Những ngày cuối năm 2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp xảy ra hỏa hoạn, gây thiệt hại về người và của. Đặc biệt, trong một tuần đã xảy ra hai vụ cháy nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê ở quận Tân Bình và thành phố Thủ Đức khiến nhiều người thương vong.
Thực tế trên đòi hỏi cơ quan chức năng và địa phương cần quản lý chặt chẽ hơn, đồng thời phải nâng cao trách nhiệm của người cho thuê, chủ đầu tư các khu nhà trọ, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn và sử dụng các biện pháp phòng cháy, chữa cháy của người đi thuê, ở trọ.
Ám ảnh từ các vụ cháy nhà trọ
Trong những ngày cuối cùng của tháng 12/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp xảy ra các vụ cháy nhà trọ, nhà cho thuê, gây thiệt hại lớn về người.
Điển hình, vụ cháy căn nhà trọ trong hẻm số 63, đường số 10, phường Tăng Nhơn Phú B, thành phố Thủ Đức ngày 27/12 khiến đôi vợ chồng trẻ N.T.G. (25 tuổi, nhân viên phục vụ quán ăn) và T.T.T. (20 tuổi, công nhân) quê ở Thái Bình tử vong, bảy người nhập viện cấp cứu.
Cơ quan chức năng cho biết căn nhà trọ cao năm tầng, gồm một tầng trệt, bốn tầng lầu, tổng diện tích khoảng 800m2. Chủ nhà trọ đã thiết kế ngăn thành 38 phòng, cho 78 người thuê.
Khi hỏa hoạn phát ra từ khu vực để xe máy ở tầng trệt, những người ở phía trên rất khó thoát ra ngoài từ cửa chính ở dưới, nhất là khi ngọn lửa đã bùng lên dữ dội, bao trùm khu nhà trọ.
Tương tự, vụ cháy căn nhà số 29, đường Xuân Hồng, Phường 12, quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) vào sáng 20/12 cũng bùng phát nhanh.
Chỉ trong ít phút, khói đen nhanh chóng bao trùm toàn bộ căn nhà, một số người thoát được qua lan can nhà bên cạnh, một số mắc kẹt, được lực lượng chức năng giải cứu.
Tuy đám cháy được dập tắt sau đó nhưng đã làm 12 người bị ngạt khói phải đưa đi cấp cứu và hai nạn nhân tử vong (chị T.T.T.N., sinh năm 2001 và anh N.T. T., sinh năm 2003, cùng quê Vĩnh Long) trong nhà vệ sinh.
Ủy ban Nhân dân Phường 12, quận Tân Bình, cho biết căn nhà có kết cấu một trệt, ba lầu nhưng lại ngăn thành 19 phòng cho thuê trọ. Các phòng có diện tích rất nhỏ, kiểu sleep box (hộp ngủ). Ngoài ra, căn nhà được cơi nới thêm hai phòng trên sân thượng để kinh doanh ăn uống.
Nguyên nhân gây hỏa hoạn bước đầu được xác định là từ một xe điện ở tầng trệt, rồi nhanh chóng lan sang bảy xe khác.
Hiện trường vụ cháy cho thấy khu vực đậu xe có gần 30 xe máy, xe điện các loại (của người ở trọ) chắn hết lối đi; lối thoát nạn duy nhất là cầu thang lên xuống rất nhỏ hẹp.
Theo các chuyên gia, những vụ cháy trên có nhiều điểm và mức độ nguy hiểm giống nhau bởi xảy ra ở nhà trọ cao tầng, chung cư mini, nhà ngăn phòng cho thuê, sleep box (hộp ngủ) và người thiệt hại hầu hết là người thuê trọ.
Bên dưới (tầng trệt) các căn nhà này được chủ nhà tận dụng để xe, người thuê trọ ở trên. Nên khi xảy ra sự cố, người thuê trọ chẳng khác nào ở trên “lò nướng..."
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2024, ở thành phố xảy ra 385 vụ cháy (một vụ cháy lớn, 11 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 115 vụ cháy trung bình và 258 vụ cháy nhỏ thiệt hại không đáng kể), làm chết 15 người, bị thương 17 người; thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 11,5 tỷ đồng (còn 45 vụ chưa thống kê được thiệt hại); so với cùng kỳ 2023 giảm 42 vụ (bằng 9,83%), tăng bảy người chết (87,5%), tăng sáu người bị thương (54,54%).
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ
Qua tổng kiểm tra, rà soát hơn 50.000/62.000 lượt cơ sở gần đây, Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết công tác phòng cháy tại các loại hình nhà trọ, phòng trọ, chung cư mini... chưa được chủ cơ sở và người thuê thật sự quan tâm đến; có nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ cao.
Các phòng trọ, nhà trọ chiếm phần đông là người lao động, học sinh, sinh viên. Nhiều người cùng ăn, ngủ, sinh hoạt, nấu nướng trong một không gian hẹp, có nhiều vật dụng gia đình dễ bắt cháy, một số trường hợp câu mắc điện chưa bảo đảm an toàn dễ gây cháy, nổ...
Một số nhà trọ nằm trong hẻm sâu, hẹp, cách xa nguồn nước, lối thoát nạn được tận dụng sắp xếp hàng hóa…, không bảo đảm điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Một số chủ nhà trọ thiếu kiến thức, không thường xuyên bảo trì, kiểm tra hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Một số trường hợp vì lợi nhuận, chủ quan cắt giảm chi phí đầu tư cho hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
Bên cạnh đó, nhiều người thuê trọ chủ quan, coi nhẹ việc phòng chống cháy nổ, nhất là việc sử dụng điện, gas bừa bãi, không đúng quy cách; không nắm rõ cách sử dụng trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và phương án thoát hiểm.
Nhiều người thuê trọ và cả chủ nhà trọ chủ quan, lơ là, bất cẩn trong việc sử dụng thiết bị điện, đặc biệt là thiết bị sạc pin điện thoại, xe máy điện, xe đạp điện, bình ắc quy xuyên đêm; đồng thời, chưa nhận thức được các nguy cơ tiềm ẩn gây cháy, nổ có thể gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Một khảo sát nhanh 500 nhà trọ ở thành phố cho thấy chỉ 20% chủ nhà trọ nắm rõ các quy định về phòng cháy, chữa cháy; người thuê trọ biết cách sử dụng bình chữa cháy chỉ đạt 30%.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hương, chủ nhà trọ ở thành phố Thủ Đức, cho biết mới đây Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Xây dựng, cùng chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các nhà trọ cho thuê, chung cư mini, nhà ở tập thể, nhất là nhà ngăn thành các phòng trọ cho thuê, vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
“Để đảm bảo an toàn, tôi đã phải tạm ngừng hoạt động dãy trọ trong thời gian ngắn để hoàn thiện lại hệ thống điện và bổ sung các thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo hướng dẫn của cơ quan chức năng,” chị Ngọc Hương chia sẻ.
Để giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy, nổ, Đại tá Huỳnh Ngọc Quan khuyến nghị cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp, giải pháp xử lý, kỹ năng thoát nạn, nhất là tại các cơ sở tập trung đông người, nguy cơ cháy nổ cao; khu nhà trọ ngăn phòng, nhà cho thuê trọ kết hợp kinh doanh.
Các đơn vị tiếp tục rà soát, thành lập mới, duy trì, phát huy hiệu quả mô hình "Tổ liên gia-Điểm chữa cháy công cộng;" tăng cường phối hợp, hỗ trợ giữa các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp để tạo mạng lưới an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Đồng thời, duy trì huấn luyện, củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại chỗ ở địa bàn dân cư...
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, khuyến nghị cư dân, người thuê trọ nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy, sử dụng các thiết bị điện.
Đó là: Tuyệt đối không sạc qua đêm; không thắp hương, nến thờ cúng, kiểm tra hệ thống gas, nguồn lửa, nhiệt khi đun nấu... khi đi ngủ, ra khỏi nhà; không sử dụng bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần; phản ánh kịp thời nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Mỗi người cần tự trang bị kỹ năng sống để giúp mình và mọi người xung quanh; tham gia các lớp tập huấn, diễn tập định kỳ để không chỉ biết cách sử dụng các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy mà còn biết cách ứng phó, sơ tán trong trường hợp khẩn cấp.
Mỗi người cũng cần xây dựng các thói quen như: Để chìa khóa mở cửa nơi dễ lấy và phổ biến cho gia đình cùng biết; nghiên cứu, tận dụng bố trí lối thoát nạn thứ hai trên cửa sổ, mái nhà, qua ban công; trang bị dụng cụ phá dỡ phù hợp với đặc thù nơi mình ở để mở lối thoát nạn khẩn cấp..., bà Nguyễn Thị Kim Thúy chia sẻ.
Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an Thành phố đề nghị đơn vị quản lý, chủ nhà trọ chấp hành nghiêm các quy định phòng cháy, chữa cháy khi xây dựng, kinh doanh.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra thay thế, khắc phục những nguy cơ mất an toàn về điện; quy định chặt chẽ việc nấu nướng, thờ cúng, đốt vàng mã, sạc điện với xe đạp, xe máy điện, thiết bị tiêu thụ điện, nhất là tại tầng hầm, khu vực để xe.
Đặc biệt không sử dụng bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần; bảo đảm có lối thoát an toàn, dễ tiếp cận, bố trí phương tiện liên lạc khẩn cấp như loa, chuông báo cháy.../.
Bản tin 60s: Cháy nhà trọ ở Thủ Đức, đôi vợ chồng trẻ mới cưới tử vong
Sáng 27/12, lực lượng chức năng phong tỏa, khám nghiệm vụ cháy nhà trọ ở phường Tăng Nhơn Phú B, Thành phố Thủ Đức, khiến 2 người chết, 7 người bị thương.