[Photo] Những đổi thay to lớn trên vùng điện gió Bạc Liêu

Về vùng đất bãi bồi Vĩnh Thạnh Đông hôm nay, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những đổi thay to lớn ở vùng đất mà cách đây 5 năm vẫn còn lam lũ, tối tăm.

Giữa mênh mông trời nước và bãi bồi ven biển xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, những cột turbin điện gió khổng lồ của Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, công trình trọng điểm và lớn nhất cả nước về điện gió, sừng sững vươn cao minh chứng cho tiềm năng vô tận của nguồn năng lượng gió ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cách đây chừng 5 năm, người dân Vĩnh Trạch Đông hầu như quanh năm chỉ biết lam lũ trên những vuông tôm hay cào nghêu trên bãi bồi ngập mặn dưới rặng bần, rặng đước... nên có nằm mơ họ cũng không thể ngờ rằng, hôm nay chính trên những bãi bồi lộng gió ấy, một tổ hợp năng lượng công nghệ cao sừng sững hiện lên mang lại nguồn điện sạch được tạo ra từ chính nguồn gió vô tận của vùng bãi bồi ngập mặn ở quê hương mình.

Theo chương trình điều tra năng lượng châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng điện gió ở Việt Nam vào khoảng 513.360MW, tức bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La.

Trong khi đó, tỉnh Bạc Liêu với 56km bờ biển được đánh giá là có tốc độ gió tốt nhất cả nước (trung bình từ 6,5-7,2 m/giây, những tháng cao điểm lên tới 10m/giây) và đón được các hướng gió chính. Ngoài ra, Bạc Liêu còn có các vùng đất bãi bồi không có dân cư sinh sống nên rất thuận lợi cho việc xây dựng cũng như mở rộng nhà máy điện gió.

Dưới đây là một số hình ảnh về những đổi thay ở vùng điện gió Bạc Liêu:

Nhà máy điện gió Bạc Liêu đặt tại xã Vĩnh Trạch Đông (Tp. Bạc Liêu), công trình trọng điểm và lớn nhất cả nước về điện gió. (Ảnh: Trọng Chính)
Lắp đặt cánh quạt turbin gió có chiều dài 82,5m bằng hệ thống cẩu siêu trường, siêu trọng có sức nâng 600 tấn. (Nguồn: Tư liệu Nhà máy điện gió Bạc Liêu)
Thi công hoàn thành trụ móng turbin số 4 vào năm 2012. (Nguồn: Tư liệu Nhà máy điện gió Bạc Liêu)
Đường dây hòa lưới điện Quốc gia từ Nhà máy điện gió Bạc Liêu. (Ảnh: Lê Minh)
Cuộc sống mới ở khu dân cư Hữu Nghị, ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông của bà con đồng bào Khmer trên vùng điện gió. (Ảnh: Lê Minh)
Người dân hai xã Vĩnh Trạch Đông và Hiệp Thành hiện sử dụng nguồn điện sinh hoạt được tạo ra từ chính tiềm năng gió trên quê hương mình. (Ảnh: Trọng Chính)
Mô hình nuôi tôm sạch của “vua tôm” Lê Hồng Ngoãn tại ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông ngay bên cạnh những trụ turbin điện gió. Ảnh: Trọng Chính
Mô hình nuôi cua lột của Hợp tác xã Nam Đông ở ấp Biển Tây A, nơi cung cấp cua thành phẩm xuất khẩu sang các thị trường Nhật, châu Âu. Ảnh: Lê Minh
(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục