Phong tỏa, đình chỉ thi công công trình Mulberry Lane

Toàn bộ công trình Mulberry Lane (khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông) đã bị phong tỏa và đình chỉ thi công để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Ngày 22/2, Thượng tá Nguyễn Duy Hùng, Phó thủ trưởng Cơ quan công an điều tra - Công an quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, cho biết toàn bộ công trình Mulberry Lane (khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông) đã bị phong tỏa và đình chỉ thi công để các lực lượng chức năng phối hợp thu thập tài liệu, chứng cứ, sớm tìm ra nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn nghiêm trọng này.

Anh Phạm Văn Trang, nạn nhân trong vụ sập dàn giáo, cho biết vào thời điểm xảy ra tai nạn, anh cùng một tổ thợ gồm khoảng 10 công nhân trát vữa mặt ngoài ở khu vực tầng 7 của toàn nhà E. Tổ thợ chia làm 2 nhóm, trong đó có 5 người (gồm anh Trang) trát vữa phía ngoài, số còn lại trát bên trong.

Khi đang làm việc, bất ngờ hệ thống giàn giáo bị rung lắc mạnh, chao đảo rồi đổ xuống về phía ngoài hành rào bảo vệ của tòa nhà. Tốp thợ không kịp tìm chỗ bám thì đã bị ngã xuống đất. Bản thân anh Trang khi tỉnh dậy thì đã đang nằm ở trong Viện Quân y 103.

Trong vụ tai nạn lao động sập giàn giáo chiều 21/2 làm 1 người chết, 4 người bị thương xảy ra tại dự án Mullberry Lane (Hà Đông, Hà Nội), nhà thầu chính của dự án là Tổng công ty xây dựng Trung Quốc giải thích nguyên nhân gây tai nạn là do công nhân thi công tại sàn 6, vị trí Block E đã tự ý tháo gỡ gông sàn của giàn giáo bao che dẫn đến đổ sập cả hệ thống giàn giáo và đè vào những công nhân đang trên đường đi về.

Thêm vào đó, liên quan đến con số nhà thầu phụ tham gia tại công trình này, nhà thầu chính cũng không cung cấp chính xác mà chỉ cho biết ước chừng có khoảng 30 nhà thầu phụ đang tham gia thi công tại công trình này.

Cho đến cuối giờ chiều 22/2, thông tin về nhà thầu phụ - đơn vị có số công nhân lao động bị nạn vẫn chưa được nhà thầu chính công khai danh tính; đồng thời, những lao động bị nạn được ký hợp đồng lao động theo loại, dạng nào cũng chưa được làm rõ, công bố công khai.

[“Công nhân tự ý tháo gỡ giàn giáo dẫn đến bị sập”]


Theo Sở Lao động thương binh và xã hội Hà Nội, cuối năm 2010, khi bắt đầu triển khai thi công công trình này, Tổng công ty xây dựng Trung Quốc cũng đã liên hệ với Sở Lao động thương binh và xã hội Hà Nội để tổ chức tập huấn an toàn vệ sinh lao động cho người lao động.

Tuy nhiên, thời điểm đó lượng lao động làm việc tại công trình này vẫn còn hạn chế. Còn tại thời điểm xảy ra tai nạn lao động, gần 4.000 lao động đang làm việc tại đây. Trong số gần 4.000 lao động này, có bao nhiêu lao động đã được tập huấn đào tạo và chất lượng công tác tập huấn như thế nào thì không được cập nhật và cơ quan chức năng đang kiểm tra làm rõ.

Theo ông Bạch Quốc Việt (Trưởng phòng An toàn lao động, Sở Lao động thương binh và xã hội Hà Nội), công tác yếu nhất của công tác an toàn vệ sinh lao động trên các công trình xây dựng cao tầng đầu tiên phải kể đến là chất lượng đội ngũ công nhân. Trong bối cảnh công tác tuyển dụng lao động xây dựng gặp khó khăn, nên phần lớn các công trình này sử dụng lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Những lao động này vừa không có trình độ chuyên môn đồng thời ý thức kỷ luật lao động cũng rất kém.

Vì thế, khi đi kiểm tra các công trình, Sở rất quan tâm đến kiểm tra công tác huấn luyện đào tạo cho công nhân lao động. Tiếp đó, kinh phí đầu tư cho công tác bảo hộ lao động và phòng chống cháy nổ còn chưa thỏa đáng. Trong khi về cơ bản, giống như ở các công trình ở nước ngoài, công trình trị giá bao nhiêu tiền thì phải có trách nhiệm trích ra 1 số phần trăm trị giá tương ứng cho công tác bảo hộ an toàn vệ sinh lao động.

Ngoài ra, theo ông Việt, còn một vấn đề tồn tại nữa cần phải chấn chỉnh là đội ngũ tư vấn giám sát các công trình hiện nay. Quá trình làm việc, khi kiểm tra các hợp đồng tư vấn giám sát thấy trong hợp đồng thể hiện rất rõ việc vừa tư vấn giám sát chất lượng xây dựng, tiến độ công trình cũng như giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động. Nhưng hầu như tư vấn giám sát tại các công trình xây dựng hiện mới chỉ quan tâm đến chất lượng và tiến độ công trình chứ chưa quan tâm nhiều đến giám sát an toàn vệ sinh lao động.

Ông Việt cũng cho biết thêm, thành phố Hà Nội sau sáp nhập thì địa bàn quản lý quá rộng lớn, trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra chuyên ngành này còn ít. So sánh với Thành phố Hồ Chí Minh thì tỷ lệ thanh tra lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh cao gấp 3 lần số thanh tra lao động của Hà Nội.

Trước thực tế này, Sở Lao động thương binh và xã hội Hà Nội đang có đề án nghiên cứu trình Ủy ban Nhân dân thành phố về việc sẽ phân cấp công tác kiểm tra an toàn vệ sinh lao động này cho các quận, huyện, thị xã để các địa phương cùng vào cuộc, nhằm giảm gánh nặng cho các cơ quan thành phố.

Ông Việt nhấn mạnh công tác kiểm tra ngăn chặn từ cơ sở rất quan trọng. Bởi vì địa phương nắm rất rõ địa bàn, có lực lượng thì sẽ ngăn chặn được các nguy cơ để xảy ra tai nạn lao động. Nếu thực hiện đề án này thì công tác an toàn vệ sinh lao động sẽ được cải thiện rất nhiều.

Trong thời gian tới, Hà Nội dự kiến sẽ triển khai đợt kiểm tra chuyên đề về công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ tại khoảng 40 bệnh viện lớn đóng trên địa bàn thành phố. Đến khoảng tháng 5- 6/2012, sẽ tiếp tục đi kiểm tra về công tác này đối với khoảng 40-50 đơn vị đang thi công các công trình cao tầng trên địa bàn.

Theo thống kê của Bộ Lao động thương binh và xã hội, trong số các vụ tai nạn lao động gây chết người thuộc lĩnh vực xây lắp, số vụ chết người do tai nạn ngã cao chiếm tỷ lệ trên 50%. Nguyên nhân chủ yếu là do sai sót trong việc sử dụng dây an toàn, che chắn các hố trống, lỗ trống; vấn đề giáo dục, tuyên truyền cho người lao động./.

Kim Anh-P.A (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục