Phòng vệ thương mại: Công cụ đảm bảo môi trường thương mại công bằng

Theo đại diện Bộ Công Thương, các biện pháp Phòng vệ thương mại vừa hỗ trợ bảo vệ sản xuất và việc làm trong nước đồng thời giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hoá nhập khẩu.
Các biện pháp Phòng vệ thương mại đã góp phần bảo vệ công ăn việc làm của hàng trăm nghìn lao động. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo đại diện Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ để đảm bảo môi trường thương mại công bằng.

Hệ thống pháp lý cơ bản đầy đủ

Cho tới nay, thực hiện chủ trương chủ động hội nhập kinh tế, nền kinh tế nước ta đã hội nhập rất sâu, rộng thể hiện ở việc tham gia WTO và 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).

Việc thực hiện cam kết trong WTO và các Hiệp định FTA đã tạo ra cơ hội to lớn cho nền kinh tế nhưng cũng đặt các ngành sản xuất của ta trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hoá nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước trong khu vực.

[Công bố 13 mặt hàng có nguy cơ bị áp thuế phòng vệ thương mại]

Trong bối cảnh đó, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ để đảm bảo môi trường thương mại công bằng.

Đây là nhóm gồm các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ mà WTO và các Hiệp định FTA cho phép áp dụng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và công ăn việc làm, đảm bảo an ninh kinh tế và an sinh xã hội.

Cũng theo đại diện cơ quan này, cùng với diễn biến phức tạp của kinh tế khu vực và toàn cầu, chính sách bảo hộ thương mại của một số nền kinh tế lớn đang gia tăng, các nước trên thế giới cũng đang tăng cường sử dụng các biện pháp Phòng vệ thương mại để đối phó với tình trạng nhập khẩu.

“Với thực tế này, Bộ Công Thương đã và đang sát cánh cùng doanh nghiệp làm việc với cơ quan quản lý các nước nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam,” đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho hay.

Đại diện cơ quan này cho biết, hệ thống văn bản pháp luật về Phòng vệ thương mại của Việt Nam về cơ bản đã khá đầy đủ, phù hợp với cam kết quốc tế để thực hiện công tác về Phòng vệ thương mại nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản xuất trong nước cũng như lợi ích của người tiêu dùng.

Cụ thể, Luật Quản lý Ngoại thương số 05/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017. Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp Phòng vệ thương mại và Thông tư số 06/2018/TT-BCT ngày 20/4/2018 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP về các biện pháp Phòng vệ thương mại…

Bảo vệ và phát triển năng lực sản xuất trong nước

Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 15 vụ việc Phòng vệ thương mại. Trong đó có 8 vụ việc chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh thuế tự vệ.

So với con số hơn 150 vụ việc mà các nước đã điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thì con số 15 vụ việc vẫn còn khiêm tốn, song theo đại diện Bộ Công Thương, Việt Nam chỉ áp dụng các biện pháp Phòng vệ thương mại trong trường hợp thật sự cần thiết trên cơ sở kết quả điều tra đảm bảo các quy định pháp luật.

- Số vụ việc được Bộ Công Thương khởi xướng điều tra:

Qua thực tế cho thấy, các biện pháp Phòng vệ thương mại đã góp phần bảo vệ công ăn việc làm của hàng trăm nghìn lao động thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển...

Đánh giá sơ bộ từ Bộ Công Thương thì thuế Phòng vệ thương mại còn góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng...

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất như Công ty Phân bón DAP-Vinachem (Đình Vũ-Hải Phòng), Công ty Thép Việt Trung, Công ty Thép Việt Ý, Công ty Thép Pomina…

Quan trọng hơn, các biện pháp Phòng vệ thương mại vừa là để bảo vệ sản xuất và việc làm trong nước đồng thời giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hoá nhập khẩu, đặc biệt đối với các hàng hóa thiết yếu của nền kinh tế như sắt thép, phân bón…

Dù vậy, trong bối cảnh quốc tế đang có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là diễn biến xung đột thương mại Mỹ - Trung, số lượng các biện pháp bảo hộ đang tăng nhanh, đặc biệt là các biện pháp phòng vệ thương mại.

Cùng với việc áp dụng các biện pháp Phòng vệ thương mại thì xu thế điều tra chống lẩn tránh biện pháp Phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng gia tăng. Ước tính đã có 19 vụ điều tra chống lẩn tránh đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp chống lẩn tránh biện pháp Phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa đối với các vụ việc lốp ôtô, thép cán mạ phủ sơn, tôm, pin mặt trời xuất khẩu sang EU; nhôm, gỗ dán, thép cuộn cán nguội, thép chống ăn mòn, gạch men....

Trong các vụ việc này, sau khi kiểm tra các trường hợp nghi vấn, làm rõ thông tin, đã có các kiến nghị và chuyển các đơn vị liên quan xử lý. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng tích cực phối hợp với các cơ quan điều tra của Hoa Kỳ (DOC), EU (OLAF) trong tất cả các vụ việc điều tra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục