[Photo] Độc đáo nghề dệt vải lanh của người H'Mông ở Vân Hồ

Vùng đất Vân Hồ (Sơn La) có nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc, trong đó nghề dệt, thêu trang phục dân tộc là nét đẹp riêng có vẫn được một số ít bà con nơi đây gìn giữ và bảo tồn.
Là vùng đất có nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc, thời gian qua, vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị cổ, trong đó có nghề dệt, thêu trang phục dân tộc được bà con huyện Vân Hồ (Sơn La) đặc biệt quan tâm. Trước đây, trang phục của đồng bào H’Mông được làm bằng vải lanh. Dù nghề trồng lanh dệt vải hiện đã mai một nhiều, nhưng cách tạo hoa văn, thêu, trang trí các họa tiết vẫn theo lối truyền thống và vẫn còn một số rất ít hộ dân giữ gìn, bảo tồn được nghề truyền thống. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Xã Lóng Luông, xã Pà Cò của huyện Vân Hồ có hơn 83% là đồng bào dân tộc H’Mông. Phụ nữ ở đây vẫn giữ được phong tục may, thêu và sử dụng trang phục trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, chỉ có vài hộ dân còn giữ được lối dệt vải lanh cổ truyền bằng khung tre, gỗ như thế này. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Cứ đến tháng Ba âm lịch, khi trồng ngô cũng là lúc gieo trồng cây lanh. Chỉ cần lấy hạt lanh trộn thật đều cùng phân chuồng đã ủ với tro bếp, trộn xong rải mỏng xuống đất, rồi phủ một lớp đất mỏng nữa là xong, gieo dày thưa tùy thích. Nghề dệt vải lanh của người H’Mông vô cùng cầu kỳ, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại. Các công đoạn để làm lên một tấm vải lanh, từ lúc đập lanh, tước dập vỏ lanh, kéo sợi đến dệt lanh đều được làm bằng tay. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Để tạo nên một tấm vải lanh, họ phải tước cây lanh khô thành từng sợi nhỏ và khéo léo nối lại với nhau sao cho không để lộ vết mối nối. Vì vậy phụ nữ H’Mông hầu như tranh thủ tước và nối các sợi lanh bất kỳ lúc nào, kể cả đi trên đường từ nhà lên nương và từ nương về nhà… (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Việc tước sợi cần đôi tay rất khéo léo, vì nếu không sau này sợi lanh không đều, khó se, không chắc. Sợi lanh tước ra được bó từng nắm, rồi cho vào cối giã, ngâm qua đêm trước khi se. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Cô Sùng Thị Mái (xã Pà Cò) cho biết sẽ mắc các sợi lanh vào khung quay được làm từ gỗ để xoắn lanh lại thành từng cuộn. Công đoạn này gọi là se sợi. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Từ các loại cây như cây lanh, cây chàm, sáp ong là những nguồn nguyên vật liệu có sẵn trong đời sống hằng ngày, người Mông đã sáng tạo nên một nghề thủ công mỹ nghệ đặc sắc là nghề dệt vải lanh. Họ bắt đầu từ những kỹ thuật đơn giản, công cụ thô sơ mà phát triển lên thành nghệ thuật dệt vải đặc sắc và độc đáo như ngày nay. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Một đầu sợi lanh nối vào khung tre có nhiều lỗ, còn một đầu buộc vào lõi con quay. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Việc trồng cây lanh không vất vả, nhưng để dệt thành tấm vải thì tốn rất nhiều thời gian, công sức. Cứ hai ống lanh tương đương với 6m vải đủ để may một cái váy hoặc áo, quần đàn ông. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Nhìn gia đình nào trồng cây lanh trên nương, trong rừng là sẽ biết ngay gia đình đó có người phụ nữ chăm chỉ, khéo tay, cần cù, chịu khó và người con gái sinh ra trong gia đình đó sẽ được rất nhiều người để ý. Các em bé ngay từ khi 5-6 tuổi đã được bà hoặc mẹ dạy cách tuốt lanh, se lanh, dệt vải. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Chính vì thế, với cô Sùng Thị Mái, nghề dệt sợi này đã gắn bó với cô hơn nửa thế kỷ. Không thể tính được bao nhiêu mét vải lanh đã được làm ra từ đôi tay chai sần này. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Vải lanh là một phần không thể thiếu trong đời sống của dân tộc H’Mông. Bởi khi qua đời, người H’Mông phải được mặc quần áo, váy được làm bằng vải lanh. Người H’Mông quan niệm nếu không có quần áo, váy bằng vải lanh, thì người chết sẽ không tìm được đường về với tổ tiên, tổ tiên cũng sẽ không tìm được người chết nếu mặc vải khác, như vậy người chết sẽ không được đầu thai. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Sợi lanh sau khi se được cuộn vào các con thoi như thế này. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Những cuộn lanh sau khi se sẽ tiếp tục giăng lên khung để sợi lanh không bị rối. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Đem phơi vài nắng cho sợi lanh khô kiệt. Đây chính là nguyên liệu cho công đoạn dệt. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Khung cửi dệt vải lanh của người Mông rất đơn giản, chỉ có hai thanh gỗ chính với bốn thanh ngang nhỏ hơn ghép vào hai thanh đứng tạo thành khung cửi, dài khoảng 60 cm, diện tích chừng 12cm x 12cm, đặt cách xa nhau khoảng 50 cm, cùng với con thoi để dệt khá to. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Bà Sùng Y Chai (xã Pà Cò) cho biết công đoạn dệt vải thường do người già nhất trong gia đình đảm nhận, vì họ có nhiều thời gian ở nhà hơn và có kinh nghiệm xử lý các sợi xấu, đứt hoặc mỏng… (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Công đoạn dệt một tấm vải lanh dài 6m, bà Chai thường tốn từ 1-2 tháng mới xong. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Để làm ra một tấm vải lanh thành phẩm có thể kéo dài hàng năm, vì người H’Mông không có nhiều thời gian dành cho mọi công đoạn, chỉ tranh thủ lúc rảnh rỗi mới làm. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Chiếc khung dệt vải được buộc vào một cột nhà. Sau mỗi lần ngồi dệt, bà Chai lại buộc gọn gàng để tiếp tục công việc vào hôm sau hoặc bất kỳ lúc nào bà rảnh. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Sau khi dệt thành tấm vải lanh thô như thế này, bà Chai cho biết sẽ tiếp tục lăn cho vải mềm bóng ra. Việc lăn vải rất kỳ công. Bà Chai phải dùng một thân gỗ to mịn, cùng với tấm ván to bằng mảnh vải, dài khoảng 1m, đặt miếng vải giữa tấm ván và thân gỗ rồi đứng lên tấm ván lăn qua lăn lại, cứ thế khi nào thấy đạt thì tiếp tục xê dịch dần tấm vải cho đến hết. Khi tấm vải đã mềm, mịn, bóng mới mang đi ngâm với nước tro. Ngâm khoảng 1 tuần thì lấy ra giặt, phơi khô, cứ như vậy khi nào tấm vải có trắng ngà mới thôi. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Đáng tiếc là ngày chúng tôi đến thăm nhà bà Chai vẫn chưa sắp xếp được công đoạn lăn vải. Ở Vân Hồ, các hộ gia đình còn giữ được nghề dệt vải lanh truyền thống hầu hết làm theo từng công đoạn chứ không trọn vẹn thành phẩm. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Công đoạn làm nên hồn cốt của vải lanh thổ cẩm người H’Mông là vẽ sáp ong lên tấm vải lanh được dệt từ sợi lanh có màu trắng ngà. Để có hoa văn, người phụ nữ H’Mông dùng sáp ong. Theo bà Chai, sáp ong có hai khoảnh màu vàng và màu nâu. Màu vàng là sáp non, màu nâu là lớp sáp già, bóp cho hai loại sáp đó chảy hết mật rồi nấu mỗi loại ra một nồi khác nhau. Nấu mật sáp ong cho đến khi nóng chảy thành nước cốt, lấy mỗi thứ một ít bỏ vào bát, trộn đều và đặt lên bếp. Nếu trộn hai thứ ngay từ đầu thì lên váy không được đẹp. Chảo để nấu sáp ong bao giờ cũng để nóng ở trên bếp. Nếu không nóng như thế, sáp sẽ bị khô và không dính vào váy. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Vì sao người H’Mông dùng sáp ong để vẽ? Bởi khi công đoạn này hoàn thành, cả tấm vải sẽ đem nhuộm chàm, chỗ không có sáp ong nhuộm thành chàm đen, còn chỗ có sáp ong, chàm không thấm vào được sẽ tạo thành các hoạ tiết độc đáo. Sau đó, người ta nấu chảy sáp ong đi, những hoa văn được vẽ bằng sáp ong sẽ trở thành màu trắng xanh, làm nổi bật trang phục.(Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Để vẽ được sáp ong lên vải, phụ nữ Mông có một bộ bút vẽ làm bằng thanh tre nhỏ, ngòi bút là một lá đồng nhỏ hình tam giác được nẹp vào thanh tre. Khi vẽ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong nóng đặt trên than hồng rồi thoăn thoắt đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải, sao cho lưỡi bút song song với mặt đất. Phải kẻ thật đều thật khéo để lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới tiếp tục chấm tiếp.(Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Vải lanh còn dùng làm quà tặng mừng tuổi người già hoặc trong lễ cúng 60 tuổi. Người già họ đặc biệt quý món quà này, họ sẽ cất giữ thật kỹ tận đáy hòm, chỉ khi nào thật sự cần thiết mới đem ra dùng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Sau khi nhuộm chàm xong họ thêu hoa, ghép vải hoa thành thành những hoa văn cầu kỳ. Mô típ hoa văn chủ yếu là những hình kỷ hà, hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi, gam màu chủ yếu là xanh, đỏ, tím, vàng…). (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Ngày nay, theo xu hướng thời đại, một bộ trang phục làm từ vải lanh thủ công quá kỳ công và mất thời gian nên hầu hết phụ nữ H'Mông dùng vải công nghiệp, nhưng họ vẫn thêu tay. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Trong khi mỗi tấm vải lanh dệt, thêu thủ công có giá từ 4-8 triệu đồng thì một tấm vải lanh dệt vải công nghiệp nhưng thêu tay như thế này có giá từ 1,2-2 triệu đồng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Mỗi tấm vải dài 6m như này, nếu chăm chỉ phụ nữ H'Mông có thể thêu xong trong vòng 1 tháng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Những cô gái H'Mông xúng xính đi chợ phiên với trang phục dân tộc truyền thống. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Màu sắc, họa tiết trên trang phục dân tộc truyền thống của người H'Mông thêu tay cầu kỳ, tỉ mỉ và sặc sỡ. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Sắc Xuân đã về trên bản làng của người H'Mông.(Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục