Nạn khai thác, vận chuyển diatomite trái phép trên địa bàn xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, diễn ra từ hơn 10 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.
Dọc theo con đường chính qua địa bàn xã An Xuân, chỉ một đoạn ngắn từ dốc cây me nằm ở đầu xã lên mỏ khai thác diatomite của Công ty phát triển khoáng sản 5 (Tổng công ty khoáng sản Việt Nam) trước đây có ít nhất 4 địa điểm khai thác diatomite lộ thiên. Với quy trình khai thác khá đơn giản: chỉ cần một cái xà beng hoặc cuốc để nạy, đào đất và một cái dao hoặc cào cỏ để đập nhỏ miếng đất rồi đem phơi khô, sau đó vào bao bán cho tư thương hoặc doanh nghiệp.
Có thể nói, An Xuân là “trung tâm” khai thác diatomite trái phép ở Phú Yên vì diễn ra từ năm 2001 đến nay khi loại khoáng sản này trở thành nguồn “nguyên liệu lý tưởng” để cải tạo ao đìa nuôi tôm. Khi đó, cuộc sống người dân các thôn Xuân Lộc, Xuân Bình trở nên sôi động vì họ nhận ra rằng mình đang sống trên đống vàng vì giá diatomite từ 600.000-650.000 đồng/tấn.
Do diatomite được giá trong khi chi phí khai thác không bao nhiêu nên lượng người khai thác nhiều, tranh nhau buôn bán tự do, dần dần bị tư thương, doanh nghiệp ép giá. Mặc dù, đến thời điểm hiện nay giá diatomite chỉ còn 200.000-400.000 đồng/tấn tùy chất lượng, nghĩa là giảm ít nhất 250.000-400.000/tấn so cách đây12 năm nhưng lượng người khai thác loại khoáng sản này vẫn cứ nhiều.
Tại một điểm khai thác rộng khoảng 4ha (nguyên trước đây là rẫy của dân) có nhiều hầm đã khai thác diatomite ở độ sâu từ 2-4m, trên mặt đất là vài trăm bao tải đã đựng diatomite để chuẩn bị vận chuyển cùng khoảng vài chục đống diatomite thô vừa được đào lên chưa phơi. Chị Nguyễn Thị Trang đang cùng con trai băm và xúc diatomite đã phơi khô vào bao, vừa cho biết: Khu đất này thuê lại của chủ đất từ hơn một tháng nay. Trung bình mỗi ngày đào được 50 bao loại 20 kg, bán tại chỗ giá 4.000 đồng/bao; được hưởng một nửa, còn lại là chủ đất.
Tương tự tại một điểm khai thác khác, anh Nguyễn Văn Phân quê ở xã An Định lên đây làm thuê cho chủ đất, nói rằng: Khu đất này trước đây trồng mía nhưng bây giờ chuyển sang khai thác diatomite vì thu nhập cao hơn. Qua trao đổi, anh Phân cho biết mỗi ngày hai cha con anh làm được 70 đến 90 bao, mỗi bao anh được chủ đất trả công 2.500 đồng.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Xuân Lê Văn Nhơn cho biết: Trên địa bàn xã có một công ty đang khai thác nhưng không đúng vị trí nên tạm dừng. Còn việc người dân khai thác diatomite là trái phép mặc dù chính quyền đã nhiều lần thành lập đội kiểm tra và xử lý.
Mới đây, qua kiểm tra tại hai thôn Xuân Bình và Xuân Lộc có 6 vị trí khai thác diatomite rộng gần 8.000m2 với 27 hộ tham gia. Các hầm đã khai thác diatomite sâu từ 2-4m; không kể diatomite đã được đóng bao, khối lượng diatomite thô dồn thành từng đống khoảng 850m3. “Qua kiểm tra, Ủy ban Nhân dân xã đã mời các hộ dân đến vận động, tuyên truyền đây là đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp nên phải sử dụng đúng mục đích, việc khai thác khoáng sản như vậy là trái phép; nếu các hộ dân vẫn cố tình sẽ tiến hành lập biên bản và xử lý theo quy định của pháp luật,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Xuân nói.
Tuy vậy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Xuân cũng thừa nhận việc xử phạt là rất khó vì nhiều lý do như hầu hết là người làm công, thuộc diện nghèo và sống tại địa phương. Hơn nữa việc vận chuyển diễn ra vào ban đêm, trong khi đó việc phối hợp giữa chính quyền huyện Tuy An với xã chưa chặt chẽ và thường xuyên.
Huyện Tuy An là địa phương có trữ lượng diatomite lớn nhất nước ta, chất lượng tốt và lộ thiên nên dễ khai thác. Diatomite dùng sản xuất bột trợ lọc thay thế hàng nhập khẩu phục vụ cho ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, làm chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Từ tình trạng bát nháo trên, vấn đề đặt ra là chính quyền tỉnh Phú Yên và các cơ quan chức năng trong tỉnh cần kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng khai thác, buôn bán và vận chuyển diatomite trái phép đang diễn ra hiện nay./.
