Ngày 25/10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế tổ chức cuộc họp khẩn với các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chức năng triển khai các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang có khả năng mạnh lên thành bão trên Biển Đông.
Báo cáo tại cuộc họp, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới, từ 19h ngày 23 đến 14h ngày 25/10, Phú Yên có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 60,5-237,6mm.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7h ngày 26/10, vị trí tâm bão cách bờ biển Bình Định đến Bình Thuận khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Phú Yên có 4.106 tàu cá với 24.600 lao động. Đến chiều 25/10, có 239 tàu cá với 1.286 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó có 5 tàu cá nằm trong vùng nguy hiểm ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Các tàu cá đã được thông báo hướng di chuyển của áp thấp, bão; đang di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm vào nơi tránh trú an toàn.
[Bình Thuận, Thanh Hóa, Quảng Nam thiệt hại nặng nề do mưa lũ]
Các địa phương ven biển của Phú Yên chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, sử dụng phương tiện kêu gọi người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên các vịnh, đầm vào bờ đảm an toàn, sẵn sàng lực lượng ứng cứu khi có sự cố xảy ra trên biển.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sông Cầu Lâm Duy Dũng, ảnh hưởng của mưa lớn trong những ngày qua, nước từ thượng nguồn đổ về một lượng lớn làm ngọt hóa vùng nuôi tôm hùm thị xã Sông Cầu khiến 8.400 con tôm hùm và 12 tạ cá của 22 hộ dân khối phố Phước Lý, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu bị chết, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế yêu cầu các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử lý khi có tình huống xảy ra; thường xuyên, liên tục thông báo các phương tiện đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; chủ động sơ tán người dân trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển; bảo vệ các tuyến kè biển đang thi công như kè Đà Diễn, Đà Nông, Xóm Rớ an toàn trước nguy cơ bị sóng biển tàn phá.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh lưu ý các địa phương sẵn sàng phương án “4 tại chỗ,” chuẩn bị phương án sơ tán dân gắn với đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời, theo dõi chặt diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão lũ, cắt cử lực lượng chốt chặn các tràn, đập nước, có phương án di dời người và tài sản đến nơi an toàn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra./.