Phú Thọ đưa hát Xoan đến gần hơn với thế hệ trẻ

Đưa hát Xoan vào trường học là một biện pháp hữu hiệu của Phú Thọ để hát Xoan được bảo tồn và đến gần hơn với thế hệ trẻ.
Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013-2015 định hướng đến 2020, hướng vào mục tiêu then chốt là đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào năm 2015.

Đưa hát Xoan vào trường học là một biện pháp hữu hiệu của tỉnh Phú Thọ để hát Xoan đến gần hơn với thế hệ trẻ, giúp thế hệ trẻ nhận thức được trách nhiệm trong việc lưu giữ, bảo tồn làn điệu Xoan.

Khơi dậy đam mê

“Tềnh là tềnh tang tềnh là tang tềnh/ Trồng bông ta luống a đậu, luống đậu, luống ơ cà/ Ai làm cho luống công ơ ta thế nà/ Chứ đường ai làm, ai làm cho luống/ Rằng ở công đây, ở đây, ở rằng công đây, ở rằng công đây.” Những câu Xoan mượt mà, mê đắm lòng người được các em học sinh trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (thành phố Việt Trì) hát trong giờ học âm nhạc khiến chúng tôi tưởng như mình đang được bước vào một trong bốn phường Xoan gốc của thành phố Việt Trì.

Những khuôn mặt rạng rỡ, hào hứng, những đôi tay mềm dẻo theo những động tác của làn điệu Xoan, các em học sinh như đang hòa mình để cảm nhận những giá trị văn hóa của làn điệu Xoan. Em Trần Thái Dương, học sinh lớp 3C trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, chia sẻ: Em được học hát Xoan từ năm học lớp một, ở nhà mẹ em biết hát Xoan nên thường hát cho em nghe. Đến lớp được các cô giảng dạy thêm, em rất thích.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Vân, giáo viên âm nhạc trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, cho biết: Tôi đã được tham gia các lớp tập huấn về hát Xoan của tỉnh. Khi giảng dạy, chúng tôi hướng dẫn các em biết về nguồn gốc của hát Xoan, tìm hiểu về Xoan cổ, sau đó chúng tôi mới đưa vào nội dung các bài giảng, hướng dẫn các em học hát Xoan nhằm tạo cho các em sự hứng thú đối với di sản của dân tộc.

Cô giáo Vân cho biết thêm, trước đây khi mới bắt đầu dạy, chúng tôi hướng dẫn các em về giai điệu, lời ca trước. Sau đó để phong phú hơn, gây hứng thú cho các em, chúng tôi mới đưa các động tác đơn giản vào cho các em làm quen, Sau một quá trình trực tiếp giảng dạy, tôi nhận thấy rằng các em học sinh trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng rất hăng say và hào hứng khi học hát Xoan.

Em Lê Thúy Như, học sinh trường trung học cơ sở Dữu Lâu, chia sẻ: Gia đình em không ai biết hát Xoan, nhưng khi được tham gia các buổi tập văn nghệ của nhà trường, em chăm chỉ tập hát và tìm hiểu về hát Xoan. Đến bây giờ em có thể hát được khoảng năm bài hát Xoan.

Trường Tiểu học Kim Đức nằm ngay trên địa bàn của một trong bốn cái nôi của Xoan gốc, nên nhà trường đã sớm đưa hát Xoan vào trường học. Ngoài việc thành lập Câu lạc bộ hát Xoan, trường còn mời các nghệ nhân tới biểu diễn và trao đổi với các em học sinh về hát Xoan, qua đó giúp các em học sinh thêm hứng khởi, say mê với làn điệu Xoan.

Trường mầm non Hoa Hồng, thành phố Việt Trì đã có cách làm sáng tạo khi đưa hát Xoan vào trường học. Ngoài việc cho các em học sinh xem băng, đĩa về hát Xoan, trường còn tổ chức lồng ghép những kiến thức về hát Xoan trong các cuộc thi như “Bé khỏe - đẹp - thông minh nhanh trí.”

Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, trường mầm non Hoa Hồng còn sáng tác một số bài hát dựa trên làn điệu dân ca Xoan, dân ca Phú Thọ cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi. Các sáng tác của cô như bài hát “Bạn hãy nhớ ghi” dựa theo làn điệu Xoan “Xe chỉ vá may,” bài “Đố bạn” dựa theo làn điệu Xoan “Đố hoa” đã giúp các em thêm hứng thú với nghệ thuật hát Xoan.

Cô giáo Hán Thị Tuyết, Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Hồng, cho biết: Làn điệu Xoan được các em bi bô ngay trong những ngày đầu đến trường sẽ là một mạch nguồn hình thành tình yêu đối với di sản văn hóa của dân tộc. Đó cũng là một cách để hát Xoan đến gần hơn với các em. Chính các em, những thế hệ tương lai của đất nước có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và bảo tồn di sản.

Nỗ lực gìn giữ di sản

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, cho biết: Phú Thọ đưa hát Xoan vào trường học từ năm học 2010 - 2011. Cụ thể, đã có 202/209 trường tiểu học trên địa bàn đã triển khai hát Xoan; khối trung học cơ sở có 200/259 trường và 37/45 trường phổ thông trung học trên địa bàn đã triển khai việc dạy hát Xoan.

Đặc biệt, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Việt Trì đã triển khai việc học hát Xoan rộng khắp ở các bậc học. Hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, ngoài hát Xoan, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ còn phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh đưa các hoạt động văn nghệ, trò chơi như hát ca dao, kéo co trong các buổi ngoại khóa của các nhà trường.

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, cho biết: Sở đã điều tra, khảo sát 60 trường học và sẽ cung cấp cho các trường tài liệu hướng dẫn hát Xoan. Trong dịp hè, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã hướng dẫn các Câu lạc bộ hát Xoan, các Nhà văn hóa địa phương mở lớp học hát Xoan cho các em học sinh; mời các nghệ nhân về tập huấn về hát Xoan để Xoan thực sự có sức sống lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, Trùm phường Xoan An Thái, thành phố Việt Trì, bộc bạch: Tôi rất mừng vì có rất nhiều cháu học sinh đã đến nhà tôi để học hát Xoan. Tôi cũng được tham gia nhiều buổi nói chuyện, dạy hát Xoan cho học sinh tại một số trường học. Tôi rất mừng là các em vẫn thích hát và say sưa với Xoan. Tôi tin tưởng các em sẽ gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật hát Xoan.

Việc đưa hát Xoan vào trường học đã có những tín hiệu đáng mừng nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của hát Xoan. Tuy nhiên, hát Xoan vốn là một loại dân ca lễ nghi, có không gian diễn xướng và có ý nghĩa đặc trưng riêng. Do vậy, khi dạy hát Xoan cần tạo cho thế hệ trẻ sự yêu thích, tự nguyện đến với Xoan. Như vậy, các em mới thấm nhuần ý nghĩa và giá trị tinh thần kết tinh trong di sản văn hóa của dân tộc, để góp phần bảo tồn bền vững các di sản./.

Vũ Bắc (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục