Ngày 23/6, tại thành phố Tuy Hòa, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên tổ chức tọa đàm khoa học về thuận lợi và thách thức việc nạo vét hạ lưu sông Ba với sự tham gia của các nhà khoa học thuộc các bộ, trường đại học và lãnh đạo các sở, ban ngành địa phương.
Sông Ba là con sông lớn nhất miền Trung dài 374 km, bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô (tỉnh Kon Tum) trên độ cao 1.519 mét, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên dài 90 km với diện tích lưu vực 2.420 km2, riêng vùng hạ lưu đoạn từ Gành Bà đến cửa sông Đà Rằng dài hơn 10 km.
Những năm qua đã có nhiều công trình, đề tài nghiên cứu về thủy văn, nguồn nước, dòng chảy, tài nguyên nước lưu vực sông Ba. Tuy nhiên, công tác chỉnh trị vùng hạ lưu sông Ba, đoạn từ Gành Bà đến cửa sông Đà Rằng chưa được nghiên cứu thấu đáo để bảo vệ bờ, đặc biệt là những khu vực bị xói lở nghiêm trọng.
Theo các nhà khoa học, sông Ba đoạn qua tỉnh Phú Yên là đoạn sông miền núi quá độ chuyển tiếp ngắn đến vùng cửa sông, lòng sông dốc và không ổn định, thời gian tập trung lũ nhanh. Vùng cửa sông Đà Rằng có nhiều bãi, dịch chuyển hỗn loạn theo thời gian và không gian, là một cửa sông rất phức tạp về biến đổi hình thái cửa sông Việt Nam.
Trong khi đó, mưa lũ xảy ra thường xuyên, nạn phá rừng đầu nguồn, khai thác cát, sạn trái phép diễn ra phổ biến, ảnh hưởng của các công trình thủy điện…dẫn đến làm thay đổi dòng chảy, mùa mưa lũ gây xói mòn, sạt lở bờ sông, bồi lấp cửa sông Đà Rằng, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cửa biển, ảnh hưởng lớn đến phát triển bền vững về kinh tế-xã hội của tỉnh Phú Yên.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu, nhà khoa học đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp hạn chế lũ quét vùng thượng lưu, đảm bảo dòng chảy tối thiểu cho hạ lưu; việc nạo vét cát hạ lưu sông Ba phải được quy hoạch, khoa học, cần nghiên cứu kỹ đến yếu tố tác động môi trường.
Phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Văn Huân, Viện trưởng Viện Kỹ thuật biển (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) kiến nghị tỉnh Phú Yên cần khi thực hiện dự án nạo vét hạ lưu sông Ba phải xây dựng đồng bộ các công trình ổn định cửa sông Đà Rằng, kè biển chống sạt lở, đồng thời tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về sự biến đổi môi trường, hệ sinh thái và lòng dẫn khi nạo vét dòng kết hợp với giao thông đường thủy; chú ý ứng dụng công nghệ, vật liệu mới để xây dựng các công trình chỉnh trị sông Ba từ cửa biển Đà Rằng lên đập Đồng Cam.
Tỉnh Phú Yên và các địa phương có sông Ba chảy qua cần bảo vệ nghiêm ngặt và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn; các nhà máy thủy điện phải thực hiện nghiêm quy chế phối hợp điều tiết, cắt lũ; việc khai thác các loại vật liệu xây dựng trên sông phải theo đúng quy hoạch, quy trình.
Tọa đàm là cơ sở để tỉnh Phú Yên đưa ra những quyết định đúng đắn trong việc nạo vét hạ lưu Sông Ba để góp phần phát triển kinh tế-xã hội và hạn chế thấp nhất những tác động đến cuộc sống người dân sống hai bên bờ sông./.