Phú Yên tổ chức sản xuất cá ngừ liên kết theo chuỗi giá trị

Tỉnh Phú Yên đang xây dựng mô hình liên kết từ khâu khai thác, bảo quản, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ theo chuỗi giá trị.
Phú Yên tổ chức sản xuất cá ngừ liên kết theo chuỗi giá trị ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Phú Yên là một trong ba tỉnh (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chọn làm thí điểm tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị.

Để thực hiện đề án thí điểm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đang xây dựng mô hình liên kết từ khâu khai thác, bảo quản, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ.

Theo đó, mô hình này do Công ty cổ phần Bá Hải liên kết với ngư dân thành lập từ 4 đến 6 tổ, đội khai thác, mỗi tổ, đội có từ 6 đến 12 tàu khai thác cá ngừ trong tỉnh. Đồng thời, từ nay đến năm 2015, công ty sẽ mua 3 tàu vỏ thép loại lớn (dài 36 mét) để thu mua sản phẩm và làm dịch vụ hậu cần trực tiếp trên biển với chu kỳ từ 5 đến 8 ngày/chuyến.

Hiện Công ty cổ phần Bá Hải có 2 nhà máy chế biển thủy sản với năng lực chế biến và xuất khẩu 10.000 tấn/năm; trong đó riêng cá ngừ có thể chế biến, cấp đông 40 tấn sản phẩm/ngày (tương đương 80 tấn nguyên liệu). Công ty cổ phần Bá Hải cũng được Bộ Khoa học và Công nghệ chọn phối hợp với Tập đoàn ABI (Nhật Bản) chuyển giao công nghệ CAS trong đông lạnh sản phẩm và thiết bị cấp đông có công suất 500kg/giờ. Với công nghệ này, chất lượng cá khi rã đông vẫn giữ được tươi ngon như ban đầu.

Giám đốc Công ty cổ phần Bá Hải, ông Lê Văn Hồng khẳng định: “Chúng tôi cam kết bao tiêu toàn bộ cá ngừ và các loại cá khác cho các chủ tàu đã ký hợp đồng với công ty. Đối với cá ngừ, chúng tôi sẽ mua với giá cao hơn giá thị trường khoảng 15%, tùy theo từng thời điểm.”

Liên quan đến đề án thí điểm tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị, nhiều ngư dân ở Phú Yên cho rằng, Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản ra đời phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nguyện vọng lâu nay và sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến biển, đồng thời cùng lực lượng thực thi pháp luật bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 (thành phố Tuy Hòa) nói: “Tôi rất phấn khởi và ủng hộ chính sách này của Nhà nước, đồng thời đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh tạo mọi điều kiện để ngư dân sớm được vay vốn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá theo nội dung Nghị định 67 của Chính phủ.”

Còn ngư dân Lương Luận ở phường Phú Đông (thành phố Tuy Hòa) kiến nghị, tỉnh nên tính toán lại nguồn lao động đánh bắt xa bờ, vì hiện nay lực lượng này đang thiếu hụt trầm trọng; đồng thời sớm xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm cá, tránh tình trạng các đầu nậu ép ngư dân trong việc phân loại cá.

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên, ông Lê Văn Trúc cho biết đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các cơ quan chức năng và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức họp dân để quán triệt Nghị định 67 của Chính Phủ và xây dựng các tổ, đội sản xuất trên biển theo quy định; tập trung triển khai phương án vay vốn và tổ chức cho ngư dân đăng ký đóng mới, cải hoán tàu cá theo đúng mục đích và đối tượng.

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Phú Yên sẽ đóng mới và cải hoán hàng nghìn tàu cá gồm các tàu câu, lưới vây, dịch vụ hậu cần...

Tỉnh Phú Yên đề ra mục tiêu đến năm 2015 có 100% tàu khai thác cá ngừ được tổ chức sản xuất theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất; 90% tàu khai thác cá ngừ được quan sát hành trình khi hoạt động trên biển; 100% tàu khai thác cá ngừ được định kỳ cung cấp bản tin dự báo ngư trường (30 ngày/bản tin); giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 15%, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc từ khai thác, bảo quản, chế biến và tiêu thụ đối với nghề khai thác cá ngừ.

Đến năm 2020, tỉnh Phú Yên cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác cá ngừ nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập cho ngư dân theo hướng phát triển ngành công nghiệp khai thác cá ngừ hiệu quả và bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục