Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn thông báo của Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) cho biết nước này đã phóng thành công vệ tinh thuộc sứ mệnh Proba-3 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vào ngày 5/12.
Vụ phóng được thực hiện tại Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan trên đảo Sriharikota, bang Andhra Pradesh của Ấn Độ.
Trước đó, hôm 4/12, ngay trước khi cất cánh, ISRO đã phải hoãn vụ phóng theo yêu cầu của ESA, do phát hiện bất thường trong hệ thống đẩy vệ tinh. Sứ mệnh trên được phóng nhờ tên lửa PSLV-C59, có tổng tải trọng khoảng 320 tấn.
Đây là tên lửa đẩy đầu tiên của Ấn Độ có các tầng nhiên liệu lỏng được sử dụng từ năm 1994 để đưa vệ tinh và các tải trọng khác nhau vào không gian.
Tên lửa sẽ đưa các vệ tinh trong sứ mệnh Proba-3 vào quỹ đạo hình elip, với điểm cao nhất lên tới 60.000 km, trước khi hạ xuống chỉ còn 600 km so với Trái Đất.
Quỹ đạo đặc biệt này cho phép 2 vệ tinh hoạt động và bay theo đội hình trong không gian trong suốt 6 giờ, nhờ đó giảm tác động của lực hấp dẫn và tiết kiệm nhiên liệu cho việc hiệu chỉnh vị trí.
Proba-3 bao gồm hai vệ tinh: Coronagraph (310kg) và Occulter (240kg). Hai tàu vũ trụ này sẽ bay song song, duy trì đội hình chính xác để nghiên cứu vành corona (vành nhật hoa), lớp khí quyển bên ngoài của Mặt Trời.
Theo ESA, vành nhật hoa có nhiệt độ cao hơn nhiều so với bề mặt Mặt Trời và là nơi sinh ra các cơn bão Mặt Trời, một lĩnh vực nghiên cứu có tầm quan trọng lớn cả về khoa học lẫn thực tiễn.
Proba-3 là sứ mệnh quốc tế có sự đóng góp của 14 quốc gia, trong đó Bỉ đóng góp tài chính nhiều nhất. Nhiều công ty và nhà khoa học Bỉ cũng tham gia vào sứ mệnh. Các nhà khoa học hy vọng Proba-3 sẽ thành công và là bước ngoặt quan trọng trong việc khám phá và nâng cao hiểu biết về vũ trụ./.
Nga sẽ giúp Iran phóng 2 vệ tinh khoa học vào quỹ đạo
Hai vệ tinh của Iran gồm Kowsar và Hodhod, sẽ được phóng lên quỹ đạo cách Trái Đất 500km vào ngày 5/11, bằng một tàu phóng Soyuz của Nga.