[Photo] Nghệ nhân khôi phục dòng gốm cổ xưa nhất Việt Nam

Tinh hoa của dòng gốm dân gian Luy Lâu tưởng chừng đã bị quên lãng cùng những lò nung nguội lạnh cả ngàn năm nay lại hồi sinh mạnh mẽ dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân vùng Dâu Thuận Thành, Bắc Ninh.
Vò đất có lẽ là công đoạn vất vả nhất. Sau đó, từng miếng đất được cắt xén với lượng vừa phải rồi nhào nặn... (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
... tạo thành những vòng đất để xếp thành từng đợt, từng đợt và chuốt dần lên .(Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Nguyễn Văn Thành, sinh năm 2001, mới học làm gốm Luy Lâu được một thời gian ngắn bảo: 'Làm gốm Luy Lâu rất khó, vì đây là dòng gốm cổ, đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình lại làm hoàn toàn bằng tay...' (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Đôi bàn tay khéo léo, nhẹ nhàng chuốt từng vòng cho đến khi đạt độ cao cần thiết của chiếc bình Bách Việt này... (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
...rồi đắp nổi họa tiết, tạo hình khối điêu khắc trang trí. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Gốm Luy Lâu tưởng chừng đã bị quên lãng cùng những lò nung nguội lạnh cả ngàn năm nay giờ lại hồi sinh mạnh mẽ dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân vùng Dâu Thuận Thành. Tinh hoa của một dòng gốm dân gian thất truyền 3 thế kỷ qua mới được khôi phục vài thập kỷ nay. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông (bên phải), người con của vùng Dâu Thuận Thành sau nhiều năm mày mò, nghiên cứu đã 'hồi sinh' được một trong những dòng gốm cổ xưa nhất Việt Nam. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Luy Lâu hay Niên Lâu gắn liền với vùng đất đã từng là chi sở của chế độ cai trị phương Bắc trong suốt ngàn năm Bắc thuộc, vì thế nó mới sản sinh ra dòng gốm Luy Lâu chứa đựng rất nhiều yếu tốt lịch sử, văn hóa. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Với gốm Luy Lâu làm hoàn toàn thủ công, không chỉ cần am hiểu về hội họa, điêu khắc, văn hóa, lịch sử, mà từng đường nét phải được cảm nhận bằng tư duy và tâm hồn của người nghệ nhân. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Với nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông, niềm đam mê gốm đã ngấm vào máu, ông lặn lội khắp nơi hàng chục năm để tìm tòi, học hỏi về nghề gốm. Ông tìm gặp các nhà khảo cổ, sử học và nghiên cứu nhiều tài liệu về gốm trong các triều đại phong kiến. Bao nhiêu mẻ gốm đã thất bại, bao lần pha chế men gốm không thành nhưng ông vẫn kiên trì giải mã bằng được những bí truyền của tiền nhân kết tinh trong gốm cổ Luy Lâu. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Từ những trăn trở thử nghiệm, nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông phát hiện ra rằng tinh hoa của gốm Luy Lâu hội tụ trong chính chất đất rất đặc trưng của vùng, loại đất từng làm gạch xây tháp Hòa Phong trong chùa Dâu. Đất Luy Lâu có đặc điểm là chứa một lượng sắt lớn, khả năng chịu nhiệt cao nên khi nung không bị rạn nứt, tạo ra sản phẩm bền đẹp qua thời gian. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Chiếc bình Bách Việt sau khi dựng cốt, đắp họa tiết sẽ được phơi trước khi vào men và nung. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Từ thời cổ xưa, gốm Luy Lâu vốn là dòng gốm quý tộc chỉ dành cho Vua chúa, tầng lớp quan lại, hay dùng làm nguyên liệu xây nên những đền đài, cung điện, tác phẩm trang trí nghệ thuật... (Ảnh: CTV)
Nói đến tinh hoa gốm Luy Lâu không thể không nhắc đến chất men rất đặc trưng, đặc biệt mà không dòng gốm nào có được đó là loại men làm hoàn toàn từ thiên nhiên với bùn đất của sông Dâu gồm tro than đốt từ thân cây Dâu mọc trên phù sa đồng bãi thêm chút sỏi đá của rừng, vỏ sò vỏ hến của biển. Trong đó, tro từ thân cây dâu là thành phần quan trọng nhất tạo nên màu xanh ôliu bất hủ của gốm Luy Lâu. (Ảnh: CTV)
Đặc biệt, loại men này khi quét lên không chỉ cho một màu men nhất định mà biến đổi tự nhiên, khi là màu xanh trong vắt, khi chuyển màu đen sẫm, có chỗ lại ánh xanh nâu pha trộn vô cùng đặc biệt. (Ảnh: CTV)
Gốm cổ Luy Lâu thực sự đã thu hút các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa tìm đến bởi các sản phẩm gốm cổ mà ông Vông phục dựng đều có mẫu và niên đại cách đây khoảng 2.000 năm. Nó còn gắn với dấu tích của chùa chiền, dinh thự, đền đài từng vang bóng một thời ở vùng Kinh bắc. (Ảnh: CTV)
Bằng sự kết hợp khéo léo giữa ngôn ngữ hiện đại của mỹ thuật tạo hình với chất liệu và sắc màu truyền thống, các nghệ nhân đã sáng tạo ra những sản phẩm vừa có giá trị nghệ thuật cao vừa mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử dân tộc. (Ảnh: CTV)
Sản phẩm gốm cổ Luy Lâu vẫn được coi là sản phẩm mẫu mực của dòng gốm dân gian rất đậm nét tồn tại trong xã hội cổ đại nước ta. (Ảnh: CTV)
Cùng ngắm thêm một số tác phẩm của nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông. (Ảnh: CTV)
(Ảnh: CTV)
(Ảnh: CTV)
(Ảnh: CTV)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục