Phú Yên: Phạt giám đốc Trung tâm dạy nghề 2 năm tù treo vì chi sai

Tòa tuyên phạt bị cáo Phạm Tấn Ngoạn, Giám đốc Trung tâm, 2 năm tù (án treo) và Phạm Thị Mỹ Hòa, Kế toán Trung tâm, 1 năm 6 tháng tù (án treo) vì vi phạm quy định về kế toán.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 23/5. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Ngày 23/5, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 221 Bộ luật Hình sự xảy ra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Hướng nghiệp tỉnh Phú Yên.

Tòa tuyên phạt bị cáo Phạm Tấn Ngoạn, Giám đốc Trung tâm, bị phạt 2 năm tù (án treo) và Phạm Thị Mỹ Hòa, Kế toán Trung tâm, 1 năm 6 tháng tù (án treo).

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên, trong hai năm 2019 và 2020, vì không đủ giáo viên dạy nghề lái xe ôtô các hạng theo lưu lượng học viên đăng ký nên ông Phạm Tấn Ngoạn và bà Phạm Thị Mỹ Hòa đã thống nhất với một số cán bộ của Trung tâm ký hợp đồng lao động với 87 giáo viên thỉnh giảng và ghi tên 22 giáo viên cơ hữu của Trung tâm vào trong hồ sơ, kế hoạch đào tạo các lớp dạy nghề lái xe ôtô để đủ điều kiện được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên cấp Giấy phép đào tạo nghề lái xe.

Trong số giáo viên trên, có 86 giáo viên thỉnh giảng và 12 giáo viên cơ hữu không dạy lái xe; 8 giáo viên cơ hữu không dạy lái xe một số tháng. Tuy nhiên, ông Phạm Tấn Ngoạn và bà Phạm Thị Mỹ Hòa đã thống nhất để các giáo viên này viết, ký khống vào sổ lên lớp, sổ theo dõi thực hành lái xe nhằm hợp thức việc đào tạo nghề lái xe. Sau đó, bà Hòa làm chứng từ thanh toán và ông Ngoạn ký duyệt chi số tiền 500.000 đồng/tháng/người; tổng số tiền là 826,5 triệu đồng.

[Khởi tố, bắt tạm giam giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn]

Việc duyệt chi số tiền 500.000 đồng/người/tháng được ghi trong hợp đồng lao động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Hướng nghiệp tỉnh Phú Yên với giáo viên thỉnh giảng, giáo viên cơ hữu không phân công giảng dạy lái xe ôtô và căn cứ trên quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm về quy định phụ cấp trách nhiệm cho giáo viên dạy lái xe (kiêm nhiệm) theo mức khoán.

Trong cùng thời gian này, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Hướng nghiệp tỉnh Phú Yên đã thuê 12 xe ôtô đưa vào hồ sơ, kế hoạch đào tạo các lớp dạy nghề lái xe ôtô để đủ điều kiện được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên cấp Giấy phép đào tạo nghề lái xe nhưng các xe trên không được sử dụng để dạy lái xe. Ngoài ra, dù không có trong quy chế chi tiêu nội bộ nhưng bà Phạm Thị Mỹ Hòa đã làm chứng từ thanh toán và được ông Phạm Tấn Ngoạn duyệt chi sửa chữa 12 xe ôtô này với số tiền trên 65,8 triệu đồng.

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên kết luận: ông Phạm Tấn Ngoạn và bà Phạm Thị Mỹ Hòa đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, giả mạo chứng từ kế toán, thanh toán tiền cho giáo viên, sửa chữa xe ôtô không đúng quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước trên 892 triệu đồng.

Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên nhận thấy hành vi của các bị cáo nhằm mong muốn Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Hướng nghiệp tỉnh Phú Yên đủ điều kiện được cấp Giấy phép đào tạo nghề lái xe chứ không vì mục đích cá nhân.

Sau khi phạm tội, các bị cáo đã thành khẩn khai báo và khắc phục toàn bộ số tiền gây thất thoát. Do vậy, mức án treo cho các bị cáo thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước nhưng cũng đảm bảo tính ren đe, công bằng pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục