Phụ nữ Việt Nam viết tiếp những trang vàng thi đua ái quốc thời kỳ mới

Phụ nữ Việt Nam ngày nay không chỉ là người vợ, người mẹ hiền đảm đang mà còn là những nhà lãnh đạo, nhà khoa học tài năng, những doanh nhân giỏi… có nhiều đóng góp, đồng hành cùng dân tộc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu tham gia Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nhằm huy động sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Lời kêu gọi ấy đã trở thành lời hiệu triệu mở đầu cho phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Việt Nam, vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đây là mốc son chói lọi, đầy tự hào trong lịch sử phong trào của phụ nữ Việt Nam.

"Mỗi người làm việc bằng hai…"

Trong không khí những ngày tháng sục sôi thi đua đánh đế quốc Mỹ, hưởng ứng “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/3/1965, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ra Chỉ thị số 03/CT phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” trong phụ nữ cả nước với nội dung: Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; Đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết.

Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đổi tên phong trào này thành “Ba đảm đang," đồng thời kêu gọi: “Chị em phụ nữ hãy thực hiện thật tốt “Ba đảm đang” góp phần đắc lực đánh thắng giặc Mỹ xâm lược..."

Phong trào Phụ nữ “Ba đảm đang” góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, giải phóng miền Nam. (Ảnh: Thanh Tụng/TTXVN)

Đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, phong trào “Ba đảm đang” ngay lập tức đã tạo nên một làn sóng thi đua rộng khắp.

Hàng chục triệu phụ nữ từ nông thôn tới thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi cùng chung một khát vọng, một lý tưởng, một hoài bão “đảm đang” vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì hạnh phúc gia đình.

Không quản ngày đêm, bom đạn kẻ thù, chị em hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu với tinh thần "Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí," "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt."

Với quyết tâm “tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy," hàng chục vạn nữ công nhân “tay búa, tay súng” sôi nổi tham gia phong trào thi đua “luyện tay nghề, thi thợ giỏi." Nhiều nhà máy, xí nghiệp đa phần là nữ đã liên tục hoàn thành kế hoạch từ 5-12 năm.

"Tay cày, tay súng," những người vợ, người mẹ đảm đang chăm lo việc gia đình, nuôi dưỡng, dạy dỗ các con, tận tình chăm sóc cha mẹ già, giữ trọn đạo thủy chung.

Giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam qua đó được nhân lên gấp bội, trở thành nguồn động viên, cổ vũ to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sỹ vững tay súng nơi chiến trường.

Đến cuối tháng 5/1965, hơn 1,7 triệu phụ nữ trên khắp miền Bắc ghi tên phấn đấu đạt danh hiệu “Phụ nữ Ba đảm đang." Cùng với phong trào "Ðồng khởi," "Ðội quân tóc dài" của phụ nữ miền Nam, hàng chục nghìn nữ thanh niên miền Bắc hăng hái gia nhập các đơn vị dân quân tự vệ, bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các mặt trận, lập nên những chiến công vẻ vang.

Hình ảnh những nữ thanh niên "sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm," ngày đêm bám trụ dưới bom rơi đạn nổ, sửa đường thông xe, hàng chục lần bị bom vùi, bị thương vẫn không rời vị trí, tình nguyện làm lễ truy điệu sống để đi phá bom nổ chậm.

Nhiều cô gái đã anh dũng hy sinh giữa lúc tuổi xuân phơi phới, viết tiếp những chiến công trên trang sử anh hùng của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu.

10/12 cô gái thanh niên xung phong tham gia lấp hố bom ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đã hiến dâng cuộc đời và tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. (Ảnh: Văn Sắc/TTXVN)

Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam năm 1966, Bác đánh giá: “phong trào "Năm tốt” của phụ nữ miền Nam, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ miền Bắc là phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân… Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật anh hùng.” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật HN-2011, tập 15, trang 173 và 174)

Tính đến năm 1971, miền Bắc có 42 nữ Anh hùng; 13 đơn vị nữ Anh hùng; 1.718 chị em được thưởng Huy hiệu Bác Hồ; 5.000 nữ Chiến sỹ thi đua; hơn 3 triệu phụ nữ "Ba đảm đang" xuất sắc...

Trong đó, tiêu biểu là mẹ Nguyễn Thị Suốt, người mẹ 60 tuổi ở Quảng Bình chèo thuyền chở bộ đội qua sông và vận chuyển đạn từ bờ ra tàu chiến của ta giữa làn mưa bom bão đạn;

Anh hùng Trần Thị Lý, người nữ dân quân trẻ tuổi Quảng Bình vượt mọi gian khổ hoàn thành công tác giao thông liên lạc trên tuyến lửa, trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu ngoan cường và dũng cảm;

Anh hùng La Thị Tám, 23 lần bị bom vùi vẫn không rời vị trí, bình tĩnh quan sát máy bay địch đếm từng quả bom rơi, đánh dấu từng quả bom chưa nổ để tạo điều kiện thuận lợi cho công binh phá bom nổ chậm;

Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, công nhân Nhà máy dệt 8/3 Hà Nội, chồng đi chiến đấu, một mình nuôi 2 con nhỏ, kiên trì suốt 8 năm chiến tranh đảm bảo ngày công bình quân cao nhất nhà máy, trong 9 năm dệt vượt mức kế hoạch hơn 8 vạn mét vải…

Có thể thấy, phong trào "Ba đảm đang" đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, trí tuệ, tài năng của phụ nữ, tạo ra một phong trào mạnh mẽ, sôi nổi chưa từng thấy. Ghi nhận công lao đó, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã khen tặng 12 chữ vàng: "Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang chống Mỹ, cứu nước."

Viết tiếp những trang vàng

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của phong trào “Ba đảm đang” năm xưa, phụ nữ Việt Nam hôm nay tiếp tục viết tiếp những thành tích vẻ vang vào trang vàng của lịch sử dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Việt Nam đã nhận thức hơn vai trò trách nhiệm của mình, không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, là người phụ nữ có trí tuệ, năng động, sáng tạo, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu, làm chủ khoa học kỹ thuật, phấn đấu tất cả vì sự bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ.

[Vẻ đẹp và giá trị của phụ nữ Việt được tôn vinh trong hội nhập]

Ngày nay, phụ nữ Việt Nam không chỉ là người vợ, người mẹ hiền đảm đang mà còn là những nhà lãnh đạo, nhà khoa học tài năng, những doanh nhân giỏi… có nhiều đóng góp, đồng hành cùng dân tộc.

Với những nỗ lực không ngừng của bản thân, cùng sự tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước, phụ nữ Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trên chặng đường phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Hiện nay, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và nhất là về chất lượng. Quốc hội khóa XV đạt tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu, cao nhất từ trước đến nay; Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh có 16% đồng chí nữ, hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 29% đại biểu nữ…

Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%.

Việt Nam cũng nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, với hơn 30,26%. Tỷ lệ này của Việt Nam cao hơn 4.7% so với mức trung bình toàn cầu là 25.5%.

Tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đều tăng so với nhiệm kỳ 2010-2015 ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã.'

Đây là một thành tựu đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ thông qua việc tăng cường sự tham gia chính trị của phụ nữ và trong Quốc hội.

Một điểm sáng khác là sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động. Chúng ta có 79% phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động, cao hơn mức trung bình của khu vực và trên thế giới.

Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào lực lượng lao động, đặc biệt trong ngành giáo dục và y tế đang tăng lên. Nhiều doanh nhân nữ có uy tín và xếp hạng cao trong khu vực và thế giới.

Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, nhiều phụ nữ đã đoạt giải khu vực và quốc tế. Các nữ đại sứ, nữ cán bộ ngoại giao, nữ công an, nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã trở thành các "sứ giả" của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của nước ta trong hoạt động đối ngoại…

Các nữ sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam tham dự Hội nghị quốc tế về Phụ nữ với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Việt Nam cũng đã cử các nữ sỹ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi từ năm 2018. Từ đó đến nay, tỷ lệ nữ trong Lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tăng đều và hiện ở mức cao hơn so với các nước trong khu vực.

Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga là nữ sỹ quan đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Bên cạnh đó, phụ nữ Việt Nam cũng tiếp thu những văn minh, tiến bộ của nhân loại để đưa vào trong lối sống, trong tư duy, trong ứng xử gia đình và xã hội.

Tất cả những điều đó cũng góp phần khẳng định sự hiện đại, sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam ngày nay, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ."

Gần 60 năm đã trôi qua, những tinh thần của phong trào "Ba đảm đang" vẫn luôn là mạch ngầm tuôn chảy, là tài sản vô giá, nguồn lực quan trọng, tiếp lửa cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam hôm nay và mai sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục