Phú Thọ: Vùng đất “Tam Cửu” đang thay da đổi thịt hàng ngày

So với hơn chục năm về trước, "Tam Cửu" hiện đã có sự thay đổi, khởi sắc và phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các xã vùng cao được cải thiện.
Phú Thọ: Vùng đất “Tam Cửu” đang thay da đổi thịt hàng ngày ảnh 1Máy xay xát - “phương tiện công nghiệp hóa” đầu tiên xuất hiện trên bản Sinh Trên, xã Thượng Cửu, giúp người dân giảm công sức lao động, cải thiện chất lượng đời sống. (Nguồn: báo Phú Thọ)

“Tam Cửu” là cách gọi tắt của đồng bào vùng cao đối với ba xã đặc biệt khó khăn ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, gồm Khả Cửu, Thượng Cửu và Đông Cửu.

So với hơn chục năm về trước, "Tam Cửu" hiện đã có sự thay đổi, khởi sắc và phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các xã vùng cao được cải thiện.

Tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Khả Cửu Bùi Ngọc Hà cho biết xã có địa bàn rộng, ít người dân sinh sống, với trên 90% dân số là người dân tộc thiểu số. Trước kia, điều kiện tự nhiên và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn, đường giao thông chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo cao…

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, diện mạo nông thôn của xã vùng cao này đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực.

Nhờ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, người dân Khả Cửu đã tiếp cận các nguồn vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo. Người dân trong xã chủ động tìm hiểu, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có năng suất và sản lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vào phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ đó, đời sống của họ đã được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 23,5 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 100%; trong đó, điện lưới quốc gia là 98%. Hệ thống y tế xã được củng cố và phát triển, tạo thuận lợi cho người dân chăm sóc sức khỏe. Toàn xã có 98% dân số tham gia Bảo hiểm y tế. Xã đã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới.

Trăn trở về tuyến đường huyết mạch từ Văn Miếu qua Khả Cửu ngược lên Thượng Cửu bị xuống cấp nghiêm trọng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Khả Cửu chia sẻ đường xuống cấp nghiêm trọng cả chục năm nay nhưng chưa được sửa chữa mặc dù cử tri đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên. Điều này gây khó khăn trong việc giao thương hàng hóa và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

"Người dân xã Khả Cửu nói riêng và hai xã Văn Miếu, Thượng Cửu nói chung mong muốn được Nhà nước đầu tư nâng cấp con đường để cuộc sống của họ bớt khổ; đồng thời, tạo thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán; tránh tình trạng ô nhiễm môi trường, ổn định đời sống, yên tâm sản xuất,” Bí thư Đảng ủy xã Văn Miếu Hà Văn Quý đề nghị.

[Phú Thọ chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị]

Về việc này, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Sơn cho hay dự án nâng cấp, sửa chữa tuyến đường từ Văn Miếu đi Thượng Cửu đã được khởi công từ cuối năm 2022, phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng nhân kỷ niệm 190 năm thành lập huyện Thanh Sơn cuối năm 2023.

Cùng với đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án giai đoạn 1 (từ xã Văn Miếu đi xóm Hắm, xã Khả Cửu), huyện đã báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập dự án Cải tạo, sửa chữa đường giao thông Văn Miếu-Thượng Cửu (giai đoạn 2) đoạn từ xóm Hắm, xã Khả Cửu đến km16+769 thuộc xã Thượng Cửu với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng.

Không còn "trắng" sóng di động

Xã Thượng Cửu nằm heo hút giữa bạt ngàn núi rừng. Anh Phùng Đình Kiên, cán bộ văn hóa xã Thượng Cửu bộc bạch, cách đây khoảng 10 năm, Sinh Tàn là khu đặc biệt khó khăn của xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn.

Mặc dù chỉ cách trung tâm xã khoảng 4km nhưng phải mất cả giờ đồng hồ đi xe máy mới ra đến trung tâm do đường đất cheo leo bên sườn núi, lầy lội và nhỏ hẹp. Ước mơ bao đời nay của người dân khu Sinh Tàn là có một con đường để có cơ hội phát triển, đổi đời.

Bên ấm trà nóng, Bí thư Chi bộ Sinh Tàn, Đặng Thế Mão bộc bạch, bản Dao giờ đã đổi thay, đường bêtông đã vào tận khu. Nhờ đó, người dân nơi đây đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Nhiều cách làm mới, cách nghĩ mới đã “kéo” Sinh Tàn gần hơn với bên ngoài.

Đứng trên đỉnh Èn Choong nhìn vào khu, những ngôi nhà mới xây lấp ló đã minh chứng cho ước vọng đổi thay của đồng bào bản Dao và chứng minh cho ý nghĩa của con đường “ý Đảng, lòng dân.”

Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thượng Cửu, chia sẻ từ khi có con đường bêtông từ Sinh Tàn ra trung tâm xã, các loại lâm sản, nông sản đã tiếp cận dễ dàng hơn với thương lái, đóng góp một phần không nhỏ của sự phát triển kinh tế của địa phương. Kinh tế phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm còn 15,9%; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; trình độ dân trí từng bước được nâng lên…

“Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, từ những chương trình nông thôn mới và phát triển giao thông miền núi, đường giao thông đã vào đến tận khu, người dân đã được dùng điện lưới quốc gia và đến nay đã có sóng điện thoại, các dịch vụ viễn thông đến tận các khu” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thượng Cửu Đinh Văn Dũng cho biết thêm.

Ông Bàn Văn Chiêu, khu Sinh Tàn, cho biết trước đây, người dân trong khu muốn liên lạc với nhau phải đến tận nhà. Nhiều hôm con bị ốm, muốn thông báo cho thầy, cô giáo phải đến tận trường mất rất nhiều thời gian. Giờ có sóng di động có thể gọi điện hỏi thăm người thân, họ hàng nơi xa, hỏi cách làm ăn để phát triển kinh tế…

Phú Thọ: Vùng đất “Tam Cửu” đang thay da đổi thịt hàng ngày ảnh 2Đường lên Sinh Tàn được bêtông hóa, tạo thuận lợi cho việc đi lại và phát triển kinh tế của nhân dân. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Phú Thọ)

Sau nhiều năm “trắng” sóng di động, giờ đây, hơn 70 hộ gia đình dân tộc Dao ở khu Sinh Tàn đã có được cơ hội sử dụng các dịch vụ thông tin liên lạc, không chỉ trên sóng 3G mà còn kết nối qua mạng Internet với công nghệ 4G.

Việc phủ sóng điện thoại di động, Internet tại khu vực này giúp đồng bào dân tộc nơi đây nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển, thu hẹp khoảng cách chất lượng cuộc sống giữa các vùng miền. Đặc biệt, các học sinh có điều kiện sống, học tập tốt hơn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em.”

Thụ hưởng các chính sách ưu tiên của Nhà nước

Đông Cửu là xã cuối cùng của "Tam Cửu." Trên con đường dẫn vào trung tâm xã, xen lẫn giữa những vạt rừng sắp độ thu hoạch là những nếp nhà xây kiên cố vẫn còn tươi màu sơn. Dọc hai bên đường đã có nhiều cửa hàng tạp hóa cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân dân. Có thể nói, sự nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc ở Đông Cửu đã hiện thực hóa khát vọng về cuộc sống no đủ, thanh bình.

Ông Hà Văn Cách, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đông Cửu, cho biết xã có trên 90% dân số là người dân tộc Mường. Những năm trước, người dân trong xã sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, tập quán sản xuất canh tác lạc hậu.

Được thụ hưởng các chính sách ưu tiên của Nhà nước, bà con nỗ lực vượt khó, thay đổi tập tục sản xuất, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế trang trại và những vùng sản xuất tập trung. Hiện nay, địa phương có 3 trang trại chăn nuôi gà thả vườn với khoảng 8.000 con. Tiềm năng đất lâm nghiệp được khai thác hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Đường liên xã, liên thôn được đầu tư, cứng hóa; cơ sở vật chất, trường học, trạm y tế xã được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân nơi đây. Nhờ kinh tế phát triển, bà con đã chú trọng đến việc đầu tư cho con em đi học. Đến nay, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở đến trường đạt 100%.

Rời “Tam Cửu,” hình ảnh về mảnh đất vùng cao nghèo đói xưa kia đã không còn, thay vào đó là sự khởi sắc với những nương khoai, nương gừng, những cánh rừng ngút ngàn xanh tốt.

Dẫu biết còn đó nhiều khó khăn, song với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực, quyết tâm thoát nghèo của đồng bào nơi đây, tin rằng diện mạo “Tam Cửu” sẽ ngày càng khởi sắc, khoảng cách với miền xuôi ngày càng được thu hẹp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục