Ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 1109/NQ-UBTVQH14 thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Như vậy, tròn 45 năm, kể từ mốc son lịch sử ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đảo Phú Quốc từ “địa ngục trần gian” đã trở thành thành phố biển đảo văn minh, giàu đẹp trên vùng biển Tây Nam Bộ cực Nam Tổ quốc.
Đây là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Quốc, là kết quả cửa sự đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng phát triển đảo ngọc trong gần nửa thế kỷ qua.
Lưu giữ ký ức “Địa ngục trần gian”
Trước ngày 30/4/1975, Mỹ-Ngụy xây dựng trại giam tù binh với tên gọi “Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc” để giam giữ, tra tấn các chiến sỹ cách mạng không may bị chúng bắt, biến đảo Phú Quốc thành “địa ngục trần gian."
Cuối năm 1955, trên nền Trại giam Cây Dừa tại đảo Phú Quốc do thực dân Pháp xây dựng lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, Mỹ-Ngụy tiếp tục lập một trại tù với tên gọi Trại Huấn chính Cây Dừa, còn gọi là Nhà lao Cây Dừa giam giữ gần 1.000 tù binh, tù chính trị.
Năm 1967, chúng xây dựng lại và lấy tên là Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc để giam giữ, đọa đày các chiến sỹ cách mạng với quy mô, số lượng lớn nhất Việt Nam. Diện tích trại giam khoảng 400ha, phân ra 12 khu, với gần 500 nhà giam, có lúc tại trại giam này, địch bắt, giam giữ hơn 40.000 chiến sỹ cách mạng kiên trung.
Địch đã sử dụng mọi thủ đoạn thâm độc, tàn bạo, tra tấn dã man hòng khuất phục ý chí chiến đấu của các chiến sỹ cách mạng mà mọi người gọi nơi đây là “địa ngục trần gian."
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, nhiều người từ khắp mọi miền đất nước đến Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc, thành kính thắp hương tưởng niệm các chiến sỹ cách mạng đã anh dũng hy sinh, dâng hiến trọn đời mình cho dân, cho nước đang yên nghỉ nơi đây. Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc nhuộm thắm máu đào của hơn 4.000 chiến sỹ cách mạng ngã xuống và hàng chục ngàn cán bộ, chiến sỹ Cộng sản đã vượt qua cái chết, chiến đấu đến ngày chiến thắng 30/4/1975, thống nhất đất nước.
Nhiều cán bộ lão thành cách mạng và người dân Phú Quốc vẫn nhớ như in niềm vui chiến thắng vào sáng 1/5/1975 ở đảo ngọc. Trước hàng ngàn đồng bào, chính quyền tổ chức lễ ra mắt chính quyền nhân dân cách mạng và tưởng niệm cán bộ, chiến sỹ cách mạng đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trước đó, sáng 30/4/1975, khi nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên Đài Phát thanh Sài Gòn, hơn 8.000 quần chúng nhân dân cùng cán bộ, chiến sỹ vùng lên phá nhà tù, chiếm các mục tiêu quan trọng và đến chiều cùng ngày làm chủ hoàn toàn đảo Phú Quốc.
Thành phố biển đảo văn minh, giàu đẹp
Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Quốc bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, chung sức, đồng lòng khôi phục, xây dựng lại quê hương.
Bí thư Thành ủy Phú Quốc Tống Phước Trường bày tỏ gần nửa thế kỷ qua, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Phú Quốc đã chung sức, chung lòng đóng góp trí tuệ, công sức để có được đảo ngọc giàu đẹp như ngày hôm nay. Thành phố biển đảo Phú Quốc hướng tới là trung tâm du lịch-dịch vụ cao cấp, trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á, đặc biệt xây dựng thành phố Phú Quốc phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng và quốc gia.
Cụ thể, giai đoạn 2015-2020, Phú Quốc đã có nhiều nỗ lực, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tạo thêm thế và lực mới để xây dựng địa phương phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo. Kinh tế Phú Quốc luôn giữ mức phát triển ổn định, tăng trưởng cao. Lĩnh vực thương mại-dịch vụ phát triển mạnh, cơ cấu các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với định hướng của Chính phủ.
Phú Quốc tạo được môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển tốt, kêu gọi xúc tiến đầu tư, thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, góp phần thúc đẩy kinh tế đảo ngọc như Vingroup, Sungroup, BIMgroup, CEOgroup…
Trong giai đoạn 2015-2020, tổng giá trị sản xuất của Phú Quốc tăng 84,6% so với năm 2015, bình quân tăng hơn 13%/năm, trong đó ngành thương mại, dịch vụ tăng gấp 2,37 lần, thu hút lượng khách du lịch bình quân mỗi năm tăng 28%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội hơn 141.650 tỷ đồng, vượt trên 57% kế hoạch. Thu ngân sách hơn 21.300 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2015, chiếm hơn 42% thu ngân sách toàn tỉnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiến bộ trên nhiều mặt, giá trị văn hóa truyền thống địa phương tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, năm 2020 chỉ còn 0,28%, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cải thiện rõ nét. Quốc phòng, an ninh trên địa bàn Phú Quốc được tăng cường và giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Phú Quốc cho biết đến nay, thành phố đã có 328 dự án đầu tư, với tổng vốn khoảng 16 tỷ USD. Các dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, nhất là lĩnh vực du lịch đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt đảo ngọc.
Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội trên đảo được tập trung nguồn lực hàng trăm ngàn tỷ đồng đầu tư xây dựng, phát triển. Nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng biển quốc tế An Thới, Cảng biển hành khách quốc tế Dương Đông, trục chính giao thông nam-bắc đảo, đường vòng quanh đảo... tạo kết nối liên thông với các trung tâm đô thị lớn trong nước và một số quốc gia trên thế giới qua đường hàng không, đường biển.
Hạ tầng kỹ thuật trên đảo được đầu tư như: Dự án điện cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc đưa điện lưới quốc gia ra đảo; nâng cấp hồ nước Dương Đông và hệ thống cấp nước Phú Quốc, với công suất 21.500 m3/ngày đêm; xây dựng các khu đô thị mới, khu dân cư tập trung… phục vụ đời sống dân sinh.
Nhiều dự án du lịch, khu vui chơi giải trí đã đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả như Khu Vinpearl, Safari, cáp treo An Thới - Hòn Thơm, Công viên chủ đề lớn nhất Việt Nam - hàng đầu châu Á VinWonders…
Mới đây, Tập đoàn Vingroup khai trương siêu quần thể nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí hàng đầu Đông Nam Á - Phú Quốc United Center trên diện tích hơn 1.000ha tại bắc đảo Phú Quốc.
Phú Quốc United Center được đánh giá là “Vũ trụ du lịch-giải trí” đầu tiên tại Việt Nam có thể sánh ngang với các điểm đến hàng đầu thế giới như Jeju (Hàn Quốc), Clarke Quay (Singapore), Las Vegas (Mỹ)... Qua đó, các dự án góp thêm sức mạnh nội lực để Phú Quốc tiếp tục phát triển vượt bậc, trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam, là thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp không chỉ trong nước mà còn cả khu vực và thế giới.
Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2025 và những năm tiếp theo, Phú Quốc tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, phát triển đảo ngọc bền vững, hài hòa giữa kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường. Thành phố phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo phía Tây Nam Tổ quốc.
[Phát triển Phú Quốc theo mô hình đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt]
Phú Quốc phấn đấu đến năm 2025, bình quân hằng năm giá trị sản xuất tăng 8,84%, so với năm 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,76%, thu ngân sách tăng 11,7%, tổng sản lượng thủy sản đạt 201.000 tấn, sản xuất chế biến nước mắm 12 triệu lít, sản lượng hồ tiêu 500 tấn.
Khách du lịch đến Phú Quốc đạt 10 triệu lượt người, tăng bình quân 15%/năm, trong đó khách nước ngoài 4 triệu lượt người. Phú Quốc cơ bản xóa tỷ lệ hộ nghèo, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển...
Lãnh đạo thành phố Phú Quốc nhấn mạnh Đảng bộ thành phố tăng cường lãnh đạo thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững hơn, chú trọng triển khai hiệu quả quy hoạch định hướng phát triển kinh tế-xã hội Phú Quốc của Chính phủ và của tỉnh.
Thành phố tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để hình thành một khu vực kinh tế năng động, thu hút nhiều dự án đầu tư trong, ngoài nước, đảm bảo cho Phú Quốc phát triển đúng hướng, nhanh và bền vững, có chiều sâu.
Trước mắt, thành phố tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh triển khai các dự án trên địa bàn đã được phê duyệt, cấp giấy phép đầu tư. Thành phố đẩy mạnh phát triển du lịch, đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tầm cỡ quốc tế, mang sắc thái riêng.
Phú Quốc chú trọng phát triển các ngành công nghệ cao, dịch vụ biển, nông nghiệp xanh-sạch chất lượng cao, với trọng tâm là đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia./.