Phòng ngừa ùn tắc và tai nạn cuối kỳ nghỉ Tết và lễ hội đầu Xuân

Trong 6 ngày Tết, Cảnh sát giao thông cả nước đã tuần tra kiểm soát xử phạt 15.587 trường hợp, trong đó có có 2.298 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.
Phòng ngừa ùn tắc và tai nạn cuối kỳ nghỉ Tết và lễ hội đầu Xuân ảnh 1Ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1 trong dịp Tết. (Nguồn: TTXVN)

Lãnh đạo Bộ Công an vừa có công điện yêu cầu Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, kiểm tra và triển khai đồng bộ các giải pháp, phòng ngừa, giải quyết nhanh ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, khu vực diễn ra lễ hội, đảm bảo trật tự an toàn giao thông cuối kỳ nghỉ Tết Canh Tý và các lễ hội đầu Xuân 2020.

Công điện nêu rõ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Công an về cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và các lễ hội đầu Xuân 2020, Công an các đơn vị, địa phương, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông đã triển khai thực hiện nghiêm túc, tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, điều tiết, phân luồng chống ùn tắc giao thông, thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Trong 6 ngày Tết, Cảnh sát giao thông cả nước đã tuần tra kiểm soát xử phạt 15.587 trường hợp, trong đó có có 2.298 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

Về tình hình trật tự an toàn giao thông, cả nước xảy ra 174 vụ tai nạn giao thông làm 122 người chết, 150 người bị thương; so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 7,45%, số người bị thương giảm 16,2%, nhưng số người chết tăng 7,02%.

Tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra trên đường bộ (chiếm 99%), trên đường thủy xảy ra 1 vụ, làm 1 người chết; trên đường sắt không xảy ra.

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông cuối kỳ nghỉ Tết và các lễ hội đầu xuân 2020, thực hiện Công điện của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, kiểm tra và triển khai đồng bộ các giải pháp, phòng ngừa, giải quyết nhanh ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, khu vực diễn ra lễ hội; tập trung tuyên truyền, tuần tra kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

[Cả nước có 122 người tử vong vì tai nạn giao thông sau 6 ngày nghỉ Tết]

Công an các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công an và phương án của Cục Cảnh sát giao thông về phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, khu vực diễn ra lễ hội; nắm tình hình hoạt động, lưu lượng phương tiện (kể cả tại các trạm thu phí, của ngõ ra vào các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), nơi diễn ra các lễ hội đầu Xuân để bổ sung các phương án, kế hoạch phù hợp với tình hình.

Các địa phương huy động, tăng cường các lực lượng cảnh sát khác và công an xã hỗ trợ lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện hướng dẫn, điều tiết giao thông.

Bộ Công an yêu cầu Công an các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, chuẩn bị triển khai Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, có hiệu lực từ ngày 1/4/2020.

Công an các địa phương tập trung, bố trí lực lượng thường xuyên có mặt trên các tuyến giao thông trọng điểm, nhất là quốc lộ, đường cao tốc và các điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nồng độ cồn, phần đường, làn đường, tốc độ, chở quá số người quy định, dừng đỗ không đúng nơi quy định, chuyển hướng không có tín hiệu, người ngồi trên xe môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm.

Đối với các trường hợp không chấp hành, cản trở giao thông, phải xử lý dứt điểm và phạt tình tiết tăng nặng, không để xảy ra ùn tắc giao thông và phức tạp tình hình.

Trên tuyến đường thủy nội địa, phải kiểm tra các điều kiện an toàn vận tải hành khách, nhất là các khu vực có lễ hội sông nước.

Trên tuyến đường sắt, tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm tại các đường ngang và quy trình vận hành an toàn của nhân viên đường sắt.

Cùng với đó, nghiêm túc tiếp nhận và xử lý các thông tin của người dân phản ánh về tình hình vi phạm, ùn tắc, vi phạm của xe khách trong kinh doanh vận tải.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết ngày 28/1 (tức mùng 4 Tết), lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao, đặc biệt là trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, hướng về trung tâm thành phố Hà Nội.

Thực hiện cao điểm chống ùn tắc trên tuyến cao tốc này, chiều 28/1, các tổ công tác thuộc Đội tuần tra kiểm soát đường bộ cao tốc số 3 (Đội 3), Cục Cảnh sát giao thông đã phải phân luồng giao thông từ xa tại các nút giao Vạn Điểm, Thường Tín, hướng dẫn lái xe đi vào đường gom và đường dân sinh để vào trung tâm thành phố.

Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ một mặt mở thêm các làn thu phí, mặt khác huy động toàn bộ quân số, đặt các bàn thu phí lưu động trên cùng 1 làn để có thể cùng 1 thời điểm thu phí được 3 xe. Tuy nhiên, càng về tối, lượng phương tiện càng tăng cao, ùn ứ kéo dài hàng km.

Trước nguy cơ tắc nghẽn giao thông, tổ công tác thuộc Đội 3 đã nhiều lần đề nghị Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ xả Trạm thu phí Vạn Điểm, cho các xe đi vào đường gom, tránh gây tắc trên đường cao tốc, song công ty này vẫn cố tình trì hoãn, không chịu xả trạm khiến Cảnh sát giao thông phải điều tiết giao thông rất vất vả.

Phải sau 1 tiếng kể từ khi có yêu cầu, Trạm thu phí nút giao Vạn Điểm mới tiến hành xả trạm và việc phân luồng của Cảnh sát giao thông mới hiệu quả.

Đến 20 giờ 30, vẫn xảy ra ùn ứ trên cao tốc theo hướng lên đường vành đai 3, các phương tiện phải di chuyển chậm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục