Phòng chống tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ phòng chống tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu khai mạc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 9/1, tại Hà Nội, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh dự và chủ trì Hội nghị.

Khen thưởng người lao động trực tiếp chiếm trên 21%

Đánh giá của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương cho thấy năm 2018, công tác thi đua, khen thưởng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,” Chỉ thị số 22-CT/TW về việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, năm qua các phong trào thi đua trong toàn quốc đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà cho biết phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 có nhiều đổi mới, cách làm hay, nông thôn mới kiểu mẫu thực hiện hiệu quả ở nhiều địa phương và được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đến nay, trên cả nước đã có 3.787 xã và 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

[Nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương]

Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” được triển khai tích cực; hiện cả nước có 121.248 doanh nghiệp thành lập mới. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết với mục tiêu “lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ,” thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp, coi phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Thủ đô. Từ năm 2016-2018, đã có 73.000 doanh nghiệp thành lập mới, bằng 92,5% so với cả giai đoạn 2011-2015. Vốn đầu tư xã hội mỗi năm tăng 10,5-10,6%, năm 2018 đạt 340.800 tỷ đồng.

Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được triển khai rộng khắp, tạo được sự thống nhất trong nhận thức của nhân dân, đồng thuận trong xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 8,23% năm 2016 xuống còn khoảng 5,35% vào cuối năm 2018, bình quân mỗi năm giảm trên 1,5%. Đối với các huyện nghèo, tỷ lệ nghèo giảm bình quân trên 5%/năm.

Các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo khen thưởng chặt chẽ, đúng người, đúng thành tích, kịp thời khen thưởng các trường hợp có thành tích đột xuất, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, dũng cảm bảo vệ người, tài sản trong thiên tai...

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng 55.463 trường hợp. Trong tổng số cá nhân được khen thưởng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tỷ lệ khen chuyên đề, đột xuất trên 1,2% và khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp trên 21%.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Thị Hà, một số phong trào thi đua hiệu quả chưa cao, có nơi còn hình thức, chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát phong trào thi đua chưa được coi trọng, việc sơ kết, tổng kết chưa kịp thời.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chỉ ra rằng có trường hợp còn sai sót trong hồ sơ thi đua, khen thưởng; nhiều trường hợp thiếu thủ tục, có hồ sơ chậm từ 1-2 năm. Một số nơi chưa quan tâm động viên khen thưởng kịp thời người lao động trực tiếp, có địa phương chỉ đề xuất 1 trường hợp chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, cá biệt có tỉnh không đề xuất trường hợp nào, đây là sự thiếu quan tâm.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng cho rằng bên cạnh những kết quả đã đạt được, có nơi, phong trào thi đua còn chưa bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến còn hạn chế; việc khen thưởng cho người lao động trực tiếp tuy có cải thiện nhưng chưa thực sự tạo được hiệu ứng sâu rộng. Công tác trình và thẩm định hồ sơ khen thưởng còn kéo dài, chưa động viên kịp thời các đối tượng được khen thưởng, còn tình trạng đề nghị khen thưởng cho những trường hợp chưa có thành tích tiêu biểu nên tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương còn hạn chế.

Bảo đảm khen thưởng thực chất

Nhấn mạnh năm 2019 là năm thứ tư của nhiệm kỳ 5 năm, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là năm thứ 4 thực hiện phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, Phó Thủ tướng cho rằng, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước, biến phong trào trở thành động lực cách mạng, một phương thức lãnh đạo của Đảng, công cụ quản lý hữu hiệu của Nhà nước.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tổ chức phát động các phong trào thi đua ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2019; thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp, khả thi theo phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả.” Tinh thần chung là phải quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đạt được kết quả cao hơn năm 2018.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ hoàn thiện chính sách, pháp luật thi đua khen thưởng, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ đề xuất những giải pháp đổi mới mạnh mẽ, thiết thực phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phù hợp với tiến trình hội nhập của đất nước. Trong đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động do trung ương phát động và phát động thi đua trong bộ, ngành, địa phương, đơn vị mình; hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn khen thưởng cho các đối tượng, nhất là công nhân, nông dân, người lao động. Bộ cần phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời có giải pháp để bảo đảm hoạt động tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng được thực hiện chặt chẽ, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực.

Khen thưởng phải kịp thời, chính xác, khách quan, công tâm công bằng, minh bạch, đúng thành tích, có giá trị giáo dục nêu gương. Bảo đảm việc xét khen thưởng có tính cạnh tranh, thành tích thực chất. Phải phòng chống tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng phong trào thi đua năm 2019 phải bứt phá để đạt thành tích cao hơn, tạo đà đạt và vượt các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng các cấp, kế hoạch 5 năm 2016-2020, tập trung vào ba phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển,” “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Bên cạnh công tác phong trào, các bộ, ngành, địa phương quan tâm sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội vào tháng 10/2019. Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phát động cuộc thi viết về tấm gương “người tốt, việc tốt,” các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước toàn quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục