Với mục tiêu năm 2016, hát Xoan được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới thoát khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp và chính thức trở thành di sản đại diện của nhân loại, tỉnh Phú Thọ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bảo tồn, phát triển di sản văn hóa hát Xoan.
Một trong những giải pháp quan trọng để hoàn thành mục tiêu này là đẩy mạnh việc đưa hát Xoan vào dạy tại các trường học trên địa bàn.
Những giọng hát trong trẻo, những câu Xoan được các học sinh cất lên trong giờ học ngoại khóa tại các trường học ở khắp các huyện, thị, thành trong tỉnh Phú Thọ những năm gần đây đã trở nên quen thuộc. Đưa hát Xoan vào trường học chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ xác định nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2012-2015.
Thực hiện chương trình hành động này, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ đã xây dựng và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục và tổ chức dạy học hát Xoan ở các trường học để triển khai tới 100% các đơn vị giáo dục trong tỉnh. Ở mỗi cấp học, bậc học trên địa bàn tỉnh có hình thức, phương pháp riêng để đưa hát Xoan vào trường học một cách hiệu quả nhất.
Từ hoạt động này, các học sinh không chỉ học, hiểu và biết hát Xoan mà còn tích cực tham gia các chương trình hội thi, hội diễn góp phần tuyên truyền, quảng bá và giữ gìn, bảo tồn di sản hát Xoan.
Em Lê Hồng Anh, học sinh lớp 4G, trường Tiểu học Gia Cẩm, phấn khởi chia sẻ em được thầy, cô giáo trong trường dạy hát Xoan đã từ lâu. Em và các bạn đã hát được nhiều bài như: "Mời Vua," "Trồng bông luống đậu," "Hát bỏ bộ," "Bắc cầu," "Xe chỉ vá may"... Em rất muốn được các thầy cô dạy thêm nhiều bài hát nữa.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Anh, Tổng phụ trách Đội, giáo viên âm nhạc trường Tiểu học Gia Cẩm, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) cho biết hiện nay, trường tiếp tục tổ chức dạy hát Xoan cho tất cả học sinh trong toàn trường. Một tuần, nhà trường dành 2 buổi vào các giờ hoạt động giữa giờ của thứ 3 và thứ 5 để dạy hát Xoan. Đến nay, không chỉ gần 1.600 học sinh học hát xoan mà toàn bộ cán bộ, giáo viên và nhân viên của nhà trường, ai cũng biết hát Xoan, kể cả nhân viên bảo vệ và cấp dưỡng.
Theo cô Hoàng Anh, do đối tượng giảng dạy là học sinh tiểu học nên trong những ngày đầu đưa hát Xoan vào giảng dạy, trường gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, giai điệu và ca từ cũng khó để nhớ nhanh nên học sinh tiếp nhận khá chậm. Tuy nhiên, nhờ tích cực tuyên truyền và lựa chọn phương pháp dạy hợp lý bằng cách cho các em xem, nghe các băng đĩa hát xoan, dạy những bài đơn giản, dễ nhớ trước rồi đến các bài khó…
Sau một thời gian, các học sinh đã hát được nhiều bài và tỏ ra rất hứng thú với loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, để Xoan không bị mai một và giữ được đặc trưng của nó, cần có sự đầu tư hơn nữa để các học sinh dễ tiếp thu, học hỏi. Ngoài ra, cần tạo điều kiện để các em được tới các phường Xoan cổ, xem các nghệ nhân trình diễn Xoan trong không gian nghệ thuật của mình. Điều này giúp hát Xoan giữ đúng được bản sắc, tránh tình trạng truyền dạy một cách khô cứng.
Thạc sỹ Cao Hùng Phương, Trưởng khoa Nghệ thuật, trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết từ tháng 1/2010, nhà trường đã thành lập Câu Lạc bộ hát Xoan và Dân ca Phú Thọ và đã được công nhận là Câu lạc bộ cấp tỉnh. Đến nay, toàn trường đã thành lập được 8 câu lạc bộ ở 8 khoa và đã thu hút được hơn 160 thành viên nhiệt tình tham gia. Hằng năm, các thành viên không chỉ tham gia hoạt động trình diễn (khoảng 25-30 buổi) mà còn tích cực tuyên truyền, vận động mọi người cùng hưởng ứng.
Ông Cao Hùng Phương khẳng định kết quả này là căn cứ vững chắc để Đại học Hùng Vương đưa hát Xoan trở thành một trong những môn học chính của nhà trường. Việc làm này không chỉ góp phần giúp các thế hệ trẻ hiểu nguồn gốc và những giá trị độc đáo, nét đẹp và những thông điệp ý nghĩa thông qua các lời ca của hát Xoan, từ đó thế hệ trẻ nêu cao tinh thần trách nhiệm gìn giữ và phát triển di sản văn hóa mà ông cha để lại.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, thời gian tới, Sở phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để tiếp tục đưa hát Xoan vào dạy trong trường học. Sở sẽ cung cấp thêm cho các trường học tài liệu hướng dẫn hát Xoan; có chương trình, kế hoạch, văn bản hướng dẫn các câu lạc bộ hát Xoan, các nhà văn hóa địa phương để mở những lớp dạy hát Xoan cho học sinh, đặc biệt là trong dịp nghỉ hè; đồng thời, mời các nghệ nhân tập huấn để đưa hát Xoan thực sự lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt là lớp trẻ.
Các hoạt động tìm hiểu về hát Xoan, học hát Xoan đang diễn ra sôi nổi trong các trường học ở Phú Thọ đã thể hiện tính hiệu quả, đúng đắn của chủ trương đưa hát Xoan vào giảng dạy, góp phần đưa hát Xoan thoát khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp để trở thành di sản đại diện của nhân loại./.