Ở thời nào cũng vậy, nhà nhiếp ảnh luôn có vai trò như người chép sử bằng hình ảnh về giai đoạn mình đang sống, nhất là trong thời kỳ chiến tranh. Những bức ảnh của các phóng viên TTXVN chụp trong Chiến dịch lịch sử mùa Xuân năm 1975 thực sự đã "đi cùng năm tháng".
Vietnam+ xin lược trích bài viết "Nhiếp ảnh với Đại thắng Xuân 1975" của phóng viên ảnh Trần Ấm, nguyên Trưởng Tiểu ban ảnh Văn xã, Ban Biên tập và Sản xuất ảnh báo chí TTXVN, trong cuốn sách "Thông tấn xã Việt Nam với Mùa Xuân đại thắng 1975".
Để kịp thời ghi lại những hình ảnh lịch sử trong chiến dịch Xuân 1975 đại thắng, Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng đã đồng loạt tung vào các mặt trận những tay máy chuyên nghiệp. Đây là đợt ra quân rầm rộ nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Những tay máy sừng sỏ trong làng nhiếp ảnh Việt Nam đã xuất quân, cùng các tay máy thường trú trên các vùng trọng điểm ở miền Nam đều "tay máy", "tay súng" vào trận.
Mở đầu là phóng viên nhiếp ảnh Nông Quang Khanh - Thông tấn xã Giải phóng (B2), tham gia chiến dịch đường 14 - Phước Long (từ 13/12/1974 đến 6/1/1975). Anh đã theo bước chân giải phóng quân trên đường ra trận, ghi lại được những hình ảnh đồng bào các dân tộc Mạ, Xtiêng, K'Ho... ở Đồng Xoài, Phước Long đi dân công phục vụ chiến dịch.
Đây là chiến dịch đầu tiên ở Đông Nam bộ, quân giải phóng đánh hợp đồng binh chủng: Xe tăng, pháo binh, pháo phòng không hỗ trợ cho bộ binh đánh chiếm mục tiêu. Tỉnh lỵ Phước Long được giải phóng, quân ta bắt sống nhiều tù binh địch.
Tiếp đến là chiến dịch Tây Nguyên - Buôn Ma Thuột mở đầu ngày 10/3/1975, các phóng viên ảnh Anh Tôn, Phước Huề... thường trú ở khu V đã theo sát bước chân quân giải phóng cùng xe tăng, pháo lớn vào giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột.
Lần đầu tiên quân giải phóng làm chủ thị xã lớn ở Tây Nguyên, bắt sống hai Đại tá quân ngụy Sài Gòn là Vũ Thế Phong, Sư đoàn phó Sư 23 chủ lực ngụy và Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh trưởng tỉnh Đắk Lắk. Chiến thắng Buôn Ma Thuột được phát triển nhanh chóng theo quốc lộ 19 xuống các tỉnh miền Trung.
Các anh Phước Huề, Anh Tôn lại có mặt ở Cheo Reo, Phú Bổn để ghi lại được hình ảnh cuộc rút chạy thảm bại khỏi Tây Nguyên của quân ngụy Sài Gòn. Cũng ở mặt trận Tây Nguyên, nhà nhiếp ảnh Hồng Phấn, Xuân Quyết - phóng viên thường trú tại địa phương - đã vào giải phóng thị xã Kon Tum và Plâyku.
Trong lúc đó thì ở Hà Nội đã cho xuất kích tổ "phóng viên mũi nhọn, thọc sâu" gồm các anh: Đinh Quang Thành, Vũ Tạo, Hứa Kiểm, Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm, Trần Tuấn, Ngọc Quả, Văn Bảo... Tổ phóng viên mũi nhọn, thọc sâu theo sát bước chân thần tốc của Binh đoàn Hương Giang vào giải phóng Huế, cửa Thuận An, cửa Tư Hiền.
Quân cách mạng kéo cờ chiến thắng trên đỉnh Phú Văn Lâu ngày 25/3/1975, thì đến ngày 26/3/1975, các anh trong tổ "phóng viên mũi nhọn, thọc sâu" lại cùng Binh đoàn Hương Giang hành quân thần tốc, vượt đèo Hải Vân vào giải phóng thành phố Đà Nẵng, thành phố lớn nhất miền Trung với trên 10 vạn quân địch đang cố thủ.
Cuộc tiến công giải phóng Đà Nẵng mạnh như vũ bão, ngày 29/3/1975, thành phố Đà Nẵng đã được giải phóng. Tổ phóng viên mũi nhọn thọc sâu kịp thời ghi lại những hình ảnh quân ta đánh chiếm sân bay Nước Mặn, Đài rađa trên bán đảo Sơn Trà...
Các phóng viên Hà Mùi, Việt Long, Hữu Quả thường trú ở Quảng Đà cũng kịp thời có mặt ghi lại hình ảnh thảm bại của quân ngụy Sài Gòn và cảnh hồ hởi phấn khởi của đồng bào thành phố Đà Nẵng đón quân giải phóng vào giải phóng quê hương.
Từ mặt trận Tây Nguyên, các phóng viên Nguyễn Thụ, Sĩ Huynh, Anh Tôn, Phước Huề, Tiến Ất, Bùi Tường, Trọng Nghiệp tràn xuống miền duyên hải, ghi lại hình ảnh thị xã Tam Kỳ, thị xã Quảng Ngãi, Tuy Hòa, Phú Yên rồi Bình Định, Quy Nhơn, Khánh Hòa, Nha Trang được giải phóng.
Vẫn theo sát bước chân thần tốc, táo bạo của Binh đoàn Hương Giang, tổ phóng viên mũi nhọn, thọc sâu ngược lên giải phóng thành phố Đà Lạt rồi lại xuôi về đập tan phòng tuyến Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận được giải phóng, các anh Đinh Quang Thành, Hứa Kiểm, Lâm Hồng Long, Vũ Tạo còn vào sân bay Thành Sơn ở Phan Rang ghi lại hình ảnh những máy bay hiện đại của Mỹ mới trang bị cho quân ngụy vẫn còn nguyên vẹn.
Các anh còn lấy xe Honda đổ xăng cơ động dọc đường hành tiến về giải phóng thị xã Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận. Tổ phóng viên mũi nhọn tiếp tục lên đường cùng Quân đoàn II hành quân vào tập kết ở rừng cao su Xuân Lộc.
Đến đây, tổ phóng viên mũi nhọn chia nhỏ theo từng sư đoàn đánh chiếm các mục tiêu căn cứ Nước Trong, thành Tuy Hạ, khu kho Long Bình tiến xuống giải phóng thị xã Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổ phóng viên mũi nhọn, thọc sâu đã ghi lại được hình ảnh trận địa pháo Nhơn Trạch dội bão lửa vào sân bay Tân Sơn Nhất và lễ xuất kích của Quân đoàn II từ rừng cao su Ông Quế tiến về giải phóng Sài Gòn.
Ở mặt trận phía Tây - Tây Nam Sài Gòn, phóng viên Nông Quang Khanh bám sát cánh quân 232, xe tăng, pháo binh vượt sông Vàm Cỏ Đông, tiến vào giải phóng Phú Lâm, Tổng nha cảnh sát.
Ở mặt trận phía Bắc, phóng viên Phạm Thanh Hải bám sát Quân đoàn IV vào giải phóng Hố Nai, thành phố Biên Hòa rồi tiến về giải phóng Sài Gòn.
Ở hướng Tây Bắc Sài Gòn, các phóng viên Dương Thanh Phong, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Khuynh... thường trú ở đặc khu Sài Gòn - Gia Định theo quân giải phóng tiến vào trại huấn luyện Quang Trung - Hóc Môn rồi đánh chiếm Dinh tỉnh trưởng Gia Định...
Các anh Hoàng Thiểm, Ngọc Đản, Đinh Quang Thành, Vũ Tạo, Trần Mai Hưởng bám sát lữ đoàn xe tăng 203 theo xa lộ, vượt cầu Sài Gòn tiến vào Dinh Độc Lập.
Đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận xông lên cắm cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975. Các anh Văn Bảo, Lâm Tấn Tài, Nông Quang Khanh, Minh Lộc... cũng có mặt ở Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975 để ghi lại hình ảnh nội các Dương Văn Minh đầu hàng.
Theo sát bước chân thần tốc, táo bạo của bộ đội giải phóng, với vũ khí là chiếc máy ảnh trong tay, các phóng viên nhiếp ảnh TTXVN đã ghi lại những hình ảnh có một không hai, hình ảnh mùa Xuân Đại thắng năm 1975, và những hình ảnh đó sống mãi với lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
(Lược trích từ cuốn "Thông tấn xã Việt Nam với mùa Xuân đại thắng 1975")
Vietnam+ xin lược trích bài viết "Nhiếp ảnh với Đại thắng Xuân 1975" của phóng viên ảnh Trần Ấm, nguyên Trưởng Tiểu ban ảnh Văn xã, Ban Biên tập và Sản xuất ảnh báo chí TTXVN, trong cuốn sách "Thông tấn xã Việt Nam với Mùa Xuân đại thắng 1975".
Để kịp thời ghi lại những hình ảnh lịch sử trong chiến dịch Xuân 1975 đại thắng, Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng đã đồng loạt tung vào các mặt trận những tay máy chuyên nghiệp. Đây là đợt ra quân rầm rộ nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Những tay máy sừng sỏ trong làng nhiếp ảnh Việt Nam đã xuất quân, cùng các tay máy thường trú trên các vùng trọng điểm ở miền Nam đều "tay máy", "tay súng" vào trận.
Mở đầu là phóng viên nhiếp ảnh Nông Quang Khanh - Thông tấn xã Giải phóng (B2), tham gia chiến dịch đường 14 - Phước Long (từ 13/12/1974 đến 6/1/1975). Anh đã theo bước chân giải phóng quân trên đường ra trận, ghi lại được những hình ảnh đồng bào các dân tộc Mạ, Xtiêng, K'Ho... ở Đồng Xoài, Phước Long đi dân công phục vụ chiến dịch.
Đây là chiến dịch đầu tiên ở Đông Nam bộ, quân giải phóng đánh hợp đồng binh chủng: Xe tăng, pháo binh, pháo phòng không hỗ trợ cho bộ binh đánh chiếm mục tiêu. Tỉnh lỵ Phước Long được giải phóng, quân ta bắt sống nhiều tù binh địch.
Tiếp đến là chiến dịch Tây Nguyên - Buôn Ma Thuột mở đầu ngày 10/3/1975, các phóng viên ảnh Anh Tôn, Phước Huề... thường trú ở khu V đã theo sát bước chân quân giải phóng cùng xe tăng, pháo lớn vào giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột.
Lần đầu tiên quân giải phóng làm chủ thị xã lớn ở Tây Nguyên, bắt sống hai Đại tá quân ngụy Sài Gòn là Vũ Thế Phong, Sư đoàn phó Sư 23 chủ lực ngụy và Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh trưởng tỉnh Đắk Lắk. Chiến thắng Buôn Ma Thuột được phát triển nhanh chóng theo quốc lộ 19 xuống các tỉnh miền Trung.
Các anh Phước Huề, Anh Tôn lại có mặt ở Cheo Reo, Phú Bổn để ghi lại được hình ảnh cuộc rút chạy thảm bại khỏi Tây Nguyên của quân ngụy Sài Gòn. Cũng ở mặt trận Tây Nguyên, nhà nhiếp ảnh Hồng Phấn, Xuân Quyết - phóng viên thường trú tại địa phương - đã vào giải phóng thị xã Kon Tum và Plâyku.
Trong lúc đó thì ở Hà Nội đã cho xuất kích tổ "phóng viên mũi nhọn, thọc sâu" gồm các anh: Đinh Quang Thành, Vũ Tạo, Hứa Kiểm, Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm, Trần Tuấn, Ngọc Quả, Văn Bảo... Tổ phóng viên mũi nhọn, thọc sâu theo sát bước chân thần tốc của Binh đoàn Hương Giang vào giải phóng Huế, cửa Thuận An, cửa Tư Hiền.
Quân cách mạng kéo cờ chiến thắng trên đỉnh Phú Văn Lâu ngày 25/3/1975, thì đến ngày 26/3/1975, các anh trong tổ "phóng viên mũi nhọn, thọc sâu" lại cùng Binh đoàn Hương Giang hành quân thần tốc, vượt đèo Hải Vân vào giải phóng thành phố Đà Nẵng, thành phố lớn nhất miền Trung với trên 10 vạn quân địch đang cố thủ.
Cuộc tiến công giải phóng Đà Nẵng mạnh như vũ bão, ngày 29/3/1975, thành phố Đà Nẵng đã được giải phóng. Tổ phóng viên mũi nhọn thọc sâu kịp thời ghi lại những hình ảnh quân ta đánh chiếm sân bay Nước Mặn, Đài rađa trên bán đảo Sơn Trà...
Các phóng viên Hà Mùi, Việt Long, Hữu Quả thường trú ở Quảng Đà cũng kịp thời có mặt ghi lại hình ảnh thảm bại của quân ngụy Sài Gòn và cảnh hồ hởi phấn khởi của đồng bào thành phố Đà Nẵng đón quân giải phóng vào giải phóng quê hương.
Từ mặt trận Tây Nguyên, các phóng viên Nguyễn Thụ, Sĩ Huynh, Anh Tôn, Phước Huề, Tiến Ất, Bùi Tường, Trọng Nghiệp tràn xuống miền duyên hải, ghi lại hình ảnh thị xã Tam Kỳ, thị xã Quảng Ngãi, Tuy Hòa, Phú Yên rồi Bình Định, Quy Nhơn, Khánh Hòa, Nha Trang được giải phóng.
Vẫn theo sát bước chân thần tốc, táo bạo của Binh đoàn Hương Giang, tổ phóng viên mũi nhọn, thọc sâu ngược lên giải phóng thành phố Đà Lạt rồi lại xuôi về đập tan phòng tuyến Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận được giải phóng, các anh Đinh Quang Thành, Hứa Kiểm, Lâm Hồng Long, Vũ Tạo còn vào sân bay Thành Sơn ở Phan Rang ghi lại hình ảnh những máy bay hiện đại của Mỹ mới trang bị cho quân ngụy vẫn còn nguyên vẹn.
Các anh còn lấy xe Honda đổ xăng cơ động dọc đường hành tiến về giải phóng thị xã Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận. Tổ phóng viên mũi nhọn tiếp tục lên đường cùng Quân đoàn II hành quân vào tập kết ở rừng cao su Xuân Lộc.
Đến đây, tổ phóng viên mũi nhọn chia nhỏ theo từng sư đoàn đánh chiếm các mục tiêu căn cứ Nước Trong, thành Tuy Hạ, khu kho Long Bình tiến xuống giải phóng thị xã Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổ phóng viên mũi nhọn, thọc sâu đã ghi lại được hình ảnh trận địa pháo Nhơn Trạch dội bão lửa vào sân bay Tân Sơn Nhất và lễ xuất kích của Quân đoàn II từ rừng cao su Ông Quế tiến về giải phóng Sài Gòn.
Ở mặt trận phía Tây - Tây Nam Sài Gòn, phóng viên Nông Quang Khanh bám sát cánh quân 232, xe tăng, pháo binh vượt sông Vàm Cỏ Đông, tiến vào giải phóng Phú Lâm, Tổng nha cảnh sát.
Ở mặt trận phía Bắc, phóng viên Phạm Thanh Hải bám sát Quân đoàn IV vào giải phóng Hố Nai, thành phố Biên Hòa rồi tiến về giải phóng Sài Gòn.
Ở hướng Tây Bắc Sài Gòn, các phóng viên Dương Thanh Phong, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Khuynh... thường trú ở đặc khu Sài Gòn - Gia Định theo quân giải phóng tiến vào trại huấn luyện Quang Trung - Hóc Môn rồi đánh chiếm Dinh tỉnh trưởng Gia Định...
Các anh Hoàng Thiểm, Ngọc Đản, Đinh Quang Thành, Vũ Tạo, Trần Mai Hưởng bám sát lữ đoàn xe tăng 203 theo xa lộ, vượt cầu Sài Gòn tiến vào Dinh Độc Lập.
Đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận xông lên cắm cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975. Các anh Văn Bảo, Lâm Tấn Tài, Nông Quang Khanh, Minh Lộc... cũng có mặt ở Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975 để ghi lại hình ảnh nội các Dương Văn Minh đầu hàng.
Theo sát bước chân thần tốc, táo bạo của bộ đội giải phóng, với vũ khí là chiếc máy ảnh trong tay, các phóng viên nhiếp ảnh TTXVN đã ghi lại những hình ảnh có một không hai, hình ảnh mùa Xuân Đại thắng năm 1975, và những hình ảnh đó sống mãi với lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
(Lược trích từ cuốn "Thông tấn xã Việt Nam với mùa Xuân đại thắng 1975")
Trần Ấm (Vietnam+)