Phú Thọ: Không để dân ở lại khu vực nguy hiểm, có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

Chủ tịch UBND Phú Thọ yêu cầu các địa phương đề cao cảnh giác, chủ động rà soát khu vực có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất để tổ chức di dời người dân; kiên quyết không để dân ở lại khu vực nguy hiểm.

Lực lượng chức năng khẩn trương tiếp cận, di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn. (Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN)
Lực lượng chức năng khẩn trương tiếp cận, di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn. (Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN)

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có mưa to kèm theo gió lốc mạnh.

Tại xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa, mực nước trên sông Hồng đã vượt trên báo động III là 1,27m, nước sông đang tiếp tục lên. Mưa to kèm theo gió lốc đã gây thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu của người dân.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ, mưa to kèm dông lốc đã làm 2 người bị thương; hơn 300 ngôi nhà bị hư hỏng và bị ngập sâu dưới 1m.

Địa phương đã di dời gần 700 hộ đến nơi an toàn. Mưa bão khiến gần 3.000ha lúa, rau màu và cây ăn quả bị đổ gãy; 23 lồng cá bị hư hỏng; 44 cột điện hạ thế bị gãy; hơn 30 trường học, trụ sở cơ quan bị hư hỏng, tốc mái…

Trong buổi làm việc với các sở, ban, ngành của tỉnh về triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trực tiếp xuống hiện trường, kiểm tra tình hình phòng, chống lụt bão tại cơ sở; tiếp tục duy trì lực lượng phòng, chống lụt bão, đề cao cảnh giác, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão gây ra.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo tiêu úng, tập trung thu hoạch hoa màu, đảm bảo an toàn các công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, nhà ở bị tốc mái...

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão gây mưa lớn, dự báo vùng ảnh hưởng do sạt lở đất ở vùng núi và sạt lở bờ sẽ tiếp tục tiếp diễn. Do đó, các địa phương phải đề cao cảnh giác, chủ động rà soát khu vực có nguy cơ cao để tổ chức di dời người dân; kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm, đặc biệt là khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Đối với vụ sập cầu Phong Châu xảy ra vào khoảng 8 giờ ngày 9/9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bùi Văn Quang cùng lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan đã có mặt kiểm tra, chỉ đạo tại hiện trường.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bùi Văn Quang chỉ đạo, trước mắt, Công an tỉnh cần triển khai phương án phân luồng giao thông ở tất cả hướng để tránh các phương tiện từ Hà Nội lên và các tỉnh khác về đi qua cầu Phong Châu, đảm bảo phân luồng từ xa.

Các lực lượng Quân đội, Công an, Y tế... sẵn sàng các phương án để triển khai cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, nhân lực để triển khai phương án khi đảm bảo các yếu tố an toàn.

Đồng thời, các đơn vị thông báo ngay cho các huyện dọc tuyến sông Hồng các thông báo liên quan đến xả lũ của hồ thủy điện tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang để chủ động sơ tán, đảm bảo an toàn cho người dân; theo dõi chặt chẽ các tuyến đê, đặc biệt là các tuyến đê ở Hạ Hòa khi nước sông đang lên nhanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục