Phía sau những dòng tin, bức ảnh gửi về từ hiện trường là nỗi vất vả, hiểm nguy của các phóng viên trực tiếp tác nghiệp.
“Thế nhưng, khi có thông tin về những sự cố, vụ việc, chúng tôi lại lập tức ‘lao’ đi. Mong muốn tiếp cận hiện trường, cập nhật thông tin thời sự cuốn chúng tôi đi bất kể ngày-đêm, nắng-mưa hay nguy cơ nhiễm bệnh,” Phùng Anh Chiến, phóng viên từng tác nghiệp trực tiếp tại nhiều sự kiện thời sự “nóng” như vụ cháy Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội), ô nhiễm nguồn nước Sông Đà… chia sẻ.
Chạy đua với thời gian
Anh Chiến nhớ lại, chiều 28/8/2019, một đám cháy cực lớn đang bùng phát tại khu xưởng đèn led và thiết bị chiếu sáng của Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông (đường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội). Sau khi đám cháy được khống chế, dân cư và những người có mặt tại hiện trường vụ việc, trong đó có các phóng viên thời sự đối mặt với nguy cơ nhiễm độc thủy ngân. Nỗi hoang mang xâm nhập tâm trí những người trong cuộc.
Sau gần một năm, Anh Chiến vẫn chưa quên khung cảnh Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vào trưa 30/8/2019. Khác với mọi ngày, hàng ghế hôm ấy có hơn 10 người ngồi chờ. Họ là những phóng viên đã trực tiếp tác nghiệp tại hiện trường vụ việc hai ngày trước đó khi ngọn lửa bùng cháy dữ dội nhất.
[Phát huy vai trò kết nối, đại diện và bảo vệ đội ngũ làm báo cả nước]
Trong lúc đợi đến lượt lấy mẫu xét nghiệm, họ vẫn lật giở những trang sổ ghi chép thông tin hay cắm cúi vào màn hình laptop. “Anh em cố gắng giấu đi nỗi lo, nén những tiếng thở dài phía sau dáng vẻ đăm chiêu ấy. Cảm giác hồi hộp xâm lấn, bao phủ tâm trí,” Anh Chiến kể.
Nở nụ cười tươi rói, chàng phóng viên trẻ nói: “Khi làm phóng viên thời sự, chúng tôi luôn phải chạy đua với thời gian, không ít lần lao vào khu vực có đám cháy, đổ nát để chụp ảnh, ghi nhận thông tin. Thế nhưng, đó có lẽ là lần đầu tiên chúng tôi đi khám bệnh tập thể, cùng đối mặt với nguy cơ nhiễm độc.”
Chứng kiến một số đồng nghiệp có biểu hiện khó thở, tức ngực, đau đầu, Phùng Anh Chiến không tránh khỏi cảm giác hoang mang. Chiến nói: “Lo lắng là điều có thật nhưng tôi không hề cảm thấy hối hận vì đã đến, bám sát hiện trường để cập nhật tin tức. Ban đầu, chúng tôi bị cuốn đi theo diễn biến sự việc, quên hết những lo lắng, chỉ cố gắng khai thác thông tin nhanh nhất, chuẩn xác nhất. Đến khi quần áo, mặt mũi ám khói, khét lẹt và bắt đầu ho, chúng tôi mới dần hình dung về những nguy cơ nhiễm độc. Rất may, kết quả cho thấy không có phóng viên nào bị nhiễm độc.”
Sau chừng hai tháng sau vụ cháy ấy, Phùng Anh Chiến cùng các đồng nghiệp lại có mặt tại con suối Khại dẫn nước cho nhà máy nước sạch Sông Đà (xã Phú Minh, Kỳ Sơn, Hòa Bình). Dòng suối đã bị “nhiễm độc” do dầu thải đổ vào đầu nguồn.
Theo phản ánh của người dân, sáng sớm 9/9/2019, họ bất ngờ phát hiện suối Khại nồng nặc mùi dầu máy. Ngoài ra nhiều lớp bùn cặn bám đầy xung quanh bờ. Để ghi nhận tình hình thực tế, nhóm phóng viên thời sự đã lội dòng suối “ngậm” dầu thải, tay lùa xuống đáy nước, bốc từng vốc đất trộn lẫn dầu đen.
Ngay từ khu vực cuối nguồn, nhiều lớp dầu đóng cặn trên đá, ven bờ và các cành cây xung quanh. Khi lội ngược về phía đầu nguồn, nhóm phóng viên phải ghì tay, bấm chặt 10 đầu ngón chân xuống lòng suối cho đỡ trơn, có lúc phải dùng cả hai tay, hai chân để bò về phía đầu nguồn.
Càng đi ngược về phía đầu nguồn, bùn cặn càng đóng dày hơn. Đặc biệt, có khu vực, lớp bùn này dày tới 20cm. Đến bây giờ, Chiến vẫn không quên được mùi dầu thải nồng nặc, khét lẹt và hình ảnh sinh vật chết không thể sống nổi trong hành trình lội suối hôm ấy.
“Khi kết thúc hành trình lối suối, tay chân, quần áo chúng tôi lấm lem, bám đầy dầu thải, tỏa ra mùi hôi nồng. Cả nhóm xác định số quần áo đó không thể tái sử dụng. Bởi vậy, chúng tôi quyết định tiêu hủy. Khi đốt, khói đen quánh vào mùi dầu khét lẹt. Cho đến vài ngày sau, chân, tay tôi bị nước ‘ăn,’ trở nên phồng rộp, ngứa rát,” nói rồi, Chiến xòe đôi bàn tay từng bám đầy dầu thải ra “khoe.”
Cần trang bị kỹ năng cho phóng viên
Trong thời gian qua, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các phóng viên lại xông pha vào “điểm nóng” như các bệnh viện, khu cách ly... để cập nhật thông tin, phản ánh tình hình. Họ là những F1… chủ động.
Nguyễn Khánh là phóng viên ảnh của báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh. Anh cũng là một trong những người đã bám sát thông tin về dịch COVID-19 ngay từ những ngày đầu.
“Khi có dịch, cộng đồng chủ động phòng bệnh, tránh xa những nơi có nguy cơ lây nhiễm. Thế nhưng, chúng tôi lại chủ động trở thành F1,” Khánh cười, nhớ lại thời điểm đi cùng đoàn công tác của Bộ Y tế tới làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2).
Khi đó, Nguyễn Khánh là một trong số ít tay máy ở Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với nhóm bệnh nhân dương tính với COVID-19. Dù đã được trang bị trang phục bao hộ y tế, đảm bảo an toàn khi tiếp cận, tác nghiệp ở cự ly cho phép nhưng lãnh đạo bệnh viện vẫn cảnh báo Khánh về nguy cơ nhiễm bệnh khi vào khu vực cách ly đặc biệt.
“Chúng tôi không có nhiều thời gian để đắn đo. Nếu chúng tôi bỏ qua cơ hội lần này thì sẽ rất khó để có lần trở lại tác nghiệp ở đây. Với suy nghĩ như thế, tôi quyết định chấp nhận rủi ro để được tiếp cận khu vực cách ly đặc biệt,” phóng viên ảnh Nguyễn Khánh kể.
Sau cảm giác lo lắng, có phần sợ hãi ban đầu khi tiếp cận với những bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2, Nguyễn Khánh nhanh chóng trấn tĩnh bản thân. Anh nhớ lại: “Tôi chỉ có 20 phút để tác nghiệp. Nếu cứ chần chừ, do dự, tôi sẽ không có cơ hội làm lại. Nghĩ vậy, tôi dồn sức, tập trung vào công việc, tranh thủ từng giây, phút.”
Theo tiến sỹ Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam), trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã thông tin chính xác, kịp thời về những vấn đề, sự kiện nóng thời sự “nóng”. Đội ngũ người làm báo đã chủ động nhập cuộc, phản ánh đa chiều về những sự kiện nổi bật trong đời sống xã hội.
“Nghề báo là một nghề nguy hiểm. Điều này càng thể hiện rõ khi nhà báo tác nghiệp trong những hoàn cảnh thiên tai, thảm họa, tình huống khẩn cấp, dịch bệnh… Khi đó, phóng viên luôn đối mặt với rủi ro. Bởi vậy, các cơ quan báo chí nói chung và phóng viên đưa tin nói riêng cần chủ động trang bị kiến thức, thiết bị bảo hộ,” tiến sỹ Trần Bá Dung đưa ra khuyến cáo.
Tuy nhiên, theo ông Dung, hiện nay, nguy cơ rủi ro, sự nguy hiểm của phóng viên khi tác nghiệp trong những hoàn cảnh thiên tai, thảm họa, tình huống khẩn cấp… chưa được quan tâm đúng mức. Nói khác đi, ở Việt Nam hiện nay, việc đào tạo kỹ năng cho phóng viên khi tác nghiệp trong các điều kiện thiên tai, dịch bệnh… chưa được thực hiện bài bản, xuyên suốt trong các trường đào tạo báo chí.
“Việc này cần sớm khắc phục. Hơn nữa, các tổ chức, cơ quan quản lý báo chí, tòa soạn cần chủ động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khai thác, xử lý thông tin liên quan đến dịch bệnh, thiên tai, thảm họa cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới đã có những yêu cầu cụ thể đối với phóng viên tác nghiệp tại các điểm nóng, ổ dịch nhằm đảm bảo an toàn cho phóng viên và sự cân bằng thông tin,” ông Dung nói.
Cụ thể, theo ông Trần Bá Dung, phóng viên tác nghiệp trong những điều kiện đặc biệt (thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ…) cần được trang bị kiến thức về địa lý, lịch sử, kỹ năng cứu nạn, cứu hộ; kỹ năng phán đoán và dự báo tình huống nguy hiểm có thể xảy đến với bản thân; kỹ năng thoát hiểm..../.