Đam mê "hái ra tiền"

Phong trào baker lên "cơn sốt" trong giới trẻ thủ đô

Giới trẻ ùn ùn rủ nhau đi học làm bánh để tạo ra những món quà xinh xắn, ý nghĩa. Với đôi người, nó còn trở thành đam mê "hái ra tiền".
Chưa bao giờ, phong trào học làm bánh Âu lại nở rộ như một năm trở lại đây, kéo theo đó là những trung tâm dạy làm bánh, cửa hàng cung cấp nguyên liệu đua nhau xuất hiện, đáp ứng nhu cầu cho các bạn mê làm bánh. Bánh Âu được chia thành các dòng bánh như: bánh mỳ, bánh mỳ nhanh (Coffee cake, Muffins, Scone, Loaf), bánh không dùng lò nướng (Donut, Pancake, Crepe, Waffles, Fritters), Bánh bông lan hay còn gọi là cake (Cheesecake, Pound cake, Devil food, Angel food, Chiffon, Cupcake), Cookie, Pie & Tart. Trong đó, bánh bông lan, cookie và bánh mỳ là những dòng bánh được các bạn trẻ lựa chọn học làm nhiều nhất. Ngoài ra, các trung tâm còn dạy làm cả bánh trung thu, pizza... Món quà từ trái tim Đa số những bạn trẻ tham gia phong trào này thường được gọi bằng cái tên dễ thương là "baker" (Thợ bánh). Họ muốn học làm bánh, tạo ra một món quà có ý nghĩa đối với người thân, bạn bè và nửa kia của mình. Một số khác lại học để thành nghề và thỏa mãn đam mê đối với món ăn ngọt ngào này. Xuất phát từ sở thích ăn bánh ngọt đến mức "nghiện" như bạn Nguyễn Thị Hồng Trang, sinh năm 1990, hiện đang là nhân viên thiết kế của tạp chí Đẹp Online, Trang học làm bánh là để phục vụ nhu cầu thưởng thức món ăn này đồng thời làm ra loại bánh ít ngọt cho người cha bị tiểu đường. "Mình học làm bánh bởi cả nhà đều thích ăn, nhất là bố mình. Nhưng vì bố bị tiểu đường nên không thể ăn những món bánh ngọt làm sẵn ngoài hàng. Do đó, mình luôn cố gắng giảm đường, làm riêng loại bánh nhạt cho bố. Mình thích làm thật nhiều, không chỉ để ăn mà còn đem biếu mọi người," Hồng Trang chia sẻ. Trong vòng một năm, Trang học hết 5 khóa dạy làm bánh tại Bakerland (Hà Nội), làm thành thạo gần hết các dòng bánh với hàng chục loại bánh ngọt khác nhau. Về nhà Trang thường thực hành 2-3 lần/tuần, mỗi lần hai mẻ bánh để giữ tay nghề. Tiếng lành đồn xa, Hồng Trang cho biết, dù chẳng có ý định kinh doanh gì nhưng nhiều người quen đã đến đặt bánh do Trang làm. Một trong những baker đã thành công là bạn Trần Hồng Nhung, sinh năm 1989, là người sáng lập và hiện đang là Giám đốc điều hành Trung tâm dạy làm bánh Jolis Chefs Việt Nam, số 82 phố chùa Láng, Đống Đa. Chia sẻ về duyên nợ đến với nghề làm bánh, bạn Trần Hồng Nhung cho biết: "Mình bắt đầu mày mò làm bánh mỗi dịp sinh nhật bạn bè vì mình luôn cố gắng có một món quà ý nghĩa nhất cho các bạn mà chi phí lại phù hợp với khả năng. Mình thành công ngay từ những mẻ bánh đầu tiên khi chỉ dùng nồi cơm điện, phới đánh trứng tay và những dụng cụ giản đơn khác. Những món quà của mình làm cho bạn bè và gia đình hết sức bất ngờ và hạnh phúc. Điều đó đã đưa mình đến với nghề."

Đôi bạn trẻ vừa hoàn thành chiếc bánh tình yêu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Làm bánh ngon không khó
"Thật ra làm bánh cũng khá đơn giản chỉ có điều làm bánh vẫn còn lạ lẫm với nhiều bạn trẻ Việt, phần lớn do các bạn thiếu nguồn thông tin tốt cũng như những nơi cung cấp dụng cụ và nguyên liệu đảm bảo. Để có thể học làm bánh thành công các bạn chỉ cần có niềm yêu thích với bánh: thích làm hoặc thích ăn là được," Hồng Nhung chia sẻ. Không chỉ thế, theo Hồng Nhung, điều quan trọng tạo nên những chiếc bánh ngon là nguyên liệu và dụng cụ làm bánh. Tuy hết sức đa dạng nhưng những thứ này rất cơ bản và thiết yếu, tùy thuộc vào loại bánh cũng như thói quen và kỹ thuật của người làm bánh. Thế nhưng, các cửa hàng bán nguyên liệu và dụng cụ làm bánh ở Hà Nội vẫn còn rất ít, giá thành cao hoặc trọng lượng nguyên liệu quá lớn bởi họ chưa bắt kịp trào lưu cũng như chưa thực sự hiểu rõ về các dòng bánh. Hay như Hồng Trang chia sẻ: "Tại các chợ đều có bán nguyên liệu và dụng cụ làm bánh, tuy nhiên, các sản phẩm ít phong phú, chưa đáp ứng đủ, đúng chủng loại mình cần và nguyên liệu cũng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do đó, mình thường mua ngay tại trung tâm dạy nghề. Ở đó, các loại nguyên liệu cũng được đóng gói với hàm lượng nhỏ, phù hợp với việc làm bánh thường ngày ở gia đình." Sau 3 năm mở Trung tâm do Hồng Nhu điều hành, tính đến nay đã có hơn 1.000 học viên tham gia các khóa học và con số này thường tăng đột biến trong các dịp lễ, Tết do nhu cầu làm bánh - một món quà "handmade" đầy ý nghĩa và dễ thương - cũng nhộn nhịp hơn. Riêng năm nửa đầu năm nay, số lượng học viên đến với trung tâm này tăng khoảng 50% so với năm trước. Các học viên có độ tuổi từ 13 - 56 và khoảng 1/8 trong số họ là nam giới. Hiện nay, các trung tâm dạy làm bánh như Jolis Chefs, Bakerland... có các khóa đào tạo như: theo khóa học giá từ 1,5 - 1,7 triệu/khóa, theo chuyên đề hoặc bánh tự chọn giá 180.000 - 200.000 đồng/loại bánh. Đáp ứng nhu cầu học cấp tốc, các trung tâm còn mở khóa đào tạo ngắn 1 ngày học, làm một đến ba loại bánh, với học phí từ 160.000 - 180.000 đồng./.
Quỳnh San (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục