Toàn cảnh áo Giao Lĩnh với 5-6 mảnh vải ghép lại tạo thành thân áo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lĩnh là từ Hán-Việt có nghĩa cổ áo nên Giao Lĩnh có nghĩa là chiếc áo có phần cổ giao nhau. Là một dáng áo cơ bản của cổ phục Việt, Giao Lĩnh được sử dụng trong mọi tầng lớp từ vua chúa, quý tộc đến bình dân. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong cung đình, dáng áo của vua là Cổn Miện hay của hoàng hậu là Địch Y và triều phục của quan lại cũng đều sử dụng dáng áo này. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Áo Giao Lĩnh biến thiên tùy vào văn hóa và khí hậu của nước sở tại. Ở Trung Quốc, Triều Tiên, do đặc điểm khí hậu xứ lạnh, cổ áo cao và khít. Ở Nhật Bản, vì gáy được coi là phần đẹp nhất của người phụ nữ nên cổ áo tập trung tôn vẻ đẹp chiếc gáy trần. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Áo Giao Lĩnh Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc, với một tinh thần phóng khoáng hơn, cổ áo được thiết kế buông thõng giúp người mặc cử động thoải mái. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong dòng chảy của cổ phục những năm gần đây, áo Giao Lĩnh được phỏng dựng phần lớn dựa trên một số tư liệu, ảnh tượng còn sót lại từ thời nhà Nguyễn và nhà Lê Trung Hưng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Áo Giao Lĩnh, với kiểu dáng lịch duyệt và đường nét truyền thống, ngày càng trở nên phổ biến trong những sự kiện ngoại giao, lễ Tết, chụp kỷ yếu tốt nghiệp. Một số bạn trẻ lựa chọn áo Giao Lĩnh làm trang phục cưới thay cho những dáng áo phương Tây phổ thông. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Với xu hướng may mặc và sở hữu cổ phục đang dần quay trở lại, áo Giao Lĩnh dẫu chưa thật sự phổ biến trong đại chúng, song cũng đang dần khẳng định vị thế của mình như một trong những dáng áo căn bản, kết tinh hồn cốt của cổ phục Việt. (Ảnh: PV/Vietnam+)
(Vietnam+)