Nhiều năm nay, người dân xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí và tiếng ồn do Công ty cổ phần sắn Sơn Sơn - một trong những doanh nghiệp chế biến sắn lớn nhất nhì trên địa bàn tỉnh Phú Thọ gây ra.
Bà Lê Thị Đoan, thôn Sang Trên, xã Võ Miếu bức xúc cho biết gần 100 hộ dân ở thôn Sang Trên đang chịu cảnh ô nhiễm môi trường nước, mùi hôi và tiếng ồn do Công ty cổ phần sắn Sơn Sơn gây ra. Những người dân khi đi làm phải đeo khẩu trang, khi ngủ cũng phải đeo khẩu trang.
Do bể chứa chất thải của công ty để lâu, dần dần ngấm sâu vào lòng đất nên hơn 60% số giếng ăn của các hộ trong thôn nổi váng, nước có mùi tanh không sử dụng được. Người dân đề nghị các cấp chính quyền nhanh chóng xử lý để trả lại không khí, nguồn nước trong lành cho nhân dân.
Theo quan sát của phóng viên, khu xử lý nước thải của Công ty cổ phần sắn Sơn Sơn có diện tích 1,8ha nằm lộ thiên trên cánh đồng của người dân thôn Sang Trên. Nước thải từ bể chứa sau đó theo cống gầm xả trực tiếp ra môi trường.
Nhiều người dân thôn Sang Trên và cả một số công nhân Công ty sắn đều cho biết bình thường, những bể nước thải "nằm im" chỉ đến khi trời mưa to gió lớn công ty này mới bắt đầu “hoạt động" xả trộm.
Nước thải từ cống thải ra sông, suối khiến con tôm, con cá cũng không sống nổi. Toàn bộ bèo được thả xuống để làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường cũng không sống được.
Ông Hà Văn Thạo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Võ Miếu thừa nhận việc Công ty cổ phần sắn Sơn Sơn gây ô nhiễm nhiều năm nay là có.
Người dân thôn Sang Trên và Ủy ban Nhân dân xã đã nhiều lần đề nghị công ty sớm khắc phục ô nhiễm nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí vẫn không hề thuyên giảm. Xã chỉ biết kiến nghị,còn việc khắc phục, xử lý như thế nào thì xã không đủ thẩm quyền…
Còn ông Phó giám đốc Công ty cổ phần sắn Sơn Sơn cho rằng công ty đã đầu tư 7 tỷ đồng cho hệ thống đường ống dẫn nước thải ra khỏi khu vực dân cư nhằm tránh mùi thối bốc ra từ chất thải này.
Đầu năm 2013, công ty đã có văn bản báo cáo Ủy ban Nhân dân huyện cung cấp các hồ sơ có liên quan đến hoạt động sản xuất; các hồ sơ pháp lý về việc xây dựng kho chứa sản phẩm trình Ủy ban Nhân dân huyện phê duyệt; tiến hành lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường của dây chuyền tinh bột sắn ướt; cải tạo hồ sinh thủy theo đúng hồ sơ kỹ thuật; tiến hành nộp phí xả thải theo quy định…
Đối với tiếng ồn chủ yếu phát sinh từ hoạt động máy móc, thiết bị, công ty tiến hành bảo dưỡng định kỳ máy móc, lắp đặt hệ thống chống rung, chống ồn cho thiết bị, tăng cách âm tường nhà xưởng; vệ sinh thường xuyên khu vực có xe vận chuyển; tăng cường trồng cây xanh quanh nhà máy; lắp đặt hệ thống xyclon tách bụi kiểu ướt phun dung dịch kiềm bằng ejector và sử dụng ống khói cao 18m nhằm chống bụi khí thải từ lò đốt, không làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân địa phương...
Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Thạo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Võ Miếu, mặc dù Công ty cổ phần sắn Sơn Sơn đầu tư như vậy nhưng vẫn chưa ổn, môi trường, nguồn nước vẫn bị ảnh hưởng nặng, gây bức xúc cho người dân.
Trong khi chờ câu trả lời của Công ty cổ phần sắn Sơn Sơn thì hàng ngày, hàng giờ những hồ nước vẫn cứ đen thêm, tình trạng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng hơn.
Hàng trăm người dân ở Võ Miếu vẫn phải sống chung với ô nhiễm. Người dân mong các cấp, các ngành nhanh chóng xử lý triệt để nhằm giảm thiểu nạn ô nhiễm, đảm bảo không khí trong lành.
Công ty cổ phần sắn Sơn Sơn được thành lập năm 2008 và đi vào hoạt động vào đầu năm 2009.
Từ khi nhà máy đi vào hoạt động đã giải quyết được "đầu ra" cho sản phẩm sắn tươi của hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Thanh Sơn, đồng thời tạo việc làm cho gần 200 lao động tại địa phương với mức lương từ 3,5 đến 4 triệu đồng/ người/tháng./.