Phòng, chống thiên tai: Ứng phó chuyên nghiệp và thích ứng an toàn hơn

Theo dự báo, thiên tai từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, công tác phòng, chống thiên tai sẽ cần tập trung vào giảm thiểu thiệt hại, tăng cường giải pháp thích ứng an toàn.
hôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) bị nước lũ cô lập hoàn toàn. (Ảnh minh hoạ: Danh Lam/TTXVN)

Từ đầu năm 2022 đến nay thiên tai diễn biến phức tạp và dị thường, điển hình như đợt mưa lũ lớn trái quy luật ngay giữa mùa khô (từ ngày 30/3-2/4) kèm theo dông lốc, sóng lớn tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà; rét lịch sử cuối tháng 2/2022 ở khu vực miền núi phía Bắc; động đất gia tăng về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum...  

Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính lên tới 2.400 tỷ đồng và sẽ còn tiếp tục tăng khiến cho công tác phòng, chống thiên tai cần phải được chú trọng và tập trung nhiều nguồn lực.

Phòng, chống thiên tai chuyên nghiệp hơn

Năm 2021, thiên tai trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến bất thường, khốc liệt, với gần 380 trận thiên tai, cướp đi sinh mạng của 16.000 người, thiệt hại về kinh tế hơn 340 tỷ USD, cao hơn nhiều so với năm 2020. 

Tại Việt Nam, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2022 dự báo sẽ còn cao hơn năm 2022 khi màu thiệt hại từ đầu năm đến nay ước tính đã lên tới 2.400 tỷ đồng, gần bằng 1/2 thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2021.

Trước những diễn biến khó lường của thiên tai, công tác phòng, chống hơn lúc nào hết cần được nâng cao một cách chuyên nghiệp, bài bản. Trong bối cảnh đó, Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 được xem là căn cứ để nâng cao chất lượng các hoạt động phòng, chống thiên tai hàng năm.

Kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh lần đầu tiên được công bố vào tháng 5/2022 là một bước tiến giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành cũng như giám sát các tỉnh thành đem lại hiệu quả tốt hơn. Thông qua chỉ số phòng, chống thiên tai các địa phương có thể xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong việc thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, giúp cho các tỉnh, thành phố có điều chỉnh cần thiết về nội dung, giải pháp trong triển khai công tác phòng, chống thiên tai hàng năm.

[Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong dự báo thiên tai]

Theo kết quả được Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai công bố, 10 tỉnh thành thực hiện tốt gồm: Thừa Thiên-Huế, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Nghệ an, Hải Phòng, Đăk Lắk , An Giang, Cà Mau và Quảng Nam. Ban chỉ đạo cũng thẳng thắn chỉ ra các cả các địa phương còn yếu kém gồm: Bắc Kạn, Bình định, Bình Thuận, Cần Thơ, Cao Bằng, Đắk Nông, Lai Châu, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Trà Vinh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá mỗi loại hình thiên tai xảy ra ở các vùng, miền, địa phương lại khác nhau. Địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai thì ứng phó tốt hơn nhưng khắc phục thiên tai lại gặp khó khăn. Công tác phòng, chống phải giống nhau, còn lại ứng phó và khắc phục lại khác nhau... 

“Chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị tư vấn phải đánh giá sâu hơn về công tác phòng, chống thiên tai ở từng địa phương. Nếu sắp xếp theo từng vùng, miền và các loại hình thiên tai thì phân tích để đánh giá sẽ chính xác và tốt hơn,” Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Những ngôi nhà thích ứng với thiên tai

Theo nhận định của cơ quan dự báo, từ nay đến cuối năm có khoảng 10-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó 4-6 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta; nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại vùng núi và thượng lưu sông suối nhỏ; mưa lũ trên mức báo động 3 tại khu vực miền Trung... Trong bối cảnh đó, mô hình nhà chống bão, lũ được đánh giá là giải pháp thích ứng hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Mô hình nhà chống bão, lũ tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết mỗi mùa mưa bão đến, có những trận lũ liên tiếp khiến nước ngập 5-7 ngày ở khu vực vùng trũng, nếu không có nhà cao thì hết sức nguy hiểm. Người dân không chỉ có nguy cơ chết vì lũ lụt mà còn có thể chết đói vì bị cô lập do không được cung ứng hàng hoá, nhu yếu phẩm.

“Từ năm 2018 đến nay, Thừa Thiên-Huế đã xây dựng được hơn 580 căn nhà chống bão, lũ. Những căn nhà này đã giúp hỗ trợ rất nhiều hộ dân chống chọi được trong mưa bão, hạn chế tối đa bị ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng. Người dân hết sức ủng hộ, vui mừng khi những căn nhà chống lũ được xây dựng,” ông Phan Quý Phương nói.

Nhờ những căn nhà chống bão, lũ giờ đây, người dân vùng lũ đã có thể đứng vững trước thiên tai. Sự chủ động sống chung với lũ, thích ứng với thiên tai đã giúp người dân có thể giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, nhanh chóng ổn định lại cuộc sống sau lũ, qua đó góp phần đảm bảo phát triển bền vững kinh tế của gia đình và địa phương. 

Theo một nghiên cứu gần của  Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP, hơn 110.000 gia đình vẫn sống trong tình trạng không có nhà ở an toàn trên 28 tỉnh ven biển, trong đó có hơn 25.000 ở các huyện ven biển. Tổng chi phí khoảng 330 triệu USD để cung cấp nhà ở cho những người dễ bị tổn thương do khí hậu ở Việt Nam.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho rằng việc thực hiện mục tiêu xây dựng nhà ở cho những người dễ bị tổn thương do khí hậu có thể được thực hiện trong một nỗ lực hợp tác được lên kế hoạch tốt, kết hợp cả tài chính công và tư nhân. Đây là một khoản đầu tư cần thiết để đảm bảo một quá trình chuyển đổi khí hậu công bằng mang lại lợi ích cho những người dễ bị tổn thương nhất và đang bị bỏ lại phía sau.

UNDP đã hỗ trợ xây dựng 4.100 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt cho những hộ dân nghèo ở các tỉnh ven biển miền Trung và cam kết sẽ xây dựng thêm 1.450 căn nhà theo mô hình thích ứng với thiên tai này.

Hiện nay, mô hình nhà chống lũ đã được nhân rộng tại nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực rốn lũ miền Trung. Mô hình nhà chống lũ rất đa dạng như nhà phao, nhà kê nền, nhà có gác… với cả mô hình xây nhà dân, nhà cộng đồng tránh lũ… Những căn nhà chống lũ đã góp phần giảm thiệt hại về người và tài sản mỗi khi mùa mưa bão về, giúp người dân nhanh chóng ổn định, phục hồi sau bão, lũ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục