Lợi dụng việc hạ cốt nền khiến cho nhiều quả đồi đang trồng cây trên địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ bị khai thác nham nhở, khối lượng lớn đất được chở ra ngoài địa bàn để tiêu thụ.
Điều đáng nói, hoạt động khai thác, vận chuyển đất diễn ra rầm rộ suốt thời gian dài nhưng không thấy sự vào cuộc ngăn chặn, xử lý của cấp chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan.
“Xẻ đồi” khai thác đất tràn lan
Tại khu 20, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông những ngày đầu tháng Tám, với chiều dài chưa đến 1km nhưng có tới 3-4 điểm khai thác đất nằm sát nhau. Nhiều quả đồi bạch đàn đang bị xẻ thịt không thương tiếc.
Ông N.H.Q ở khu 20, xã Vạn Xuân bức xúc cho biết, hoạt động khai thác đất đã diễn ra rầm rộ ở đây nhiều ngày nay. Mỗi ngày, hàng chục lượt phương tiện liên tục ra vào chở đất ra ngoài.
Xe cộ đi lại không che chắn làm rơi vãi đất ra đường, bụi bay mù mịt. Đất rơi vãi trên đường dần tạo thành một lớp đất đỏ. Trời mưa thì trơn trợt, nhầy nhụa; trời nắng, bụi mù mịt, gây mất an toàn giao thông…
Tại khu 15, xã Lam Sơn, một quả đồi rộng cả ha cũng đang bị đào khoét. Dọc con đường từ đầu xã đến khu vực khai thác, nhiều xe tải nối đuôi nhau chạy rầm rầm chở đất đi bán cho dự án làm đường ở xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao).
Ông P.V.C ở khu 15, xã Lam Sơn, huyện Tam Nông cho biết, việc khai thác đất ở khu 15 như một đại công trường. Mỗi ngày có cả chục xe tải chở đất đi nơi khác tiêu thụ.
Trước đây quả đồi này to và xanh màu cây rừng nhưng đến nay đã biến thành một bãi đất đồi đỏ quạch, nham nhở chỗ cao, chỗ thấp rộng đến cả vài ha.
[Phú Thọ chấn chỉnh hoạt động san gạt, hạ cốt nền]
Không chỉ ở các xã Lam Sơn, Vạn Xuân mà tại các xã Hương Nộn, Thọ Văn, thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông cũng diễn ra tình trạng san gạt, hạ cốt nền tương tự.
Nhiều quả đồi tại đây bị đào bới nham nhở, gây thất thoát tài nguyên, kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường.
Qua tìm hiểu thực tế, để phục vụ nhu cầu sản xuất, huyện Tam Nông đã chấp thuận cho một số hộ dân được phép cải tạo, san gạt mặt bằng, hạ cốt nền phục vụ sản suất, phát triển kinh tế. Số đất dư thừa sẽ được vận chuyển phục vụ việc san lấp các công trình trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên lợi dụng danh nghĩa hạ cốt nền, nhiều doanh nghiệp chuyên khai thác đất đã săn tìm đất đồi rừng của các hộ dân, sau đó làm hồ sơ xin hạ cốt nền để khai thác đất.
Khi được chính quyền chấp thuận, doanh nghiệp ồ ạt đưa máy múc, phương tiện vận tải vào khai thác rầm rộ tạo thành một công trường quy mô lớn.
Nhiều đơn vị mặc dù đã hết hạn cấp phép nhưng vẫn cố tình khai thác trong thời gian dài, thậm chí còn khai thác trước khi có văn bản chấp thuận cải tạo, san gạt, hạ cốt nền của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Đất đã chảy về đâu?
Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên TTXVN tại khu 15 xã Lam Sơn và khu 20, xã Vạn Xuân, hầu hết các điểm khai thác đã được Ủy ban Nhân dân huyện chấp thuận cho phép cải tạo, san gạt mặt bằng, hạ cốt nền; quy định rõ địa điểm, khối lượng khai thác và bố trí điểm đổ đất san gạt khối lượng đất thừa...
