Phụ nữ Sài Gòn-Gia Định trong sự kiện Tết Mậu Thân

Ngày 25/4, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức tọa đàm khoa học “Phụ nữ Sài Gòn-Gia Định và khu Tây Nam Bộ trong Mậu Thân năm 1968.”
Ngày 25/4, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức tọa đàm khoa học “Phụ nữ Sài Gòn-Gia Định và khu Tây Nam Bộ trong Mậu Thân năm 1968” với sự tham dự của 30 nhân chứng lịch sử trong Cuộc tổng tiến công năm Mậu Thân 1968.

Tọa đàm nhằm nhấn mạnh vai trò của phụ nữ Sài Gòn-Gia Định và các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ trong sự kiện lịch sử Tết Mậu Thân 1968.

Hơn 20 bài viết của các nhà khoa học, cán bộ, viên chức Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ dựa trên nguồn sử liệu của địa phương và ghi nhận từ các nhân chứng lịch sử được gửi đến tọa đàm.

Tại buổi gặp mặt, các mẹ, các chị tóc đã bạc phơ, gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, với nhiều xúc cảm trào dâng.

Bà Võ Thị Tâm, Anh hùng Lực lượng vũ trang, nữ trinh sát dẫn đường cánh Phân khu 2 khi tấn công vào nội đô Sài Gòn trong Mậu Thân năm 1968 kể lại, đã nhiều lần bà thoát chết trong lòng địch tại Sài Gòn từ 1964-1967, khi trèo cột cờ gắn cờ Cách mạng, khi bị địch truy lùng, phải lánh nạn nhà dân...

Bà nghẹn ngào nói chính nhờ sự cưu mang, đùm bọc của nhân dân mà bà đã hoàn thành nhiệm vụ của Cách mạng giao phó.

Ca ngợi sự quả cảm, kiên cường của những bông hoa tại huyện Bình Chánh, nơi cửa ngõ Tây Nam Sài Gòn trong Tết Mậu Thân, thạc sĩ Bùi Thị Thủy, công tác tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho biết, Bình Chánh là nơi Bộ Tư lệnh Tiền phương Nam đứng chân, đặt trụ sở, chịu trách nhiệm chỉ huy các đơn vị chủ lực hướng Nam và Tây Nam thành phố và toàn bộ lực lượng vũ trang, biệt động nội thành.

Những người mẹ, người chị trước năm 1968 đã âm thầm chuẩn bị các hầm bí mật, kho chứa vũ khí, lương thực. Phần lớn việc chuyển thương, tải đạn, phục vụ hậu cần đều do phụ nữ đảm nhận, bởi nam giới hầu hết phải lao ra mặt trận. Hàng trăm công sự chiến đấu và nhiều hầm bí mật đã được các má, các chị xây dựng./.

Gia Thuận (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục