Cái tên Tú Lệ và Mù Cang Chải không chỉ nổi tiếng với các nhà nhiếp ảnh mà gần đây còn được các hãng du lịch ghi danh vào các chương trình tour đặc sắc vùng cao.
Vào giữa tháng 9, cung đường từ thung lũng Tú Lệ lên Mù Cang Chải (Yên Bái) được ví như "cung đường vàng" bởi suốt chiều dài chừng 40 km này là cả một màu vàng óng của những thửa ruộng bậc thang, lúa chín nối nhau lên đến lưng trời.
Nếu như ở Tú Lệ (huyện Văn Chấn) lộng lẫy với một thung lũng rộng mênh mông lúa chín vàng xen lẫn những mái nhà sàn của người Thái ở các bản Lìm Thái, Lìm Mông thì vượt qua đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc là đến huyện Mù Cang Chải, nơi có cả một không gian của “những thửa ruộng trời” hùng vĩ được giới hạn bởi trời và đất.
700ha ruộng bậc thang ở huyện Mù Cang Chải tập trung chủ yếu ở 3 xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn và Dế Su Phình. Khác với bà con dân tộc Thái ở Tú Lệ chủ yếu trồng đặc sản lúa nếp, ruộng bậc thang của người Mông ở Mù Cang Chải lại trồng lúa tẻ.
Những thửa ruộng bậc thang ở đây được “tạo hình” từ bàn tay cần cù của bà con các dân tộc từ cả trăm năm trước và cho đến nay vẫn tiếp tục là nguồn sản sinh lương thực chính của họ.
Vào tháng 9, khi mà lúa đã chín vàng thì nơi đây tấp nập du khách và các nhà nhiếp ảnh. Họ đến Mù Cang Chải để tận hưởng không khí mát lành của vùng cao cũng như tận mắt được thấy những “mâm xôi vàng” hiện lên trong màu xanh của núi rừng và từng bậc ruộng lúa chín nối tiếp nhau từ trên cao đổ xuống như chiếc thang mời gọi du khách./.