Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật kết nối khu cổ và khu vực Phúc Tân cửa khẩu Thanh Yên, thuộc quận Hoàn Kiếm được thắp sáng bởi ánh sáng của các tác phẩm sắp đặt nghệ thuật công cộng. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật kết nối khu cổ và khu vực Phúc Tân cửa khẩu Thanh Yên, thuộc quận Hoàn Kiếm được thắp sáng bởi ánh sáng của các tác phẩm sắp đặt nghệ thuật công cộng. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Phong trào UNESCO: Tạo kỷ nguyên mới cho công nghiệp văn hóa

Không chỉ đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của các quốc gia, phong trào UNESCO còn tích cực xây đắp nền tảng, tạo động lực để phát triển công nghiệp văn hóa.

Công nghiệp văn hóa đang hòa vào dòng chảy bất tận của nền văn hóa quốc gia để hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị thời đại mới. Trong dòng chảy ấy, phải kể đến nỗ lực không ngừng nghỉ của phong trào UNESCO trên toàn thế giới.

Những sáng kiến như Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Chương trình Phát triển Công nghiệp Sáng tạo, Quỹ Quốc tế vì Đa dạng Văn hóa… đã tạo dựng nền tảng cho phát triển bền vững, dẫn đường cho khoa học, kinh tế và công nghệ.

Sáng kiến UNESCO giúp di sản chuyển mình

Việc Thủ đô Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đã tạo động lực để thành phố tạo ra những thay đổi chiến lược, biến thiết kế sáng tạo thành giải pháp phát triển văn hóa, làm giàu bản sắc đô thị, làm phong phú thêm đời sống người dân cũng như đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Những bức tường đơn sơ “lột xác” thành phố bích họa Phùng Hưng, xóm bờ sông ngập rác chuyển mình thành không gian nghệ thuật Phúc Tân, cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật từng tối tăm, bị phóng uế bừa bãi nay trở thành “thủy cung” rực rỡ sắc màu. Đó là vài ví dụ cho thấy việc Hà Nội là thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực “Thiết kế sáng tạo” đã giúp không gian đô thị thay đổi như thế nào.

vna_potal_kien_tao_cac_khong_gian_sang_tao_doc_dao_moi_la_cho_ha_noi_5666182.jpeg
Sông Sét, dòng sông hoa, ý tưởng thúc đẩy hạ tầng sáng tạo của Công ty Cổ phần Tư Vấn và Đầu tư phát triển Làng Việt – Nuce. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo ông Trần Văn Mạnh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO châu Á-Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Hà Nội, Hội An và Đà Lạt là 3 thành phố sáng tạo của UNESCO. Các địa phương đang nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp văn hóa thích ứng với những bước phát triển mới của thời đại, trên cơ sở tập trung khai thác, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc để tạo nên những sản phẩm văn hóa mang đặc trưng riêng, tham gia vào thị trường văn hóa đồng thời góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Xóm bờ sông ngập rác chuyển mình thành không gian nghệ thuật Phúc Tân, cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật từng tối tăm, bị phóng uế bừa bãi nay trở thành “thủy cung” rực rỡ sắc màu.

Nhìn rộng ra thế giới, công nghiệp văn hóa đang ngày càng trở nên quan trọng đối với các xã hội và quốc gia hiện đại. Công nghiệp văn hóa dần hòa vào dòng chảy bất tận của nền văn hóa mỗi quốc gia để hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị thời đại mới.

“Góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ ở khắp các quốc gia trên thế giới phải kể đến sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các câu lạc bộ, trung tâm và hội UNESCO trên toàn thế giới. Chỉ nói riêng Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, với chủ trương lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho phát triển đô thị bền vững, đã tạo nền móng cho hơn 350 thành phố đoàn kết, cùng hướng tới một mục tiêu chung đặt sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa vào trung tâm của các kế hoạch phát triển ở cấp địa phương và tích cực hợp tác ở cấp quốc tế,” ông Mạnh cho biết.

vna_potal_khai_mac_le_hoi_thiet_ke_sang_tao_ha_noi_nam_2022_6433252.jpeg
Tác phẩm tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo tại Hà Nội năm 2022. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Cùng quan điểm đó, bà Trần Thị Ngọc Hân, Văn phòng UNESCO Hà Nội cũng khẳng định vai trò quan trọng của các phong trào UNESCO đối với công nghiệp văn hóa.

Theo bà Hân, tại Việt Nam, nơi các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam (VFUA) có thể hỗ trợ xây dựng nuôi dưỡng các quan hệ đối tác, trong đó các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các lý tưởng của UNESCO và đạt được các mục tiêu về văn hóa vì sự phát triển bền vững qua những cách tiếp cận cởi mở và sáng tạo.

Tại Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của phong trào UNESCO đối với công nghiệp văn hóa” ngày 5/8, tại Quảng Ninh, bà Hân khẳng định: “Chúng ta đang ở thời điểm lý tưởng để đưa những sứ mệnh của UNESCO đến với nhiều đối tượng hơn thông qua việc xây dựng năng lực cho các đại biểu thành viên, tổ chức các sự kiện chuyên đề và các hoạt động cộng đồng.”

Kỷ nguyên mới cho công nghiệp văn hóa

Cũng tại hội nghị nói trên, các chuyên gia đã đề cập đến việc áp dụng công nghệ để phát triển công nghiệp văn hóa. Các phong trào UNESCO sẽ hiện thực hóa chủ trương này.

vnp_huy nguyen.png
Tổng Giám đốc công ty Phygital Labs Huy Nguyễn đưa ra ý tưởng ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển kinh tế di sản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sự kết hợp giữa văn hóa và công nghệ không chỉ là xu hướng mà còn là chìa khóa, giúp không chỉ công chúng “chạm tay vào di sản” mà còn mở ra kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp văn hóa của nước nhà.

Ông Huy Nguyễn, Tổng Giám đốc công ty Phygital Labs, đã đóng góp ý tưởng về mô hình phát triển kinh tế di sản mới, trong đó, bảo vệ và khai thác bản quyền di sản là một chiến lược quan trọng giúp tạo ra các sản phẩm văn hóa có giá trị kinh tế cao, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa.

Chẳng hạn, với giải pháp định danh số, bản quyền các hiện vật di sản sẽ được khai thác hiệu quả thông qua 3 ý tưởng chủ đạo: Tạo nguồn thu từ việc bán vé tham quan triển lãm số; sản xuất và phân phối các món đồ lưu niệm là bản sao có chứng thực của các hiện vật di sản; tiến đến giao dịch các phiên bản số của hiện vật di sản trên chợ số, hay chợ vật lý số.

Khi đã được định danh và xác thực, các hiện vật được trưng bày dưới dạng triển lãm số, cho phép du khách từ mọi nơi trên thế giới tham quan qua công nghệ thực tế ảo, không chỉ quảng bá di sản văn hóa toàn cầu dễ dàng mà còn tạo ra nguồn thu nhập bổ sung thông qua việc bán vé tham quan online.

phygital labs.png
Không gian triển lãm số cổ vật Triều Nguyễn của Phygital Labs. (Ảnh chụp màn hình)

Một hướng đề xuất mở tiếp theo là việc tạo ra và giao dịch các phiên bản số của hiện vật di sản trên chợ số, hay chợ vật lý số, ứng dụng công nghệ blockchain để đảm bảo tính xác thực và an toàn của giao dịch. Điều này giúp mở rộng phạm vi tiếp cận và tạo ra mô hình kinh tế số trong công nghiệp văn hóa.

Chính phủ và các tổ chức văn hóa, các phong trào UNESCO phi chính phủ sẽ có sự hợp tác cởi mở, chặt chẽ với các đơn vị quản lý di sản văn hóa và công ty công nghệ, từ đó chúng ta có thể định hình tương lai của công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Huy Nguyễn - CEO Phygital Labs

Theo ông Huy Nguyễn, chính phủ và các tổ chức văn hóa, các phong trào UNESCO phi chính phủ sẽ có sự hợp tác cởi mở, chặt chẽ với các đơn vị quản lý di sản văn hóa và công ty công nghệ, từ đó chúng ta có thể định hình tương lai của công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, góp phần vào sự phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Tiến sỹ Lê Cao Thắng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra một số giải pháp để phát triển nền văn hóa số.

Đầu tiên là phải nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý các cấp các ngành và nhân dân về xây dựng và phát triển văn hóa số, để thấy được rằng phát triển văn hóa số là con đường tất yếu trong quá trình xây dựng nền văn hóa mới và người dân là lực lượng chính, quyết định thành bại.

thumb.jpg
Nhóm bạn trẻ 8X đứng đầu là kiến trúc sư Đinh Việt Phương đã dùng công nghệ 3D để phục dựng cột đá chùa Dạm, công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất còn sót lại từ thời Lý. (Ảnh: 3DART)

Tiếp đó là hoàn thiện thể chế tạo hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi nền văn hóa từ môi trường truyền thống sang môi trường số.

Một giải pháp quan trọng khác là tăng cường ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thực hiện số hóa các giá trị văn hóa truyền thống và sáng tạo các giá trị văn hóa số, xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hóa.

Ngoài ra, ông Thắng cho rằng cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho quá trình chuyển đổi số, thực hiện phát triển nền văn hóa số; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa; thực hiện tốt công tác thanh tra kiểm tra, tổng kết kịp thời thực tiễn quá trình phát triển nền văn hóa số để bổ sung kịp thời lý luận về phát triển nền văn hóa số bảo đảm đúng hướng trong quá trình tổ chức thực hiện.

“Để chuyển đổi thành công nền văn hóa truyền thống sang nền văn hóa số, thì tăng cường nhận thức của toàn xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, xây dựng lực lượng phục vụ nền văn hóa số là khâu then chốt, tăng cường ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 là khâu đột phá, hợp tác quốc tế là giải pháp quan trọng và hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, tổng kết thực tiễn là động lực,” ông Thắng khẳng định./.

IMG_0742.JPG
Các đại biểu dự Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của phong trào UNESCO đối với công nghiệp văn hóa” ngày 5/8. (Ảnh: PV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục