Trước tình hình voi ở Đắk Lắk có nguy cơ tuyệt chủng, năm 2011, Trung tâm Bảo tồn voi đã được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng.
Trung tâm có chức năng thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe và sinh sản đàn voi nhà, giám sát voi hoang dã, quy hoạch bảo tồn, giám sát và hạn chế mâu thuẫn giữa voi với người, ổn định nơi cư trú sinh sống của voi, đồng thời duy trì và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống liên quan đến thuần dưỡng, lễ hội voi.
Ngay từ khi mới thành lập, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng Trung tâm đã nỗ lực vượt khó thực hiện khám chữa bệnh thành công cho nhiều voi nhà bị mắc những chứng bệnh mà trước đây các chủ voi thường chỉ biết chữa trị bằng phương pháp dân gian thiếu hiệu quả. Việc khám chữa bệnh định kỳ cho voi nhà cũng được các y bác sĩ của Trung tâm thực sự quan tâm nhằm tránh tình trạng voi bị bệnh để lâu dẫn tới tình trạng khó chữa trị.
Đặc biệt, tháng 3/2013, Trung tâm phối hợp với Vườn Quốc gia York Đôn sử dụng voi nhà vào rừng giải cứu thành công một cá thể voi con hoang dã bị mắc bẫy. Sau 10 ngày điều trị khỏi những vết thương, cá thể voi con đã được thả về rừng an toàn.
Đây cũng là hiệu quả của việc thường xuyên tuần tra theo dõi hành lang di chuyển của những đàn voi đang sinh sống trong khu vực huyện Buôn Đôn.
Trong chuyến hành trình vào Vườn Quốc gia York Đôn cùng với những kiểm lâm của Vườn để theo dõi hành lang di chuyển của voi. Chúng tôi mới thấu hiểu được sự vất vả của những người làm công tác bảo tồn voi.
Anh Y Mưt người dân tộc Ê Đê, người đã có hơn 20 năm công tác ở Ban Quản lý Vườn Quốc gia York Đôn tâm sự: “Nhiều khi vào rừng tuần tra mà không thấy các dấu hiệu của voi để lại như cành cây gãy, phân voi... chúng tôi rất lo lắng. Anh em phải nhanh chóng di chuyển tuần tra theo địa bàn rộng hơn để theo dõi xem voi có di chuyển vào khu vực dân sinh sống không? Nếu vào thì nguy to!”.
Trong dự án bảo tồn voi, vấn đề theo dõi hành lang di chuyển của voi được đặt lên hàng đầu nhằm tránh những xung đột không đáng có giữa voi với người.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia York Đôn phối hợp với Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk thành lập ra tổ bảo vệ thường xuyên thực hiện những chuyến đi để theo dõi hành lang di chuyển của voi. Từ đó nắm bắt thông tin báo cáo kịp thời với chính quyền địa phương để kịp thời xua đuổi khi voi hoang dã về phá hoại, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và tài sản của nhân dân và cũng là bảo vệ đàn voi.
Đối với những cá thể voi nhà, Ban Quản lý Vườn Quốc gia York Đôn đã thử nghiệm ở bốn cá thể voi thuộc sở hữu của Vườn khi thành lập khu chăn thả voi ngay trong Vườn Quốc gia York Đôn. Khu chăn thả này có nguồn thức ăn phong phú, nằm trong khu vực an toàn và thường xuyên được tổ bảo vệ theo dõi có thể giúp cho voi nhà có khả năng sinh sản.
Trong dự án bảo vệ voi ở Đắk Lắk, ngoài sự tham gia của những cơ quan có chức năng còn có cả sự tham gia ủng hộ của người dân.
Chúng tôi có mặt tại huyện Lắk, gặp anh Đàng Năng Long, dân tộc Ê Đê, người sở hữu 10 trong tổng số 24 cá thể voi nhà ở huyện Lắk. Nhắc tới anh Long, rất nhiều người biết đến anh với dự án “giúp voi nhà đẻ” của anh.
Anh Long tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên bên những chú voi. Thời điểm năm 1970, cha tôi có tới 12 con voi, tôi cũng được tận mắt chứng kiến voi nhà sinh sản vào thời gian đó. Và hiện giờ trong đàn voi của tôi vẫn còn ba con voi được sinh ra từ voi nhà là con Y Mâm, Bóc Nong và H Túc.”
Anh Long kể, ngay từ năm 2005, anh đã sớm nhận thấy trong vòng 20 nữa đàn voi nhà ở Đắk Lắk sẽ có nguy tuyệt chủng, vì độ tuổi sinh sản của 53 cá thể voi nhà cũng sắp hết (tuổi sinh sản của voi vào khoảng 15 đến 45 tuổi). Vì vậy, anh bắt tay thực hiện ngay dự án riêng của mình với hy vọng sẽ ghép đẻ thành công voi nhà.
Có trong tay 2 cá thể voi đực và 2 cá thể voi cái đang trong độ tuổi sinh sản, anh tràn đầy hy vọng dự án của mình sẽ thành công. Nhưng trải qua 8 năm, mất rất nhiều tiền bạc, công sức mà dự án vẫn chưa hoàn thành được. Tuy chưa thành công, nhưng anh vẫn quyết tâm làm bằng được. Anh quả quyết: “Tôi sẽ tiến hành ghép voi đẻ cho bao giờ thành công thì thôi.”
Rút kinh nghiệm từ những lần thực hiện trước, gần đây anh đã tìm được một vị trí rất lý tưởng để ghép đôi cho voi trong thời gian dài vơi hy vọng chúng sẽ thụ thai theo đúng như ý muốn.
Bên cạnh giấc mơ “ghép voi đẻ”, Đàng Năng Long còn là người thành công trong mô hình phát triển kinh tế bằng nghề kinh doanh du lịch dựa trên việc khai thác hợp lý đàn voi nhà của mình.
Năm 2009, anh thành lập Công ty du lịch Vân Long nằm ngay bên hồ Lắk thơ mộng. Theo anh, huyện Lắk còn sở hữu voi là cơ hội lớn để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, sử dụng voi trong việc phát triển du lịch phải có kế hoạch hợp lý, biết sử dụng hài hòa sức lực của voi.
Đàn voi 10 con của anh được chia thành 2 đàn để phục vụ du khách theo chu trình làm 1 ngày, nghỉ ngơi 1 ngày. Đồng thời, những quản tượng được giao nhiệm quản lý voi phải hết sức chú ý theo dõi sức khỏe, thời gian động đực của voi. Nếu thấy voi có hiện tượng trên phải lập tức cho voi nghỉ ngơi.
Với những cách làm trên, hy vọng công tác bảo tồn và phát triển đàn voi ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung sẽ đạt được những kết quả như mong đợi, góp phần làm sống lại một quá khứ oai hùng của vùng đất voi truyền thống Tây Nguyên./.