Phong tỏa tăng cường - Cuộc ''thảm sát'' nhiều ngành kinh tế ở Bỉ

Nguồn dự trữ của các công ty đã cạn kiệt sau 8 tháng khủng hoảng do đại dịch, nếu không có sự hỗ trợ, rất nhiều doanh nghiệp sẽ không sống sót nổi sau đợt phong tỏa lần 2 và vô số lao động mất việc.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo quyết định của Chính phủ Bỉ công bố ngày 30/10, tất cả các cửa hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa trong một tháng rưỡi, các ngành nghề có tiếp xúc trực tiếp, không thuộc ngành y, như hiệu làm tóc, sẽ phải ngừng hoạt động từ 2/11 đến 13/12.

Các biện pháp hạn chế lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tiếp tục gây cú sốc đối với nền kinh tế Bỉ.

Tổ chức ngành thương mại và dịch vụ (Comeos) cảnh báo việc đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu sẽ dẫn đến mất hơn 100 triệu euro doanh thu mỗi ngày. Sáu tuần đóng cửa sẽ gây thiệt hại ít nhất 4 tỷ euro.

Lĩnh vực này sẽ chứng kiến 250.000 người mất việc làm. Giám đốc điều hành Comeos Dominique Michel đánh giá đây là một thảm họa và yêu cầu một chương trình hỗ trợ rộng lớn.

Theo ông Michel, quyết định mới là vì sức khỏe cộng đồng là ưu tiên hàng đầu, nhưng đó là một đòn giáng khác vào lĩnh vực vốn đang gặp khó khăn, với hàng nghìn việc làm bị đe dọa.

Do đó, liên đoàn ngành yêu cầu miễn đóng góp an sinh xã hội cho quý 3 năm nay. Ngoài ra, Comeos cũng đang kêu gọi chấm dứt tất cả các loại thuế mà các cửa hàng phải nộp, ví dụ, phí đậu xe hoặc thuế đối với các biển quảng cáo được chiếu sáng.

[Dịch COVID-19 sáng 31/10: Gần 45,9 triệu ca mắc trên toàn thế giới]

Không thể đồng thời để chính phủ đóng cửa các cửa hàng nhưng vẫn tiếp tục thu thuế. Bên cạnh đó, các cửa hàng không thiết yếu có thể tổ chức nhận hàng tại cửa hàng và giao hàng tận nhà.

Comeos khuyến khích sử dụng những hệ thống cho phép khách hàng đặt hàng trực tuyến và tới nhận sản phẩm tại cửa hàng.

Công đoàn của những người kinh doanh độc lập (SNI) kêu gọi các biện pháp mới hỗ trợ đồng bộ và quy mô lớn trên toàn quốc.

Chủ tịch SNI Christine Mattheeuws cho rằng hoạt động giao hàng phải được mở rộng càng nhiều càng tốt cho các cửa hàng không thiết yếu và một số lĩnh vực có thể áp dụng lịch hẹn.

SNI lưu ý một nửa các hộ kinh doanh thương mại chỉ còn rất ít hoặc đã hết vốn dự trữ. Do đó, SNI yêu cầu chính phủ hỗ trợ càng sớm càng tốt cho các chủ cơ sở kinh doanh.

Bởi vì dịch COVID-19 đang tạo ra cú sốc chưa từng có và đòi hỏi mọi người phải có khả năng phản ứng nhanh chóng, hiệu quả và hợp lý khi những biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.

Trong khi đó, Tổ chức giới chủ vùng Flemish (Voka) yêu cầu hỗ trợ bổ sung để cứu các doanh nghiệp và việc làm.

Tổ chức này kêu gọi các biện pháp hỗ trợ hiện tại cần được gia hạn và tăng cường cho đến cuối tháng 6/2021.

Nguồn dự trữ của các công ty đã cạn kiệt sau 8 tháng khủng hoảng do đại dịch. Nếu không có sự hỗ trợ bổ sung, rất nhiều doanh nghiệp sẽ không thể sống sót sau đợt phong tỏa lần hai này và vô số lao động sẽ mất việc.

Đặc biệt, tình hình tồi tệ này được đánh giá là sẽ kéo dài nhiều tuần.

Chủ tịch liên đoàn làm đẹp Bỉ (FBB), Mario Blokken, cũng chia sẻ quan điểm đợt đóng cửa lần hai sẽ là cuộc "thảm sát" kinh tế trong lĩnh vực yêu cầu tiếp xúc trực tiếp như nghề làm tóc.

Trong đợt đóng cửa trước đó, nhiều người đã phải sử dụng tiền tiết kiệm để tồn tại. Nếu tình trạng cách ly kéo dài và không được mở cửa trở lại vào những ngày lễ cuối năm, Bỉ có nhiều khả năng sẽ đứng trước nguy cơ suy thoái nghiêm trọng về kinh tế-xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục