Theo tác giả bài viết trên báo The Business Times, khi các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mở cửa trở lại, họ sẽ phải xử lý những thách thức kinh tế đang tăng lên và xác định cách tốt nhất để nắm bắt những cơ hội mới nhằm hướng đến một kịch bản phục hồi kinh tế mạnh mẽ, bao trùm và bền vững.
Những thách thức và ưu tiên chính sách
Thách thức đầu tiên là căng thẳng Nga-Ukraine đã gây chấn động khắp kinh tế toàn cầu.
Sự tiếp xúc trực tiếp của ASEAN với Nga và Ukraine thông qua thương mại và đầu tư dường như hạn chế. Tuy nhiên, việc giá dầu tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ năm 2008 đã khiến tỷ lệ lạm phát ở khu vực này tăng lên.
Các nhà nhập khẩu dầu tịnh của ASEAN phải đối mặt với những thách thức đáng kể do hóa đơn nhập khẩu tăng. An ninh lương thực và các chuỗi cung ứng mong manh cũng có rủi ro cao hơn.
[Các nước ASEAN tìm cách tăng cường chuỗi cung ứng hậu dịch COVID-19]
Thách thức thứ hai là xu hướng lãi suất gia tăng ở Mỹ, từ đó làm phức tạp thêm cuộc chiến lạm phát trong bối cảnh bất ổn gia tăng.
Chênh lệch lãi suất ngày càng tăng giữa các nền kinh tế ASEAN và Mỹ, cũng như sự thay đổi trong lòng tin của nhà đầu tư, có thể gây ra một sự đảo chiều đột ngột của các dòng vốn, khiến đồng tiền mất giá và tạo ra bất ổn tài chính.
Để duy trì đà phục hồi, khu vực Đông Nam Á cần phải thận trọng và chuẩn bị các hành động tập thể để ngăn chặn bất ổn tài chính khu vực. Đặc biệt, giới chức cần xử lý một cách cẩn thận những tác động tổng hợp của giá dầu cao hơn, xu hướng tăng lãi suất ở Mỹ và việc loại bỏ dần các biện pháp kích thích tài khóa.
Trong bối cảnh này, các nhà hoạch định chính sách của ASEAN phải đối mặt với ba ưu tiên chính sách quan trọng, bao gồm tăng cường hợp tác khu vực nhằm đảm bảo một sự phục hồi mạnh mẽ, thúc đẩy huy động các nguồn lực trong nước và tăng đầu tư cho tăng trưởng xanh và bao trùm. Ngoài ra, hợp tác khu vực có thể mở đường cho sự phục hồi bền vững và mạnh mẽ.
Thương mại và đầu tư mạnh mẽ sẽ đem lại cho ASEAN một "vùng đệm" trong thời kỳ suy giảm toàn cầu trong hoạt động thương mại và kinh tế. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), có hiệu lực vào đầu năm 2022, được kỳ vọng là sẽ mở rộng "vùng đệm" này.
Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) sẽ vẫn là đối tác đáng tin cậy đối với các nền kinh tế khu vực trong lĩnh vực này bằng việc cung cấp tài chính thương mại, hỗ trợ kỹ thuật và những giải pháp tri thức.
Việc "đào sâu" các thị trường vốn và trái phiếu định giá bằng đồng nội tệ của khu vực cũng có ý nghĩa then chốt. ADB đang hỗ trợ việc này thông qua Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á ASEAN+3 (gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) - ABMI.
Mục tiêu của ABMI là nuôi dưỡng các thị trường trái phiếu nội tệ như một nguồn tài trợ thay thế cho các khoản vay ngân hàng bằng ngoại tệ nhằm giảm bớt sự không tương xứng về tiền tệ và kỳ hạn phải thanh toán để tài trợ cho đầu tư của khu vực và giảm bớt rủi ro dễ bị tổn thương về tài chính.
ADB cũng hỗ trợ việc phát triển và phát hành các trái phiếu xanh, xã hội và bền vững để giúp các chính phủ đầu tư vào các chương trình bền vững môi trường, giảm nhẹ và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, và phục hồi.
Những nỗ lực của ASEAN nhằm tăng cường an ninh lương thực và năng lượng thông qua hợp tác khu vực, củng cố an ninh y tế khu vực và tăng cường các cơ chế giám sát bệnh tật có ý nghĩa then chốt để giảm bớt rủi ro và duy trì sự phát triển bền vững.
Ưu tiên thứ hai là huy động các nguồn lực trong nước hiệu quả. Điều này có ý nghĩa quan trọng nhằm khôi phục tính bền vững tài chính để duy trì sự phục hồi hậu đại dịch và các nỗ lực tài chính nhằm đạt được Các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Không gian để tạo ra sự khác biệt
ASEAN có nhiều không gian để cải thiện do mức độ huy động doanh thu từ thuế tương đối thấp. Một số thành viên ASEAN đã củng cố các hệ thống quản lý thuế của họ thông qua các giải pháp số.
ADB đang làm việc với các nền kinh tế khu vực để đơn giản hóa các quy trình cho người nộp thuế, từ đó nâng cao tính tuân thủ tự nguyện và cải thiện việc xây dựng chính sách thuế.
Sự hợp tác quốc tế về thuế là chìa khóa để chống lại tình trạng tránh thuế và trốn thuế. Để thúc đẩy điều này thông qua việc chia sẻ kiến thức và điều phối về chính sách và quản lý thuế, ADB đã cho ra mắt Trung tâm thuế châu Á-Thái Bình Dương.
Ưu tiên thứ ba là tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Châu Á-Thái Bình Dương dễ bị tổn thương trước một số tác động mang tính hủy diệt nhất của biến đổi khí hậu, và những tác động này được dự đoán sẽ còn tồi tệ hơn.
Đồng thời, khu vực này là nguồn gốc của hơn 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chúng ta cần phải nhận ra rằng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thắng hay thua sẽ được quyết định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tham vọng của ADB là tài trợ 100 tỷ USD để giúp khu vực này đối phó với thách thức biến đổi khí hậu từ năm 2019-2030, trong đó có 34 tỷ USD dành cho các dự án thích ứng.
Quỹ tài trợ xanh ASEAN (ACGF), thuộc sở hữu của tất cả các nước thành viên ASEAN và được ADB quản lý, đang hỗ trợ phát triển và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh.
Quỹ này đã huy động được 2 tỷ USD từ các nguồn lực công và tư với sự hỗ trợ từ 9 đối tác, bao gồm đồng tài trợ từ Liên minh châu Âu (EU), Italy, Anh và Quỹ khí hậu xanh theo Chương trình phục hồi xanh được phát động tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26).
ACGF được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt rủi ro trong đầu tư xanh và thu hút vốn tư nhân bằng việc cung cấp các khoản vay nhằm trang trải các chi phí vốn ban đầu cao, cũng như các khoản để hỗ trợ cho chính phủ khi họ xác định và chuẩn bị các dự án cơ sở hạ tầng xanh về mặt thương mại.
Cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM) là một chương trình đổi mới khác do Indonesia, Philippines và ADB phát động hồi năm ngoái. ETM tìm cách thúc đẩy vốn tư nhân và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ than đá sang năng lượng sạch trong ASEAN.
Cơ chế này nhằm mục đích sớm loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than, mở rộng quy mô các giải pháp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi là công bằng và hợp lý.
ETM sẽ cung cấp nguồn tài chính chi phí thấp bằng việc kết hợp tài chính công ưu đãi, đầu tư của khu vực tư nhân và các nguồn lực từ các tổ chức từ thiện. Cơ chế sáng tạo này có tiềm năng trở thành mô hình giảm khí carbon lớn nhất trên thế giới.
Khi sự phục hồi của ASEAN từ đại dịch COVID-19 chuyển sang giai đoạn cao hơn, những sáng kiến hợp tác khu vực sẽ vẫn rất quan trọng nhằm xử lý những thách thức ngày càng tăng và nắm bắt những cơ hội mới để xây dựng một tương lai vững mạnh hơn./.