Phú Thọ: Thông qua Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Việt Trì

Theo đồ án quy hoạch chung đến năm 2040, thành phố Việt Trì sẽ là đô thị loại I, trung tâm vùng, cực phát triển phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội và là thành phố du lịch văn hóa lịch sử quốc gia.
Một góc thành phố Việt Trì. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử thành phố Việt Trì)

Ngày 27/10, tại Kỳ họp chuyên đề, Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Việt Trì đến năm 2040.

Theo Đồ án, phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính thành phố Việt Trì gồm 13 phường và 9 xã. Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung nhằm cụ thể hóa định hướng Quy hoạch tỉnh Phú Thọ giai đoạn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; là cơ sở xây dựng thành phố Việt Trì xứng tầm là thành phố trung tâm tỉnh (đô thị loại I), trung tâm vùng, cực phát triển phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội.

Việc điều chỉnh quy hoạch tạo cơ sở xây dựng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam xanh, văn minh-hiện đại, có kiến trúc cảnh quan đẹp, kinh tế phát triển và là thành phố đáng sống; giữ gìn và phát huy các giá trị di sản, phát triển nhanh bền vững và hội nhập với khu vực, quốc tế; làm cơ sở quản lý xây dựng, thu hút đầu tư, quản lý phát triển đô thị.

[Thủ tướng: Xây dựng Phú Thọ thành trung tâm kết nối kinh tế]

Cùng với đó, đưa Việt Trì là trở thành thành phố du lịch văn hóa lịch sử quốc gia, nơi lưu giữ những giá trị di sản cội nguồn dân tộc Việt Nam; là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Phú Thọ; một trong những trung tâm khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao của vùng Trung du miền núi phía Bắc; là đầu mối giao thương và là cực phát triển quan trọng phía Tây Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội; địa bàn trọng điểm chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Dự báo quy mô dân số toàn thành phố đến năm 2030 là khoảng 380.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 250.00 người; đến năm 2040, con số tương ứng là khoảng 500.000 người và 440.000 người.

Về quy mô đất đai, đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 5.074ha, trong đó đất dân dụng khoảng 3.001ha, đất ngoài dân dụng khoảng 1.640ha; đến năm 2040, lần lượt là khoảng 5.957ha, 3.716ha và 1.807ha.

Theo đồ án quy hoạch chung đến năm 2040, không gian của thành phố được định hướng phát triển theo mô hình cấu trúc “Một hành lang; Một vành đai; Một không gian xanh.”

Đồ án lấy trục không gian lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam từ Đền Hùng đến ngã ba Bạch Hạc làm hành lang phát triển chính thức, bao quanh là vành đai xanh gắn liền với hai con sông lớn.

Tổng quan toàn thành phố là một không gian xanh, gắn kết hài hòa không gian khu vực nông thôn với đô thị và không gian ven sông trở thành một tổng thể cảnh quan văn hóa-lịch sử-sinh thái ấn tượng, đặc trưng của vùng đất Tổ.

Đồ án phát triển thành phố thành Điểm đến du lịch Lễ hội Văn hóa Lịch sử Quốc gia, thanh bình, hài hòa với không gian cảnh quan văn hóa đặc sắc dân tộc Việt Nam. Tổng thể là thành phố du lịch, đô thị xanh sinh thái, văn minh và hiện đại, có chỉ tiêu quy hoạch xây dựng đạt chuẩn đô thị loại 1.

Trên cơ sở đặc trưng cảnh quan, chức năng, hoạt động của từng khu vực, định hướng phát triển không gian toàn thành phố thành 8 phân khu với các chức năng và định hướng riêng gồm Khu Di tích Lịch sử Đặc biệt Đền Hùng; Khu trung tâm đô thị hiện hữu-Trung tâm hành chính, chính trị; Khu phức hợp đô thị, thương mại, dịch vụ thông minh cửa ngõ phía Bắc; Khu đô thị du lịch, dịch vụ xanh phía Đông; Khu phức hợp công nghệ cao, đô thị thông minh; Khu đô thị dịch vụ hỗ trợ Công nghiệp; Làng sinh thái kết hợp du lịch, dịch vụ và dải không gian ven sông.

Tổng thể thành phố bao gồm 3 vùng cảnh quan chính: Vùng 1 trọng tâm là Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng-Vùng Núi Nghĩa Lĩnh. Vùng 2 là vùng trung tâm các phường hiện hữu, là dải đất dọc hai bên trục đường Hùng Vương và Nguyễn Tất Thành. Vùng 3 là vành đai ven sông Hồng, sông Lô gồm dải đô thị hỗn hợp ven sông ngoài đê.

Theo quy hoạch, để đạt được các mục tiêu nêu trên, dự kiến số vốn cần huy động khoảng trên 561 tỷ đồng. Để huy động số vốn lớn này, thành phố sẽ triển khai nhiều phương thức linh hoạt như BT, BOT, BOO, hoặc PPP từ đó thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, xã hội hóa lĩnh vực đầu tư các công trình hạ tầng; đồng thời khuyến khích các nguồn ODA, FDI vào xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, thực hiện phân kỳ đầu tư có thứ tự ưu tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục