Chuỗi các vụ tấn công khủng bố tại Pháp vừa qua đã gây chấn động cả phương Tây. Hơn 100 người vô tội đã thiệt mạng, và thảm kịch tồi tệ nhất đã xảy ra tại nhà hat Bataclan, nơi mọi người đến để thưởng thức âm nhạc, nhưng cuối cùng lại phải đối mặt với cái chết dưới tay những kẻ cực đoan.
Chuyện gì đã xảy ra ở đó, khi buổi biểu diễn biến thành một cuộc tắm máu? Nhân chứng sống sót từng có mặt trong nhà hát Bataclan, Pierre Janaszak sẽ có cuộc trò chuyện về những gì đã diễn ra.
Sophie Shevardnadze (SS)– người phỏng vấn: Pierre, cảm ơn anh đã có mặt ở đây với chúng tôi hôm nay. Anh là một trong những người đã sống sót trong vụ xả súng tại Paris, tại nhà hát Bataclan, anh cũng là một phát thanh viên và biên tập viên truyền hình, anh làm việc trong lĩnh vực âm nhạc. Vậy đêm đó anh đến nhà hát để…
Pierre Janaszak: Để giải trí
SS:.. để giải trí
Pierre Janaszak: Tôi chỉ muốn làm vui lòng em gái tôi, bởi đó là ban nhạc yêu thích của em ấy. Em tôi rất hâm mộ Eagles of the Death Metal, và ban nhạc này chơi rất hay, họ đùa về mọi thứ, họ thích những bữa tiệc lớn, và họ có mặt ở đó cũng là vì vậy.
SS: Anh tới đó với em gái thôi hay với cả bạn anh nữa?
Pierre Janaszak: Tôi đi cùng em gái và các bạn của mình. Chúng tôi như là một nhóm hâm mộ nho nhỏ của ban nhạc vậy. Chúng tôi biết nhau, nên mỗi lần gặp nhau là lại “ồ, xin chào, khỏe không”, nói những điều ngốc nghếch, vui vẻ với nhau…
SS: Và đám đông khán giả như anh hôm đó đều khoảng, 25-40 tuổi, hoặc là những người trẻ?
Pierre Janaszak: Có rất nhiều người trẻ tuổi ở đó.
SS: Các anh có vé ở trên tầng, nghĩa là các anh đã xem buổi biểu diễn từ trên cao?
Pierre Janaszak: Tôi ở ban công bên trái, gần sân khấu, uống bia, nói chuyện, và rồi… sau khoảng 40 hay 50 phút gì đó, chúng tôi nghe thấy tiếng súng.
SS: Khi nào anh nhận ra là những tên khủng bố đã có mặt trong nhà hát? Vì lúc đó xung quanh khá tối và ầm ĩ, anh không thể phân biệt được…
Pierre Janaszak: Chúng tôi nghĩ đó là một phần của buổi diễn, như là một trò vui của ban nhạc. Nhưng rồi đột nhiên người phụ trách ánh sáng bật điện lên, bởi chúng dùng súng uy hiếp cô ấy, và cô ấy ngã xuống, và tất cả đèn đóm sáng lên – cô ấy thực sự là một anh hùng…
SS: Nếu không như vậy thì anh sẽ không bao giờ nhận ra có khủng bố phải không…
Pierre Janaszak: Không, bởi khi đó bạn đứng trong bóng tối, và những âm thanh xung quanh làm bạn chẳng nghe thấy gì, bạn chỉ nghe thấy tiếng “tratatata”, nhưng bạn chỉ nghĩ đó là trò vui gì đó.
SS: Vậy là có người tình cờ bật đèn lên à?
Pierre Janaszak: Không, không phải tình cờ. Tôi dám chắc cô ấy làm thế vì chúng tôi. Cô ấy ngã xuống…
SS: Cô ấy có thoát chết không?
Pierre Janaszak: Không.
SS: Vậy là, khi đèn bật lên, anh đã nhìn thấy bọn khủng bố?
Pierre Janaszak: Tôi thấy ban nhạc chạy trốn rất nhanh. Mọi người dưới nhà nằm sấp xuống để tự bảo vệ mình. Tôi thấy một gã cầm súng – khống biết có phải là Kalashnikov hay không nữa, nó rất to, và hắn làm thế này với tất cả mọi người.
SS: Vậy là hầu hết mọi người nằm sấp xuống sàn, và chúng bắn bọn họ?
Pierre Janaszak: Vâng.
SS: Có ai hét lên không hay tất cả đều cố giữ im lặng và giả chết?
Pierre Janaszak: Không, mọi người đều sợ cả, nên… chẳng có ai nói gì, chẳng có tiếng động nào, nhưng mà… Cô biết đấy, cô không thể xác định được thời gian. Một phút cũng dài như 10 phút hay 1 giây vậy.
SS: Anh mất cảm giác về thời gian. Vậy khi thấy những thứ đáng sợ và bất ngờ như vậy, anh đã làm gì? Anh chạy trốn hay đông cứng lại, không thể cử động? Chuyện gì đã xảy ra?
Pierre Janaszak: Tôi chỉ biết chạy đi. Tôi chạy dưới ghế, nghe có vẻ khó tin, nhưng chúng tôi đã làm vậy. Tôi tóm lấy em gái tôi, tôi muốn bảo vệ em ấy, tôi nói “Đi nào, chúng ta phải chạy thôi”, và chúng tôi chạy, chạy xuống dưới nhà…
SS: Vậy là các anh cơ bản là bò xuống…
Pierre Janaszak: Vâng, và chúng tôi thấy nhiều người đứng yên một chỗ kiểu “tôi không thể làm gì cả”, và chúng tôi không thể giúp.
SS: Các anh không có thời gian để giúp?
Pierre Janaszak: Khi đó tôi chỉ có thể nghĩ về bản thân và mạng sống của mình. Thật tồi tệ, tôi cảm thấy giống một gã tội phạm vì đã để mặc bọn họ.
SS: Nhưng anh chẳng thể làm được gì nhiều, trong tình cảnh đó phải hành động nhanh và rời đi. Nhưng có vẻ như không có nhiều chỗ để chạy trốn nhỉ?
Pierre Janaszak: Vâng.
SS: Anh có thể nói về kết cấu nhà hát không? Khi đó anh ở trên ban công, anh có thể dùng lối thoát an ninh mà?
Pierre Janaszak: Ban công như thế này. Lối thoát ở đằng kia. Nếu đi theo lối vào phía trước, có một lối thoát khẩn cấp ở gần nhà vệ sinh, một lối đi rất lớn, nhưng bọn khủng bố đã đứng chắn. Vậy nên không thể ra bằng lối đó.
SS: Bọn khủng bố vào nhà hát bằng lối thoát hiểm lớn đó à?
Pierre Janaszak: Chúng đứng ở lối vào chính và lối đi an ninh, bởi chúng có mặt ở đó để giết mọi người, và tất cả đều hét lên rằng “đừng đi lối này, đừng đi lối này”, chúng xả súng và bạn nghe thấy tiếng súng.
SS: Vậy là chúng đứng ở các lối thoát và bắn từ đó? Để không ai có thể chạy thoát khi chúng đang bắn?
Pierre Janaszak: Vâng.
SS: Vậy các anh chỉ còn những lối thoát hiểm phía trên?
Pierre Janaszak: Nếu cô biết cách tìm ra chúng. Tôi biết cấu trúc của nhà hát, nên tôi bảo mọi người: “Các cậu ra phía sau sân khấu rồi đi xuống, sẽ có một lối thoát nữa.” Vậy là mọi người chạy về phía bên phải ban công, lên mái nhà, từ đó sẽ có lối xuống phía dưới, hoặc thoát ra bằng lối thoát hiểm cho nghệ sỹ.
SS: Vậy là các anh ra được bằng lối thoát hiểm cho nghệ sỹ?
Pierre Janaszak: Bình thường thì có thể. Nhưng những người khác cũng chạy về hướng đó. Lối thoát đó rất nhỏ, và chúng tôi có đến 300 người, chạy lên chạy xuống, giẫm cả lên nhau – lúc đó chẳng còn ai quan tâm được đến ai. Tôi nhớ có một phụ nữ mang thai, và mọi người cứ giẫm lên cô ấy. Họ không để ý được. Tất cả đều sợ hãi. Giống sự kiện Khải Huyền vậy, tất cả kêu lên “Không, không, không, nằm xuống!” rồi bạn nghe thấy tiếng súng nổ, càng lúc càng gần, và chẳng biết đi đâu cả.
SS: Vậy là anh không nghĩ được cho bất cứ ai hay bất cứ điều gì vào lúc đó, anh chỉ nghĩ đến việc cứu mạng mình? Không có ai giúp đỡ cho ai, tất cả đều phải tự lo lấy thân.
Pierre Janaszak: Vâng, lo cho cả em gái tôi nữa, vì đó là em gái tôi. Nhưng tôi lạc mất em ấy trên cầu thang, lúc đó đông quá, tôi lạc mất em ấy và tôi đã nghĩ em tôi đã chết, không phải vì súng bắn mà vì bị mọi người giẫm đạp lên. Tôi cũng phải chạy theo để tự cứu mình. Và hãy tin tôi, cảm giác đó thật khủng khiếp…
SS: Anh bắt được liên lạc lại với cô ấy khi nào?
Pierre Janaszak: Lúc cuối cùng. 45 phút hay 1 tiếng sau khi ra được khỏi Bataclan.
SS: Một đoạn phim tư liệu cho thấy có nhiều người đã nhảy từ cửa sổ tầng ba xuống để chạy trốn phải không?
Pierre Janaszak: Vâng, tôi đã ở đó, tôi sợ đến cứng người, nhưng có ai đó đã gọi tôi “mau lên, nắm lấy tay tôi..”, rồi anh ta đẩy tôi vào nhà vệ sinh và đóng cửa lại. Trong đó có một cặp bố con và cả anh đó nữa. Tôi ngã quỵ xuống sàn nhà. Tôi như mất hồn vậy, cứ nằm đó, và anh ta kêu khẽ “Suỵt, chúng ta phải..”
SS: Giữ im lặng, để chúng không biết các anh ở đó.
Pierre Janaszak: Rồi chúng tôi nghe thấy tiếng người bước đến…
SS: Chúng cũng vào nhà vệ sinh à, bọn khủng bố ấy?
Pierre Janaszak: Không, nhưng chúng vào chỗ…
SS: Cánh gà?
Pierre Janaszak: Vâng, và trong phòng đó cũng có nhà vệ sinh, nhưng chúng không bắt được chúng tôi. Thật đáng ngạc nhiên, bởi chúng không hề thử mở cánh cửa của chúng tôi.
SS: Đó là phòng an ninh hay gì?
Pierre Janaszak: Không, đó là chỗ của nghệ sỹ…
SS: Phòng trang điểm phía sau sân khấu. Vậy là chúng nghĩ không có ai ở đó à?
Pierre Janaszak: Vâng, nhưng chúng đã thử mở hết các cửa, mà lại không đụng đến cửa này. Thật đáng kinh ngạc…
SS: Anh nghĩ gì vào lúc đó? Anh có cầu nguyện không? Anh có nghĩ về điều gì không?
Pierre Janaszak: Tôi không cầu nguyện… cảm giác khi đó là hoàn toàn trống rỗng. Cô không thấy giận, cô chỉ sợ hãi, và trên hết là hoàn toàn trống rỗng. Tôi thậm chí còn chẳng nghĩ về em gái mình. Tôi có cảm giác như thể “mình không thể dùng điện thoại được.”
SS: Vì anh run quá?
Pierre Janaszak: Không, nó ồn quá, và tôi đã…
SS: Anh đã tắt nó đi?
Pierre Janaszak: Tôi tắt nó đi, và tôi rất muốn gửi tin nhắn đến cho bố mẹ mình, nói rằng “Con xin lỗi, con xin lỗi vì những điều ngu ngốc con đã làm khi còn trẻ, con xin lỗi, con yêu bố mẹ.”
SS: Anh có thấy mặt bọn khủng bố không?
Pierre Janaszak: Tôi có thấy một tên, nhưng kể cả như vậy cũng không thể tả mặt lại được. Tôi nhìn hắn, và tôi thấy một người Pháp, chứ không phải một tên khủng bố, da trắng hay da đen hay người Arab. Đó là một gương mặt Pháp điển hình.
SS: Chúng có gào lên một số khẩu hiệu phải không?
Pierre Janaszak: Không, tôi chẳng nghe thấy gì. Có thể những người dưới nhà nghe được nhiều hơn, nhưng khi bọn chúng ở trong căn phòng tôi trốn, tôi nghe thấy được nhiều điều.
SS: Anh đã nghe thấy gì?
Pierre Janaszak: Tôi nghe thấy tiếng thủ lĩnh của chúng…Có ba tên ở đó.
SS: Có phải chúng cũng là những kẻ đã xả súng ở tầng dưới không?
Pierre Janaszak: Vâng
SS: Được rồi.
Pierre Janaszak: Tôi nghĩ giọng chúng là của người từ 25-35 tuổi – tôi không chắc, nhưng thủ lĩnh của chúng nói…
SS: Bằng tiếng Pháp à?
Pierre Janaszak: Vâng, tất nhiên là tiếng Pháp, với những con tin – một người phụ nữ, bạn trai cô ấy và một người nữa – “Sao chúng mày lại khóc? Sao chúng mày lại khóc?” Và người đàn ông trả lời “Bởi vì tôi sợ.” Hắn nói – “Chúng máy không cần phải sợ, chúng mày sẽ chết trong vài phút nữa, không cần phải lo.” Thật đáng sợ. Chúng tôi còn có thể làm được gì?
SS: Chúng có giết chàng trai kia không?
Pierre Janaszak: Cô gái ngừng khóc ngay, và sau đó chúng nói: “Tất cả là tại Francois Hollande” – tổng thống của chúng tôi – “vì hắn đã tấn công nước bọn tao.”
SS: Nước nào? Syria? Iraq?
Pierre Janaszak: Syria và Iraq. Hắn còn nói: “Khi chúng mày giết khủng bố, chúng mày giết người vô tội, nên chúng mày là người xấu. Hôm nay, bọn tao sẽ giết người vô tội để chúng mày cảm nhận được những gì bọn tao trải qua.”
SS: Chúng có bắn cô gái kia không?
Pierre Janaszak: Không.
SS: Cô ấy sống à?
Pierre Janaszak: Tôi không biết. Lúc cuối, khi mà lực lượng cảnh sát đặc biệt đến, họ bắn súng vào cửa, một phần cửa nổ tung, và cô gái, cô ấy khóc, họ bắn vào đâu đó, có thể cô ấy đã nằm xuống sàn để an toàn hơn, rồi họ…
SS: Bắn bọn khủng bố?
Pierre Janaszak: Bắn tất cả, một tên khủng bố nổ tung.
SS: Khoan đã, toàn bộ vụ đột kích diễn ra trong phòng đó, chỗ nhà vệ sinh mà anh đang trốn. Nghĩa là anh có thể nghe thấy toàn bộ những gì đã diễn ra phải không?
Pierre Janaszak: Vâng. Vào lúc cuối, cô gái ấy nằm trên sàn, cảnh sát vẫn đứng đó và họ nói: ‘Chạy đi. Đừng nhìn gì cả, chỉ chạy đi thôi.” Cô ấy còn sống, người đầy máu, nằm trên sàn, khóc lóc và nói “xin hãy giúp tôi,” và chúng tôi bước qua cô ấy, cô ấy vẫn còn sống. Chúng tôi cũng là những con quái vật, cô ấy xin chúng tôi giúp đỡ, và chúng tôi bước qua cô ấy. Đó là điều tồi tệ nhất mà tôi phải đối mặt.
SS: Không ai biết là cô ấy có sống sót hay không à?
Pierre Janaszak: Chúng tôi không biết. Tôi rất muốn được gặp lại cô ấy, và nếu cô ấy có mắng chửi gì tôi thì tôi cũng sẽ rất vui, bởi điều đó có nghĩa là cô ấy còn sống.
SS: Có một số người đã chờ suốt 2 tiếng đồng hồ trên mái nhà?
Pierre Janaszak: Vâng. Họ trốn trên tầng áp mái.
SS: Có người đã trốn dưới những xác chết và giả vờ chết nữa?
Pierre Janaszak: Vâng.
SS: Và vũng máu đọng lại trên sàn sâu đến 1 cm, và họ nằm đó, giữa những xác chết, không gây tiếng động gì để bọn khủng bố không nghi ngờ.
Pierre Janaszak: Bởi vì nếu có ai muốn bỏ trốn, bọn khủng bố sẽ nghe thấy tiếng người di chuyển và “bùm”, chúng giết họ. Nhiều người bạn của tôi đã ở tầng dưới, trốn dưới những xác chết, máu dính đầy người.
SS: Có ai bảo vệ buổi biểu diễn trước khi cảnh sát có mặt không? Có chứ?
Pierre Janaszak: Vâng.
SS: Họ phản ứng với sự việc như thế nào?
Pierre Janaszak: Có khoảng 2-3 người sẽ vào bên trong, kiểm tra để chắc chắn không có thuốc phiện, hay không có ai bị thương. Nhưng các nhân viên an ninh đều ở lỗi vào chúng, và khi bọn khủng bố đến, có lẽ chúng đã giết tất cả.
SS: Vậy là bọn khủng bố đã giết các nhân viên bảo vệ?
Pierre Janaszak: Sau khi giết họ, chúng dễ dàng vào được bên trong và sát hại mọi người. Chúng không quan tâm gì cả. Chúng không phải là người.
SS: Khi anh ở trong nhà vệ sinh, nghe thấy tiếng tên thủ lĩnh nói với cô gái, anh cảm thấy thế nào?
Pierre Janaszak: Tôi muốn nói điều gì đấy thật tệ, nhưng tôi chia buồn với gia đình của các nạn nhân. Chính phủ chỉ làm những gì họ cho là đúng, nhưng họ đã giết người vô tội- đó là sự thật, chúng tôi biết điều đó thật đáng buồn, nhưng chúng tôi không nghĩ được gì ngoài nghĩ cho bản thân. Vậy nên…, đúng thế, hắn nói đúng. Tôi ghét bọn khủng bố, tôi không muốn nói tốt cho chúng, nhưng những lời đó đúng là sự thật, người vô tội luôn bị giết hại bởi chúng ta chỉ quan tâm đến những thứ chúng ta cho là tốt đẹp.
SS: Nghĩa là một mặt anh hiểu những gì chúng nói, nhưng mặt khác anh cũng nghĩ chúng là quái vật, làm mọi điều mà chúng dám làm?
Pierre Janaszak: Chúng nói đó là lỗi của chúng tôi, đương nhiên, chúng tôi phải có trách nhiệm, nhưng chúng tôi không phải là những người duy nhất, tất cả chúng ta đều làm điều đó để tiêu diệt những kẻ xấu.
SS: Ông Hollande đã có bài phát biểu trước Quốc hội rằng Pháp sẽ tăng cường hoạt động chống IS tại Syria và sẽ hợp tác với các quốc gia khác để nâng cao sức mạnh. Khi nghe nói vậy anh có thấy sợ không? Anh có nghĩ Pháp nên rút khỏi cuộc chiến này không?
Pierre Janaszak: Tôi sợ chứ. Hôm qua tôi đã nghĩ, đây là kết cục của thế giới. Những chuyện như thế này, chính là bắt đầu cho sự kết thúc.
SS: Anh có nhìn nhận thế giới khác đi không? Anh có thấy cuộc sống khác đi không? Ý tôi là… tôi cảm thấy cuộc sống sẽ không thể trở lại như xưa, nhưng tôi không thể so sánh với anh, vì tôi không ở đó. Tôi chỉ có thể tưởng tượng anh sẽ sống thế nào sau khi trải qua sự việc. Tôi có lẽ sẽ nghi ngờ tất cả mọi người quanh tôi là khủng bố.
Pierre Janaszak: Tôi đang cố ép mình mỉm cười và nói rằng “đó là người tốt, đấy là người tốt”, và tôi rất muốn nói với cô và với tất cả mọi người là “Tôi yêu các bạn”. Cô cười trông rất đẹp. Tôi nghĩ cô cũng có con, chúng trong sáng và luôn mỉm cười. Tất cả mọi người đều đẹp. Vậy nên khi đi trên đường phố, tôi vẫn sợ hãi, nhưng tôi tin một ngày nào đó mọi chuyện sẽ trở về như cũ.
SS: Anh nghĩ như vậy à?
Pierre Janaszak: Tất nhiên rồi. Trước đây, nếu tôi đi cùng với ai đó có vẻ ngoài nhìn giống phần tử Hồi giáo cực đoan, có râu quai nón chẳng hạn, tôi sẽ nghĩ: “Hắn ta có thể cũng giống bọn chúng”- và đó là kết thúc. Sự phán xét là bắt đầu của kết thúc. Tôi không cần phải làm thế, tôi không phải quái vật, tôi sẽ không chơi trò chơi mà những kẻ cực đoan đang chơi. Tôi sẽ nói với tất cả mọi người là tôi yêu họ. Tất nhiên là tôi sẽ phải chuẩn bị tinh thần rằng bất cứ đâu cũng có kẻ xấu, nhưng tôi tin nếu chúng ta sống tích cực, ta có thể truyền sức mạnh và động lực cho mọi người. Tôi tin chúng ta có thể thay đổi thế giới theo cách đó.
SS: Pierre, cảm ơn anh đã chia sẻ với chúng tôi. Anh có một tâm hồn thật độ lượng. Tôi nghĩ những gì anh vừa nói chính xác là những gì mọi người muốn nghe để chiến thắng quỷ dữ, bởi rốt cuộc thì, đây chính là cuộc chiến giữa Thiện và Ác. Chúc anh luôn gặp may mắn, và cảm ơn anh một lần nữa vì cuộc nói chuyện này./.