Trong con ngõ nhỏ ở phố Hoàng Hoa Thám, có một người họa sĩ già ngày ngày vẫn cặm cụi vẽ tranh và làm một cái ‘nghề’ không ai coi là nghề: Vẽ báo tường. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Việc vẽ báo tường với ông phải nói đến chữ ‘duyên’. Khi còn tại ngũ năm 1968, ông đã thường xuyên vẽ ký họa cuộc sống thường ngày của đồng đội, lúc chiến đấu, khi là cảnh sinh hoạt văn nghệ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cũng chính vì vậy, ông kiêm luôn việc vẽ báo tường để đời sống tinh thần đồng đội được phong phú hơn. Nhưng phải đến những năm 90, ông mới chính thức làm ‘nghề’ này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông cho biết, bây giờ báo tường chủ yếu được in, được thiết kế theo phong cách mới, nhanh hơn, đẹp hơn. Nhưng vẫn có nhiều học sinh muốn hướng về truyền thống, cứ ngày 20/11 là lại tìm đến nhà nhờ ông vẽ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Mỗi dịp 20/11, ông chỉ nhận vẽ 20 tờ vì mỗi lần làm xong một tờ báo tường, ông phải thức nguyên đêm. Bình thường một tờ báo tường ông làm 1 ngày nhưng nếu làm kỹ sẽ mất đến 2 ngày. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Không chỉ có học sinh mà còn nhiều đơn vị bộ đội cũng tìm đến ông để nhờ ông vẽ báo tường. Ông cho biết, họ thích cái hồn trong nét vẽ, cái cách ông truyền tải thông điệp trong mỗi tờ báo tường. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngoài sự sáng tạo và cẩn thận trong từng nét vẽ, điều quan trọng với ông là hiểu được ý của khách hàng, phải làm được nhiều hơn những gì họ muốn truyền tải trong tờ báo tường. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trong căn phòng nhỏ, ông treo nhiều tranh sơn dầu do chính ông vẽ và cả những bài báo viết về ông. Ông tâm sự, vẽ báo tường chỉ là niềm vui giúp ông kiếm đồng ra đồng vào chứ không muốn ai theo ‘nghề’ này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những lúc rảnh rỗi, ông hay mang đồ nghề đi loanh quanh để vẽ lại cuộc sống hoặc dạy vẽ cho những đứa trẻ có sở thích hội họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Vietnam+)