Thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng Dự án công trình đường bộ Cao tốc Bắc-Nam, các địa phương phải bàn giao 100% mặt bằng cho đơn vị thi công vào ngày 30/6.
Tại tỉnh Phú Yên, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan đã "chạy đua" để thực hiện nhiệm vụ này.
Nhộn nhịp trên các công trường
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, công trường xây dựng cầu vượt sông Kỳ Lộ của dự án thành phần đoạn Quy Nhơn-Chí Thạnh qua tỉnh Phú Yên nhộn nhịp các loại xe, máy, phương tiện và công nhân đang thi công.
Cây cầu vượt này có chiều dài gần 2km, đi qua các xã An Dân và An Định của huyện Tuy An, thuộc gói thầu xây lắp XL-13.
Đến nay, đơn vị thi công đã triển khai khoan trụ T26 và tiến hành làm đường công vụ 09 phục vụ thi công mố cầu phía Bắc.
Đây chỉ là một trong số 46 mũi thi công tại dự án thành phần gồm Quy Nhơn-Chí Thạnh dài 42,07km do Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư đang được triển khai thi công.
[Giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu vẫn là điểm nghẽn Cao tốc Bắc-Nam]
Không khí nhôn nhịp trên công trường còn được ghi nhận tại 20 mũi thi công cầu, 24 mũi thi công đường và 2 mũi thi công hầm.
Các hạng mục thi công hiện tại chủ yếu là đào, đắp nền đường, làm đường công vụ, khoan cọc nhồi, dọn mặt bằng, thi công bãi đúc, chứa dầm...
Trên toàn bộ dự án thành phần, các đơn vị thi công đã huy động hơn 500 đầu máy móc, thiết bị với nhân sự làm việc là 547 kỹ sư, công nhân, lái máy.
Ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc điều hành dự án, Ban Quản lý dự án 85, cho biết sau khi nhận được bàn giao mặt bằng từ chính quyền địa phương, chủ đầu tư đã triển khai tổ chức thi công ngay.
Các hạng mục là đường găng tiến độ của dự án được ưu tiên tập trung nhân lực, máy móc để đáp ứng theo kế hoạch.
Hiện nay công tác quản lý chất lượng, tiến độ, an toàn lao động, vệ sinh môi trường cho từng gói thầu và cả dự án cơ bản đảm bảo, đáp ứng yêu cầu.
Tại Dự án thành phần Chí Thạnh-Vân Phong dài 48,052km do Ban quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư cũng đang tổ chức 33 mũi thi công theo tiến độ mặt bằng được bàn giao.
Đặc biệt ở dự án này có hạng mục hầm Tuy An xuyên đèo với chiều dài hơn 1km đang được các nhà thầu khẩn trương thực hiện đúng tiến độ được giao.
Theo ông Hồ Xuân Thắng, Giám đốc dự án thuộc Ban Quản lý Dự án 7, tại các gói thầu xây lắp XL01 và XL02, nhà thầu đã huy động 287 thiết bị xe cơ giới với 160 kỹ sư, 626 công nhân để tổ chức thi công.
Sản lượng thi công toàn Dự án đến này đạt khoảng 237,76/7.557 tỷ đồng đạt 3,15% hợp đồng (trong đó: XL01: 35,32 tỷ đồng, XL02: 202,44 tỷ đồng).
Đặc biệt tại hạng mục hầm xuyên đèo Quán Cau (huyện Tuy An) hai nhà thầu Lũng Lô, Đèo Cả đang thi công đúng tiến độ với sản lượng đạt 5,51% giá trị hợp đồng.
Vẫn gặp khó trong giải phóng mặt bằng
Tính đến ngày 12/6, tỉnh Phú Yên đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án 7 và Ban Quản lý Dự án 85 là 83,17km, đạt 92,29%, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng.
Tuy nhiên trong số này, diện tích mặt bằng có thể thi công ngay là 65,85km, đạt hơn 73% diện tích đã bàn giao.
Việc một số vị trí chưa bàn giao mặt bằng triệt để khiến cho các đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn.
Ông Phạm Văn Hưng, Chỉ huy trưởng công trường gói thầu XL-13, cho biết cầu Kỳ Lộ là đường găng tiến độ nên được các đơn vị tập trung nhiều nhân lực, thiết bị để thi công.
Thời tiết trong mùa khô nên thuận lợi cho việc đào, đắp, khoan cọc để làm các mố, trụ cầu.
Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn như giải phóng mặt bằng của một số hộ dân, đặc biệt là hệ thống đường dây điện hạ thế.
Bên cạnh đó, việc thuê mượn đất để triển khai các bãi đúc dầm rất khó khăn; gói thầu 13XL chưa có bãi thải để triển khai đồng bộ việc thi công trên toàn tuyến.
Nếu ngày 30/6 không đảm bảo được mặt bằng để thi công thì nhà thầu sẽ gặp khó vì mùa mưa lũ đến, lo là sẽ ảnh hưởng chung đến tiến độ của dự án.
Hiện nay, một số diện tích mặt bằng, chính quyền địa phương chưa thể bàn giao vì chưa thi công xong các khu tái định cư; nguồn gốc đất chưa rõ ràng nên không thể áp giá hỗ trợ, đền bù.
Cùng đó, có 17 trường hợp phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vì việc quy chủ và nguồn gốc đất quá phức tạp.
Đối với những hộ thuộc diện phải di dời nhưng chưa xây dựng khu tái định cư nên phải xây dựng các phương án tạm cư.
Theo ông Phạm Văn Bảy, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo đền bù giải phóng mặt bằng huyện Tuy An, địa phương đã rất nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng nhưng còn chậm vì nhiều lý do khách quan như diện tích lớn với nhiều loại đất khác nhau nên việc kiểm kê, áp giá rất khó khăn.
Trước mắt, địa phương mới ưu tiên thực hiện giải phóng mặt bằng các vị trí đường găng tiến độ. Những vị trí còn lại sẽ được bàn giao sớm nhất và nhà thầu có thể thi công theo hình thức cuốn chiếu.
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 299 trụ điện cao thế phải di dời để phục vụ cho Dự án đường bộ Cao tốc Bắc-Nam.
Hồ sơ thiết kế di dời đã được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thẩm định và chấp thuận.
Khó khăn hiện nay các địa phương đang tập trung phê duyệt hồ sơ thiết kế để làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện công tác di dời.
Do vậy, khả năng trong tháng 6/2023 sẽ không hoàn thành công tác di dời lưới điện 110kV, 220kV bị ảnh hưởng như kế hoạch do các địa phương đã đăng ký.
Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên mới chỉ có 3/12 khu tái định cư thi công đảm bảo hoàn thành trong tháng 6/2023; còn lại 9/12 khu, khả năng không đảm bảo tiến độ.
Nguyên nhân là do khó khăn về nguồn đất đắp để xây dựng các khu tái định cư (tại thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An); thủ tục giải quyết việc hoán đổi đất của các hộ dân bị ảnh hưởng khu của tái định cư tại thị xã Đông Hòa.
Theo ông Huỳnh Gia Hoàng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên (cơ quan thường trực thực hiện giải phóng mặt bằng), giai đoạn đầu tỉnh Phú Yên là một trong những địa phương chậm trong giải phóng mặt bằng phục vụ dự án cao tốc Bắc-Nam.
Đến nay, với sự cố gắng của các địa phương, đơn vị nên Phú Yên đang nằm trong tốp 4 địa phương giải phóng mặt bằng tốt nhất cho dự án này.
Đối với những diện tích còn lại chưa thể giải phóng mặt bằng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đang chỉ đạo quyết liệt các địa phương để hoàn thành giao chủ đầu tư kịp thời điểm 30/6.
Đối với các hộ dân phải di dời mà chưa có chỗ tái định cư, thì địa phương thực hiện việc hỗ trợ tạm cư tối đa 6 tháng.
Riêng việc di dời hệ thống điện 110kV và 220kV sẽ thực hiện việc lựa chọn nhà thầu để chỉ định thầu theo quy định của pháp luật./.