Tuy nhiên, tại các điểm khai thác ở 2 xã này, các đơn vị khai thác đã làm trái với quy định tại văn bản chấp thuận khai thác cải tạo, hạ cốt nền của Ủy ban Nhân dân huyện Tam Nông,
Trao đổi với phóng viên ngày 30/8, ông Phan Hải Phong, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết, ngày 25/3, Ủy ban Nhân dân huyện Tam Nông ra văn bản số 604/UBND-TNMT về việc chấp thuận cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn HBLP hạ cốt nền, san gạt mặt bằng tại khu 20 xã Vạn Xuân, thời gian tiến hành cải tạo 3 tháng.
Tại khu 15, xã Lam Sơn, ngày 27/4, Ủy ban Nhân dân huyện cũng đã có văn bản chấp thuận cho Công ty Thịnh Trường cải tạo, san gạt, hạ cốt nền trong thời gian 3 tháng.
Như vậy, đến nay cả 2 doanh nghiệp này đã hết hạn cải tạo, san gạt. Vì thế mọi hoạt động khai thác là trái phép, chưa kể tới vi phạm về phương án vận chuyển, khi chở đất trái phép khỏi địa bàn huyện.
Trở lại khu 15, xã Lam Sơn vào giữa tháng Tám, phóng viên vẫn chứng kiến hoạt động khai thác đất tiếp tục diễn ra.
Sau khi ghi hình, phóng viên theo sau chiếc xe tải mang biển số 29H-054.xx trở đất từ điểm khai thác tại khu 15, đi qua cầu Phòng Châu, đến trung tâm huyện Lâm Thao rồi rẽ về hướng đi xã Tứ Xã, chạy qua cánh đồng, vòng về khu vực đổ đất san gạt làm đường tại xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Đặng Vũ Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lam Sơn cho hay, Công ty Thịnh Trường được huyện chấp thuận hạ cốt nền tại khu 15.
Tuy nhiên, đơn vị này đã hết hạn giấy phép san hạ cốt nền từ lâu. Xã đã chỉ đạo Công an xã lập biên bản, đình chỉ việc khai thác, vận chuyển đất đi ra nơi khác tiêu thụ đối với doanh nghiệp song đơn vị này vẫn cố tình vi phạm.
Theo ông Nguyễn Đắc Bách, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vạn Xuân, đến ngày 2/8, xã chưa nhận được hồ sơ cũng như giấy phép san hạ cốt nền ở khu 20, xã Vạn Xuân.
Trước khi các daonh nghiệp vào khai thác, xã nhận được điện thoại của Ủy ban Nhân dân huyện thông báo đã chấp thuận cho phép khai thác đất ở khu 20, còn nội dung cụ thể được phép san hạ cốt nền từ ngày nào, ở độ sâu bao nhiêu, được chở đất đi đâu và thời hạn khai thác đến bao giờ… xã chưa nắm được do không có hồ sơ, giấy phép.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trên thực tế, công tác quản lý của chính quyền địa phương còn quá lỏng lẻo dẫn đến việc khai thác đất tràn lan trên địa bàn huyện Tam Nông diễn ra rầm rộ trong suốt thời gian qua.
Ông Phan Hải Phong, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tam Nông thông tin, huyện đang rà soát, kiểm tra toàn bộ những điểm được chấp thuận cải tạo, san gạt, hạ cốt nền trong thời gian gần đây và cả thời điểm trước đó trên địa bàn.
Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện các đơn vị khai thác vượt phạm vi, vượt diện tích, huyện sẽ yêu cầu dừng hoạt động khai thác để có biện pháp xử lý.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nhiều doanh nghiệp đã hết hạn khai thác theo văn bản chấp thuận của huyện và việc vận chuyển đất ra khỏi địa bàn huyện để bán, ông Phan Hải Phong cho hay, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chưa nắm được việc này. Phòng sẽ phối hợp với lực lượng Công an huyện để kiểm tra việc vận chuyển đất ra ngoài địa bàn…
Theo quy định của tỉnh Phú Thọ, Ủy ban Nhân dân xã có trách nhiệm, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác đất trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên, sự thờ ơ của chính quyền xã Vạn Xuân và xã Lam Sơn đã khiến núi đồi nơi đây đang bị khai thác nham nhở và tan hoang từng ngày./.