Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thường phải chịu sự phân biệt đối xử “kép” bởi giới tính và tình trạng khuyết tật. Do đó, họ đối mặt với những nguy cơ cao bị lạm dụng, bạo hành, đòi hỏi cần phải hoàn thiện hệ thống chính sách để bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ khuyết tật tốt hơn.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo về thực trạng chính sách và chương trình trợ giúp phụ nữ khuyết tật do Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, tổ chức Oxfam và Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 24/7 tại Hà Nội.
Việt Nam có 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó có tới 58% là phụ nữ. Hiện nay, có trên một triệu người khuyết tật đặc biệt nặng và phụ nữ khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Các cơ sở trợ giúp xã hội đã tiếp nhận, nuôi dưỡng gần 18.000 người khuyết tật và phụ nữ khuyết tật.
Ông Nguyễn Văn Hồi, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương bình và Xã hội), cho biết mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng vẫn còn nhiều người khuyết tật, phụ nữ khuyết tật chưa được hưởng chính sách hoặc hưởng rất ít chính sách, chế độ trợ giúp của Nhà nước. Đặc biệt, tỷ lệ gia đình có người khuyết tật, phụ nữ khuyết tật thuộc diện nghèo vẫn còn cao.
Theo ông Nguyễn Văn Hồi, cơ chế chính sách cho phụ nữ khuyết tật còn có những “khoảng trống” về chương trình hỗ trợ việc làm, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng… và gặp khó khăn trong huy động nguồn lực hỗ trợ người khuyết tật. Do đó, cần có kết quả tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách hiện nay để làm cơ sở cho quá trình sửa đổi Luật Người khuyết tật và Nghị định 136/2013/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội.
[75.000 người khuyết tật đăng ký quản lý thông tin bằng phần mềm]
Ông Nguyễn Văn Hồi đề xuất cần phải có chính sách đặc thù trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người khuyết tật và trẻ em khuyết tật. Hiện nay, nhiều dịch vụ chỉnh hình, phục hồi chức năng chưa có trong danh mục chi trả của bảo hiểm y tế khiến người khuyết tật còn gặp khó khăn trong quá trình chăm sóc sức khỏe.
Bên cạnh đó, chất lượng mạng lưới y tế cơ sở còn thấp, các tạm y tế xã thiếu trang thiết bị, lạc hậu, không đảm bảo số lượng thuốc, bác sỹ, nhân viên y tế có chuyên ngành phục hồi chức năng. Các chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng với vai trò chủ đạo của y tế tuyến xã gặp khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai. Theo đánh giá của Bộ Y tế, chỉ có dưới 10% so người khuyết tật, phụ nữ khuyết tật được tham gia các chương trình phục hồi chức năng.
Bà Phan Thị Quỳnh Như, Phó Trưởng ban Ban Gia đình-Xã hội-Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho rằng phụ nữ khuyết tật sống dựa vào gia đình, người thân, trợ cấp xã hội và phần lớn thuộc diện nghèo. Họ gặp nhiều rủi ro, dễ bị lạm dụng lao động, tình dục so với những phụ nữ bình thường. Các quyền cơ bản ít được quan tâm và đảm bảo. Cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội, chắc sóc sức khỏe, giáo dục, lao động, việc làm, vươn lên hòa nhập… của phụ nữ khuyết tật còn hạn chế.
“Phụ nữ khuyết tật chịu nhiều tác động của nghèo đói do các rào cản về giới, khó khăn thường gặp cao ít nhất 3 lần so với nam giới. Tuy nhiên, họ luôn có nhu cầu, mong muốn được nâng cao kiến thức, năng lực, vị thế và vươn lên, khẳng định mình trong xã hội,” bà Phan Thị Quỳnh Như nói.
Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam hiện đang rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về dạy nghề, tạo việc làm; chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên làm công tác người khuyết tật ở các cơ sở; phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội giúp đỡ người khuyết tật… Đặc biệt, việc sửa đổi sẽ thực hiện theo hướng nghiên cứu, lồng ghép những chính sách đặc thù về giới đối với phụ nữ khuyết tật trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Theo Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu đặt ra là 80% phụ nữ khuyết tật nhận được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau, giai đoạn 2026-2030 tỷ lệ này nâng là 100%. Bên cạnh đó, chú trọng tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật về người khuyết tật, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng xã hội đối với người khuyết tật; hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển các tổ chức của người khuyết tật./.
Việt Nam hiện có 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó 29% khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, gần 3 triệu người khuyết tật được xác nhận và cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Có 90.000 trẻ khuyết tật có khả năng học tập đang đi học, chủ yếu học hòa nhập ở các trường mầm non và phổ thông. Hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người khuyết tật, trong đó có 2 trường trung cấp nghề chuyên biệt đào tạo nghề cho người khuyết tật. Hàng năm, có từ 17.000-20.000 người khuyết tật được đào tạo nghề. Trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 20.000 lượt người khuyết tật được tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm. Trong giai đoạn 2012-2030, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai mô hình hỗ trợ sinh kế cho 1.320 hộ gia đình có người khuyết tật tại 25 tỉnh, thành phố. |