Dọc theo con đường chính qua địa bàn xã An Xuân, chỉ một đoạn ngắn từ dốc cây me nằm ở đầu xã lên mỏ khai thác diatomite của Công ty phát triển khoáng sản 5 (Tổng công ty khoáng sản Việt Nam) trước đây có ít nhất 4 địa điểm khai thác diatomite lộ thiên. Với quy trình khai thác khá đơn giản: chỉ cần một cái xà beng hoặc cuốc để nạy, đào đất và một cái dao hoặc cào cỏ để đập nhỏ miếng đất rồi đem phơi khô, sau đó vào bao bán cho tư thương hoặc doanh nghiệp.
Có thể nói, An Xuân là “trung tâm” khai thác diatomite trái phép ở Phú Yên vì diễn ra từ năm 2001 đến nay khi loại khoáng sản này trở thành nguồn “nguyên liệu lý tưởng” để cải tạo ao đìa nuôi tôm. Khi đó, cuộc sống người dân các thôn Xuân Lộc, Xuân Bình trở nên sôi động vì họ nhận ra rằng mình đang sống trên đống vàng vì giá diatomite từ 600.000-650.000 đồng/tấn.
Do diatomite được giá trong khi chi phí khai thác không bao nhiêu nên lượng người khai thác nhiều, tranh nhau buôn bán tự do, dần dần bị tư thương, doanh nghiệp ép giá. Mặc dù, đến thời điểm hiện nay giá diatomite chỉ còn 200.000-400.000 đồng/tấn tùy chất lượng, nghĩa là giảm ít nhất 250.000-400.000/tấn so cách đây12 năm nhưng lượng người khai thác loại khoáng sản này vẫn cứ nhiều.
Tại một điểm khai thác rộng khoảng 4ha (nguyên trước đây là rẫy của dân) có nhiều hầm đã khai thác diatomite ở độ sâu từ 2-4m, trên mặt đất là vài trăm bao tải đã đựng diatomite để chuẩn bị vận chuyển cùng khoảng vài chục đống diatomite thô vừa được đào lên chưa phơi. Chị Nguyễn Thị Trang đang cùng con trai băm và xúc diatomite đã phơi khô vào bao, vừa cho biết: Khu đất này thuê lại của chủ đất từ hơn một tháng nay. Trung bình mỗi ngày đào được 50 bao loại 20 kg, bán tại chỗ giá 4.000 đồng/bao; được hưởng một nửa, còn lại là chủ đất.
Tương tự tại một điểm khai thác khác, anh Nguyễn Văn Phân quê ở xã An Định lên đây làm thuê cho chủ đất, nói rằng: Khu đất này trước đây trồng mía nhưng bây giờ chuyển sang khai thác diatomite vì thu nhập cao hơn. Qua trao đổi, anh Phân cho biết mỗi ngày hai cha con anh làm được 70 đến 90 bao, mỗi bao anh được chủ đất trả công 2.500 đồng.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Xuân Lê Văn Nhơn cho biết: Trên địa bàn xã có một công ty đang khai thác nhưng không đúng vị trí nên tạm dừng. Còn việc người dân khai thác diatomite là trái phép mặc dù chính quyền đã nhiều lần thành lập đội kiểm tra và xử lý.
Mới đây, qua kiểm tra tại hai thôn Xuân Bình và Xuân Lộc có 6 vị trí khai thác diatomite rộng gần 8.000m2 với 27 hộ tham gia. Các hầm đã khai thác diatomite sâu từ 2-4m; không kể diatomite đã được đóng bao, khối lượng diatomite thô dồn thành từng đống khoảng 850m3. “Qua kiểm tra, Ủy ban Nhân dân xã đã mời các hộ dân đến vận động, tuyên truyền đây là đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp nên phải sử dụng đúng mục đích, việc khai thác khoáng sản như vậy là trái phép; nếu các hộ dân vẫn cố tình sẽ tiến hành lập biên bản và xử lý theo quy định của pháp luật,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Xuân nói.
Tuy vậy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Xuân cũng thừa nhận việc xử phạt là rất khó vì nhiều lý do như hầu hết là người làm công, thuộc diện nghèo và sống tại địa phương. Hơn nữa việc vận chuyển diễn ra vào ban đêm, trong khi đó việc phối hợp giữa chính quyền huyện Tuy An với xã chưa chặt chẽ và thường xuyên.
Huyện Tuy An là địa phương có trữ lượng diatomite lớn nhất nước ta, chất lượng tốt và lộ thiên nên dễ khai thác. Diatomite dùng sản xuất bột trợ lọc thay thế hàng nhập khẩu phục vụ cho ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, làm chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Từ tình trạng bát nháo trên, vấn đề đặt ra là chính quyền tỉnh Phú Yên và các cơ quan chức năng trong tỉnh cần kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng khai thác, buôn bán và vận chuyển diatomite trái phép đang diễn ra hiện nay./.
Thế Lập (TTXVN)