Phú Thọ phê duyệt 109 tỷ đồng cho chương trình khuyến công

Phú Thọ vừa quyết định phê duyệt gần 109 tỷ đồng cho chương trình khuyến công đến năm 2020, trong đó nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ hơn 75 tỷ đồng.
Sản xuất nhôm thanh định hình xuất khẩu tại Phú Thọ. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Tỉnh Phú Thọ vừa quyết định phê duyệt gần 109 tỷ đồng cho chương trình khuyến công đến năm 2020, trong đó nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ hơn 75 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 26,5 tỷ đồng và cấp huyện gần 7 tỷ đồng.

Chương trình được chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn một (từ nay đến năm 2015), tỉnh tập trung thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn với mức tăng trưởng bình quân trên 15%/năm; giá trị sản xuất đạt trên 10.000 tỷ đồng; đào tạo 4.650 lao động cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ 2.100 học viên tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp; xây dựng ba mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ 37 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư mới các trang thiết bị, kỹ thuật...

Giai đoạn hai (từ năm 2016 đến năm 2020), tỉnh phấn đấu phát triển công nghiệp nông thôn tăng trưởng bình quân 15%/năm; giá trị sản xuất đạt 20.000 tỷ đồng; đào tạo khoảng 15.000 lao động cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ khoảng 7.000 học viên tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ 120 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư mới; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải chung cho 15 cụm công nghiệp.

Thực hiện chương trình trên, tỉnh huy động các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế của tỉnh; phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh đề ra một số giải pháp thực hiện như tăng cường quản lý Nhà nước về khuyến công; xây dựng và nâng cao năng lực của hệ thống bộ máy tổ chức làm công tác khuyến công; huy động các nguồn tài chính cho hoạt động khuyến công; lồng ghép chương trình khuyến công với thực hiện các chương trình mục tiêu khác; nguồn nhân lực, thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp nông thôn… để chương trình triển khai đạt hiệu quả cao.

Năm 2014, Trung tâm Khuyến công, Tư vấn và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Phú Thọ trích kinh phí gần 6 tỷ đổng để hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.900 lao động; hỗ trợ 15 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư mới; kiểm toán năng lượng cho 10 cơ sở sử dụng năng lượng. Đây được coi như một “đòn bẩy” cho phát triển công nghiệp nông thôn ở nhiều địa phương trong tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục