Sỹ tử, phụ huynh đều "run"

Phụ huynh, sỹ tử cùng "run" trong buổi thi đầu tiên

Nhiều thí sinh cũng như phụ huynh vẫn có một buổi sáng tim đập, chân run trong ngày thi chính thức đầu tiên của Đại học khối A (4/7).
Mặc dù đã có buổi "tập dượt" không khí trường thi trong ngày làm thủ tục dự thi hôm qua nhưng không ít sỹ tử cũng như phụ huynh vẫn có một buổi sáng tim đập, chân run trong ngày thi chính thức đầu tiên (4/7).
Là một trong những thí sinh tới điểm thi trường đại học Quốc gia Hà Nội sớm hơn cả, Bùi Minh Hoàng, quê ở Bắc Giang bảo, cả tối qua, hầu như cậu chẳng chợp mắt được chút nào. Câu học sinh lần đầu lên Hà Nội cũng kể, cảm giác tim đập thình thịch này có từ ngày làm thủ tục dự thi hôm qua. Lúc ấy, nghĩ tới cảnh cả phòng thi vài chục người nhưng có lẽ chỉ một hoặc hai người đỗ làm Hoàng thấy run bắn. Thậm chí, Hoàng còn phát  hoảng vì sáng nay tới điểm thi, nhiều công thức hồi trên lớp Hoàng vẫn thuộc vanh vách thì bây giờ lúc nhớ lúc quên. Thậm chí, ngồi  nhẩm lại một số loại đồ thị hàm số đơn giản, cậu còn thấy lẫn cả vào nhau. "Năm ngoái điểm chuẩn vào trường là 21 điểm. Em tính toán nếu cố gắng hết sức thì may ra mới đạt số điểm trên. Chỉ cần sai sót một chút là hỏng," Hoàng lo lắng. Không rối bời như Hoàng nhưng Đỗ Tuấn Hùng (Phú Thọ) cũng chia sẻ, sức học của cậu vốn chỉ ở mức khá nên cậu cũng chẳng đem nhiều tự tin lên Hà Nội. Điều làm cậu học sinh có dáng người nhỏ nhắn lo hơn cả là việc cả nhà có 3 anh em trai nhưng tới nay cũng chỉ có một mình Hùng được dự thi đại học. Hai anh lớn nhà cậu đều chỉ học tới lớp 9, lớp 10 rồi người đi làm thợ hồ ở Hà Nội, người thì vào tận miền Nam xin làm chân giao hàng. Hùng cũng kể rằng, bố em ốm từ mấy năm nay. Ngoài ít ruộng của nhà, chi tiêu trong nhà đều nhờ cả vào tiền công mẹ Hùng làm thêm cho mấy gia đình trồng nấm trong xã. "Em cũng xin đi làm thêm với mẹ nhưng cả nhà không cho, bảo em là đứa học khá nhất nhà, phải cố," Hùng nói. Tiền tiêu hàng ngày chẳng dư dả, Hùng bảo, đợt thi đại học lần này, cậu biết mẹ vẫn giấu cả nhà đi vay hàng xóm thêm ít tiền để cậu út yên tâm lên Hà Nội. "Áp lực thế nên em phải cố hết sức vì cả nhà đều chờ em báo tin vui," cậu học sinh quê Phú Thọ tâm sự. Trong khi thí sinh "ôm một bụng lo lắng" thì ở phía ngoài, rất đông phụ huynh cũng không giấu được sự hồi hộp.

Phụ huynh cũng sốt ruột khi ngồi "ngóng" đợi con thi trong sáng nay. (Ảnh: PV/Vietnam+)
"Cắm chốt" bên ngoài cổng trường đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, bác Trần Văn Hoán (Hoà Bình) kể từ hôm lên Hà Nội cách đây vài ngày thấy con trai cứ vùi đầu vào sách vở, bác Hoán đâm lo. "Kêu nó nghỉ ngơi cho đầu óc thảnh thơi nhưng nó không nghe. Mình thì lo nhỡ con nó học quá sức rồi ốm rồi chẳng có sức mà thi thì khổ," bác Hoán kể. Và cũng vì lo nên sáng nay, đưa con trai tới cổng trường rồi bác Hoán cũng chẳng có tâm trạng quay về phòng trọ cách đó chưa đầy một cây số. "Sáng nay trước khi đi, bà xã có gọi điện lên dặn dò hai bố con đủ thứ, lại còn bắt tôi phải nhớ mang điện thoại để thi xong là phải thông báo tính hình luôn," bác Hoán cho biết. Ngồi kế bên, cô Trần Thị Hạnh (Thanh Hóa) cũng không giấu được vẻ lo âu trên khuôn mặt. Đôi mắt luôn “ngóng” vào trong phòng thi, thỉnh thoảng cô lại chạy gần đến cổng ngó vào xem các thí sinh làm bài cho đỡ sốt ruột. Cô Hạnh bảo, đây là lần thứ hai đưa con đi thi nhưng lần nào cô cũng không thể chợp mắt được vì lo. “Trước khi cho cháu lên thi, công việc ở nhà đã phải thu xếp giao hết cho chồng. Vốn làm nông nên nhiều việc, lên Hà Nội được 3 ngày, ông xã ngày nào cũng gọi điện lên hỏi thăm sức khỏe hai mẹ con,” cô Hạnh chia sẻ. Nhớ lại lần đầu đưa con đi thi, cô Hạnh bảo, 3 năm trước, đứa em đầu cũng đã thi đỗ vào trường Đại học Xây Dựng. Vì thế, cô đã có kinh nghiệm chăm sóc và xoay sở ở Thủ đô trong mấy ngày "lai kinh". “Là phụ huynh, ai ai cũng sốt ruột và mong con em mình làm thật tốt bài thi để đạt kết quả cao, đền đáp công ơn nuôi dưỡng từ những năm ngồi trong ghế nhà trường,” cô Hạnh nói. Dù đã vào thời gian thí sinh làm bài thi, phía ngoài cổng trường, rất đông phụ huynh tìm chỗ bóng mát để tá túc đợi đón con em về sau khi đã hoàn thành môn thi đầu tiên của khối A. Xung quanh câu chuyện của các phụ huynh bàn tán, chủ đề chính vẫn là lực học của thí sinh, đề thi của các năm trước và trên mỗi khuôn mặt đều thấy rõ sự lo âu về kỳ thi Đại học của con em mình./.
Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục