Bảo tháp Xá Lợi Gotama Cetiya (Nguyễn Xiển, P. Long Bình, Q.9, Tp. Hồ Chí Minh) là ngôi bảo tháp lớn nhất Việt Nam được thiết kế kết hợp giữa kiến trúc hiện đại với nền văn minh Suvannabhumi cổ xưa của vùng Đông Nam Á.
Ngôi bảo tháp nằm trong tổng thể kiến trúc Tổ đình Bửu Long, là địa điểm tâm linh thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, khách thập phương tới chiêm ngưỡng, cúng bái mỗi ngày.
Bảo tháp Xá Lợi Gotama Cetiya nguyên là một Tịnh Thất có khuôn viên rộng hơn 11 ha, do cư sĩ Võ Hà Thuật thành lập năm 1942 để thỉnh Thiền sư Hộ Tông về truyền pháp cho nhóm bạn bè đồng đạo của mình cùng tu tập.
Hòa thượng Viên Minh, Viện chủ Thiền viện Bửu Long cho biết, dự án xây dựng Bảo tháp Gotama Cetiya đã được Tổ Hộ Tông quan tâm từ năm 1965 nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan nên mãi đến năm 2007 mới được Ban quản trị, chư tăng, Phật tử đồng tâm thực hiện. Theo đó, Bảo tháp được do chính tay trụ trì Viên Minh thiết kế, rồi đứng ra quyên góp, xây dựng và hoàn thành năm 2013.
Gotama Cetiya là ngôi bảo tháp có quy mô lớn nhất Việt Nam với 5 tháp lớn nhỏ, tháp chính điện ở trung tâm cao và lớn nhất với 7 tầng, đỉnh tháp gắn hàng trăm chiếc chuông gió, xung quanh được dát đồng thau vàng óng, bên trong có một bảo tháp nhỏ trưng thờ ngọc Xá Lợi Đức Phật và Xá Lợi chư Thánh Arahán.
Viện chủ Viên Minh cho biết thêm, kiến trúc của bảo tháp là kiến trúc Phật Giáo Nam Tông đặc trưng trong vùng Đông Nam Á với các họa tiết trang trí như rồng uốn lượn tạo thành mái vòm, hoa văn nổi, phù điêu, bánh xe chuyển pháp luân,... xuất phát từ nền văn hóa Phù Nam cổ.
Phù Nam tức là vùng lãnh địa Suvannabhūmi chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ từ triều đại Asoka.
Ngày nay, kiến trúc cổ của nền văn minh Phù Nam còn được giữ lại qua các di tích lịch sử nổi tiếng như Ankor Thom, Ankor Wat của Campuchia, Thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam và Tháp Bà ở Nha Trang của Việt Nam... Thế nhưng, bảo tháp lại được thiết kế theo lối kiến trúc cổ nhất của văn hóa Phù Nam kết hợp với kiến trúc hiện đại và chọn những mẫu hoa văn cổ rồi biến tấu cho gần gũi nhất với tâm hồn người Việt để tạo thành một kiến trúc vừa có nét chung của Phật Giáo Nam Tông vùng Đông Nam Á vừa có phong thái riêng của Phật Giáo Nam Tông Việt Nam.
Hơn nữa, bảo tháp tọa lạc trên một khu đồi, cây cối xanh mát, bên cạnh là dòng sông Đồng Nai thoáng mát, bên trong có khuôn viên rộng lớn cùng hệ thống trà thất, quán ăn chay, nước giải khát phục vụ khách hành hương... Chính vì điều này, bảo tháp đang là nơi “tìm về” của các chư tăng, Phật tử, người dân đến chiêm bái và khám phá vẻ đẹp vừa nguy nga, tráng lệ, lại vừa huyền bí, trang nghiêm của nó.../.