không có khả năng thanh toán nợ trong nền kinh tế hậu đại dịch. Các nhà hoạch định chính sách cần cho phép họ phá sản, bị tiếp quản hoặc đóng cửa.

Nhận thức được điều này và cho phép các quy trình thị trường bình thường diễn ra sẽ gây tổn hại cho nhiều công ty và nhân viên, đồng thời gây ra các khoản nợ xấu cho các ngân hàng. Nhưng các nền kinh tế sẽ phải chịu đựng nỗi đau vì không có giải pháp thay thế.

Mối nguy hiểm thứ ba là các rủi ro khác, mà các ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát có thể không chuẩn bị tốt để giải quyết, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế mới.

Ví dụ, nguy cơ có thể đến từ lĩnh vực ngân hàng "chợ đen" đang ngày càng lớn mạnh, mà Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB) ước tính có tài sản tài chính trong năm 2018 là 50.900 tỷ USD, tương đương 13,6% tổng tài sản toàn cầu.

Các mối đe dọa khác đối với sự ổn định kinh tế có rất nhiều, từ các cuộc tấn công mạng và thất bại của trí tuệ nhân tạo đến căng thẳng thị trường trái phiếu và các vụ vỡ nợ công.

Khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý không đủ khả năng để kiểm soát những rủi ro mới đang nổi lên trong thị trường tài chính và công nghệ không được giám sát hoặc nới lỏng cảnh giác của họ trong các lĩnh vực đã được giám sát.

Cuối cùng, đó là nguy cơ tái phát dịch bệnh. Nếu không thể tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho toàn bộ người dân bên ngoài các nền kinh tế tiên tiến, chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ các nhóm chưa được tiêm chủng ủ các chủng bệnh mới, dẫn đến gia tăng các ca lây nhiễm COVID-19 mới.

Tiêm vaccine cho thế giới để ngăn chặn viễn cảnh này sẽ tiêu tốn khoảng 38 tỷ USD - một mức giá không đáng kể để thúc đẩy cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ. Các quốc gia giàu có nên cung cấp hỗ trợ cần thiết và ngừng tích trữ vaccine.

Đối mặt với những rủi ro kể trên, các nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh tế tiên tiến cũng nên lưu ý đến tác dụng phụ của các biện pháp tài chính và tiền tệ tích cực của họ.

Nhiệm vụ của họ sẽ còn khó khăn hơn nếu Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), do Mỹ đứng đầu, không cam kết các nguồn lực cần thiết để có thể tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn thế giới. Đơn giản là chúng ta không thể để xảy ra tái phát nhiều lần, đại dịch bùng phát và kinh tế bế tắc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục