Từ đầu năm đến nay người nuôi tôm tại tỉnh Phú Yên gặp nhiều khó khăn do giá cả bấp bênh.
Với những diễn biến phức tạp của thời tiết, người nuôi tôm cũng rất lo lắng trước những rủi ro trong mùa mưa bão. Do vậy, người dân đang triển khai các giải pháp chủ động phòng tránh, tranh thủ thu hoạch và xuất bán tôm.
Giá tôm thương phẩm giảm
Trước tháng Ba năm nay, tôm hùm xanh tại các vùng nuôi của tỉnh Phú Yên có giá từ 800.000-900.000 đồng/kg và được nhiều thương lái thu mua. Nhưng từ tháng Tư đến nay, giá tôm hùm xanh liên tục giảm.
Giá thấp nên người nuôi tôm đã kéo thêm thời gian nuôi từ 2-4 tháng. Tuy nhiên đến nay, giá vẫn ở mức thấp, từ 600.000-700.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, tôm hùm xanh loại lớn (loại 0,4kg trở lên) tiêu thụ chậm, giá bán thấp hơn loại nhỏ nên nhiều người nuôi tôm thua lỗ.
Anh Nguyễn Văn Quốc, một người nuôi tôm hùm ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, cho hay đợt này thị trường Trung Quốc chuộng tiêu thụ tôm hùm xanh loại nhỏ, nhưng giá cũng thấp hơn nhiều so với trước đây. Nếu trước đây tôm bán được 950.000 đồng/kg, nay chỉ bán hơn 700.000 đồng/kg. Tôm hùm xanh loại lớn có giá bán thấp hơn loại nhỏ gần 100.000 đồng/kg. Với giá này, vụ nuôi tôm năm nay của anh Quốc thua lỗ.
Theo Ủy ban Nhân dân thị xã Sông Cầu, hiện nay lượng tôm hùm đến kỳ xuất bán của người nuôi tôm toàn thị xã khoảng 700 tấn. Riêng lượng tôm hùm xanh loại lớn hiện còn khoảng 100 tấn. Nhiều người dân có tôm hùm xanh loại lớn đành chấp nhận bán với giá thấp hơn tôm hùm xanh loại nhỏ. Bởi nếu tiếp tục nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro trong mùa mưa bão.
Năm nay, tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước lợ trên địa bàn tỉnh Phú Yên cơ bản ổn định. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi nên tôm nuôi phát triển chậm. Trong khi đó, giá tôm thương phẩm khi xuất bán ra thị trường cũng bấp bênh nên lợi nhuận không cao.
Ông Lê Văn Sang, người nuôi tôm ở phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa, cho biết năm nay, gia đình ông thả nuôi 3 hồ tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích gần 1,8ha. So với các năm trước, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi năm nay có giảm. Tuy nhiên, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg lúc đầu vụ khoảng 100.000 đồng/kg, nhưng từ giữa đến cuối vụ chỉ còn khoảng 80.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ còn 70.000-75.000 đồng/kg. Do giá tôm thương phẩm thấp nên cả ba vụ nuôi năm nay, ông Sang chỉ lãi hơn 30 triệu đồng.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Đông Hòa Nguyễn Văn Hồng thông tin, năm nay, tình hình dịch bệnh tôm nuôi được khống chế kịp thời, không để lây lan diện rộng. Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt làm tôm nuôi kém phát triển. Giá tôm thương phẩm giảm hơn 20.000 đồng/kg so với các năm trước nên đa số người nuôi tôm có thu nhập không cao.
Từ đầu năm đến nay, người dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã thả nuôi khoảng 2.685ha thủy sản các loại, trong đó có khoảng 2.170ha tôm nước lợ. Trước tình hình giá tôm hùm và tôm thẻ chân trắng liên tục giảm, ngành thủy sản Phú Yên khuyến cáo người dân có kế hoạch nuôi hợp lý, giảm số lượng lồng bè, tăng cường kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường vùng nuôi. Thị trường Trung Quốc không ổn định nên người nuôi tôm cần chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới để không phụ thuộc vào một thị trường của nước nào.
Nỗi lo mùa mưa bão
Trong mùa mưa bão, người nuôi tôm hùm tại Phú Yên lại lo lắng bảo vệ các lồng tôm của mình. Những ngày qua, người nuôi tôm hùm tại thị xã Sông Cầu tập trung bảo vệ vùng nuôi, thu hoạch tôm để tránh thiệt hại do mưa bão.
Ông Nguyễn Văn Trung, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, cho biết vụ tôm năm nay, gia đình ông nuôi 80 lồng tôm hùm. Trung bình mỗi lồng tôm, ông thả nuôi 200 con tôm hùm xanh. Dù đã đến mùa mưa bão nhưng phần lớn tôm chưa xuất bán. Do vậy, ông thường xuyên theo dõi để tránh chìm lồng. Khi lượng nước bị ảnh hưởng, ông phải kéo lồng lên để giảm thiệt hại. Nếu có bão thì ông tìm cách giằng bè tránh bị trôi.
Toàn tại thị xã Sông Cầu hiện có hơn 4.000 hộ dân ở các xã, phường Xuân Phương, Xuân Thành, Xuân Yên và Xuân Thịnh thả nuôi tôm hùm. Người dân tận dụng nhiều vùng nước ở đầm, vịnh để thả lồng. Khi có bão xảy ra, nếu không có các biện pháp hiệu quả thì thiệt hại rất lớn. Mưa lớn kéo dài cũng khiến cho lượng nước ngọt tăng dẫn đến tôm chết. Việc quản lý của địa phương đối với vùng nuôi tôm hiện gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, cho biết hiện chính quyền địa phương đã định vị lồng nuôi tôm, cảnh báo môi trường nhằm giảm bớt thiệt hại khi có mưa bão xảy ra. Tuy nhiên, mỗi khi gặp gió nồm, triều cường thì nước ngọt đổ ra biển sẽ dội ngược cùng bùn đất, tôm thường bị chết ngạt, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi. Mặt khác, do số lượng lồng tôm dày đặc nên giải pháp di chuyển lồng ra xa khó khả thi. Vào mùa mưa bão, người dân cần chủ động trong việc chằng chống, neo buộc các lồng bè của mình để đảm bảo an toàn.
Toàn tỉnh Phú Yên hiện có 165.000 lồng nuôi tôm hùm, phần lớn ở thị xã Sông Cầu, còn lại ở thị xã Đông Hòa và huyện Tuy An. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã yêu cầu các địa phương ven biển hướng dẫn hộ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm hùm lồng bè thu hoạch và xuất bán tôm đạt kích cỡ thương phẩm trước mùa mưa bão năm 2024 để tránh thiệt hại.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên Đào Quang Minh cho biết thời gian nuôi của tôm hùm xanh từ 8-10 tháng và tôm hùm bông từ 16-18 tháng nên thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ.
Các địa phương trong tỉnh đang tích cực tuyên truyền người dân thường xuyên kiểm tra, gia cố lồng bè trong mùa mưa bão. Khi tôm đạt được kích cỡ thương phẩm cần xuất bán ngay để hạn chế rủi ro. Người dân chuẩn bị các trang thiết bị, hóa chất, nguyên liệu cần thiết trong mùa mưa bão. Chi cục đang phối hợp với các địa phương xây dựng quy hoạch chi tiết khu vực nuôi tôm hùm phù hợp, an toàn./.
Giá tăng nhưng người nuôi tôm không còn nhiều để bán
Những tháng đầu năm 2024, thời tiết bất lợi đã khiến tôm nuôi ăn kém, chậm lớn, dễ mắc bệnh về đường tiêu hóa…Đã có không ít hộ nuôi thiệt hại rất sớm sau thả giống khoảng 1 tháng.