[Photo] Bảo vật Quốc gia hương án chùa Keo - Kiệt tác 400 năm tuổi

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, hương án chùa Keo chính là bảo vật của một ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi tại tỉnh Thái Bình.
Hương án chùa Keo là bảo vật của một ngôi chùa dưới thời đại nở rộ phong cách chùa tiền Phật - hậu Thánh, mang giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc của đồng bằng Bắc Bộ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Với những giá trị về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, hương án chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tình Thái Bình) ngày 5/10 vừa qua đã được công nhận là bảo vật quốc gia. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hương án (hay Nhang án, Bàn thờ) là đồ dùng thờ cúng, có chức năng đặt bát hương và bày đồ thờ. Hương án có ý nghĩa chuyển tải thông điệp, ước vọng của con người tới thần linh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hương án của Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo được đặt trang trọng tại tòa ống muống (phụ quốc) tiếp giáp với tòa Hậu cung của khu thờ đức Thánh Dương Không Lộ (Theo truyền thuyết là một vị cao tăng Thời Lý đã có công xây dựng Nghiêm Quang Tự - tên Nôm là chùa Keo năm 1061). (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hương án chùa Keo có chất liệu gỗ sơn son thếp vàng, dài 227cm, rộng 156cm, cao 153cm. Hương án hình hộp chữ nhật dạng chân quỳ, dạ cá, được kết cấu 3 phần chính: mặt, thân và chân. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Có 3 điểm tạo nên hình thức độc đáo của hương án chùa Keo, đó là kích thước lớn, hoa văn trang trí dày đặc và hệ thống bánh xe được lắp ở chân. Điều này chứng tỏ đến thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII, vị trí và chức năng của hương án luôn có sự thay đổi, không nhất thiết phải cố định trong bất cứ một không gian thờ tự nào. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hương án chùa Keo được xem là lớn nhất trong các hương án sơn son thếp vàng hiện biết cho tới nay đang có mặt tại các di tích thờ tự và tôn giáo tín ngưỡng ở nước ta. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bên cạnh đó trên hương án chùa Keo, 1.032 họa tiết được chạm khắc bằng kỹ thuật điêu luyện (chạm bong, chạm kênh, chạm lộng, tạo khối nổi, khối chìm, trổ thủng). (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hương án sở hữu những đường nét sắc sảo, trau chuốt, được bố cục chặt chẽ, vừa mang tính phóng khoáng vừa mang tính đăng đối, vừa thật vừa ảo tạo nên tầng tầng lớp lớp hoa văn, tôn lên từng chi tiết cùng với màu sắc của kỹ thuật sơn thếp tạo nên sự sang trọng và tôn nghiêm nơi thờ tự. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thân hương án là phần trung tâm được chạm khắc khá tinh xảo và trau chuốt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hương án của người Việt đã có từ thời Lý - Trần và Lê sơ - Mạc nhưng tất cả đều được làm từ chất liệu đá và đất nung. Hương án bằng gỗ sơn son thếp vàng dường như là sản phẩm chỉ bắt đầu có từ thời Lê Trung Hưng, tạo nên một dấu mốc cho bước chuyển từ chất liệu đất nung và đá sang chất liệu gỗ sơn son thếp vàng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
So với giai đoạn trước, hương án từ chất liệu gỗ sơn son thếp vàng hoa văn trang trí dày đặc hơn, uyển chuyển hơn và màu sắc tỏa sáng hơn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đối với chân hương án, tổng thể tạo hình dễ dàng nhận thấy có sự kết hợp, tiếp nối uyển chuyển giữa các bộ phận với nhau, hoa văn mây lửa và nước bám theo chiều dọc của chân hương án rồi lan vào bên trong, leo sang diềm ngang của dạ cá. Hoa văn được chạm khắc dày đặc đến mức ken chặt như không để hở một khoảng trống nào, qua đó phô diễn tài năng điêu khắc, sự sáng tạo và tính thẩm mỹ của nghệ nhân xưa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đặc biệt, ở hai cạnh hồi được gắn thêm hai cánh gỗ có xu hướng mở rộng và vươn ra phía ngoài. Mặt ngoài mỗi cánh gỗ này, một nửa phía trên để trơn, nửa dưới được chạm khắc những cánh sen ngửa xếp chồng, đan xen nhau, trong lòng cánh sen có các hình vân xoắn cách điệu; mỗi bên cánh gỗ có 13 cánh sen, chồng xếp nhau. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Căn cứ phong cách nghệ thuật và đề tài trang trí, Hương án chùa Keo không chỉ là kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII mà còn là kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đây là bảo vật mang giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, có hình thức độc đáo và là hiện vật gốc độc bản. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Đỗ Ngọc Trung, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vũ Thư cho biết những năm qua, huyện đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong việc tham gia bảo vệ, gìn giữ, phát huy các giá trị của di tích. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
'Huyện có các phương án đã tiến hành phun khử khuẩn, xử lý chống mối mọt hương án chùa Keo đồng thời sau này sẽ báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh có phương án làm một phiên bản hương án khác để giới thiệu tới người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng liên hệ với bảo tàng tỉnh Thái Bình để có phương án bảo quản sao cho khoa học và bền vững nhất,' ông Trung cho hay. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục