Ngày 1/10, thông tin từ Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong 18 ngày (từ ngày 12-30/9), ba doanh nghiệp viễn thông lớn của Việt Nam là Viettel, VNPT, Mobifone đã hoàn thành việc cung cấp Internet cho các điểm "lõm sóng" trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố trong cả nước để phục vụ việc giảng dạy và học tập trực tuyến.
Cụ thể là có 283 điểm "lõm sóng" tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hậu Giang, Phú Yên, Bình Phước, Đồng Tháp, Khánh Hòa đã được các nhà mạng phủ sóng Internet, đặc biệt, tại 6 điểm quá khó khăn, nhà mạng đã triển khai ứng cứu bằng xe lưu động để bảo đảm chất lượng dịch vụ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 3/9/2021 về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19 và văn bản số 6235/VPCP-KGVX ngày 7/9/2021 về việc xây dựng và triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em,” Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung triển khai rà soát các khu vực “lõm sóng” là những nơi chưa có sóng di động hoặc có nhưng chất lượng không bảo đảm cho việc giảng dạy, học tập trực tuyến.
[Cà Mau huy động 4.500 máy tính hỗ trợ học sinh khó khăn học trực tuyến]
Đây là những điểm cần được các doanh nghiệp viễn thông, nhà cung cấp dịch vụ mạng Internet triển khai hạ tầng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu kết nối phục vụ nhu cầu dạy và học trực tuyến tại các địa phương, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Vì sự nghiệp học tập của các em học sinh, sinh viên, đảm bảo không để học sinh không hoàn thành chương trình học tập do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp viễn thông xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, không được chậm trễ. Mỗi một ngày hoàn thành sớm việc phủ sóng là thêm một ngày các em học sinh sẽ có điều kiện học tập tốt hơn.
Do đó, các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT, MobiFone) đã chủ động, tích cực, triển khai các giải pháp kỹ thuật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đi lại, di chuyển trong nội tỉnh, liên tỉnh trong thời gian giãn cách; ảnh hưởng của các cơn bão số 5, 6… để đẩy nhanh tiến độ phủ sóng.
Đồng thời, doanh nghiệp đã trực tiếp phối hợp với địa phương, đối thoại với người dân để tuyên truyền, giải thích về chương trình, sự an toàn của sóng di động để người dân hiểu, chia sẻ với doanh nghiệp.
Đến nay, việc dạy và học trực tuyến tại 283 điểm được ứng cứu phủ sóng đã diễn ra bình thường với chất lượng ổn định.
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục rà soát, phủ sóng các điểm "lõm sóng" trên toàn quốc trong năm 2021nhằm bảo đảm chất lượng phủ sóng theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đáp ứng kịp thời nhu cầu dạy và học trực tuyến của ngành giáo dục cũng như bảo đảm hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số./.