Phòng chống lạm dụng rượu, bia: Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng

"Cứ mỗi 1 USD chi ra để thực hiện các biện pháp hiệu quả về phòng ngừa tác hại do sử dụng rượu, bia sẽ thu được lợi ích tương đương 9,13 USD.”
Phòng chống lạm dụng rượu, bia: Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Dự thảo “Luật phòng chống tác hại của rượu, bia” tiếp tục nóng lên với những ý kiến đóng góp từ phía cộng đồng.  

Gần đây nhất, Bộ Y tế đã tổ chức Cuộc họp chuyên đề nhóm đối tác y tế với nội dung Tham vấn về dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, dưới sự hỗ trợ của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới – WHO tại Việt Nam.


[Ngành đồ uống có cồn 'than' phải đối mặt với các rủi ro chính sách]

Mỗi người tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất/năm

Báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới - WHO, người Việt Nam tiêu thụ rượu, bia ở mức khá cao. Cụ thể, một người Việt Nam trên 15 tuổi trung bình tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất/năm 2016, con số này tương đương với mức trung bình của Thái Lan, song cao hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực, như Mông Cổ: 7,4 lít, Trung Quốc: 7,2 lít, Campuchia: 6,7 lít, Philippines: 6,6 lít và Singapore: 2 lít.

Song hành với đam mê “tửu lượng” đó là những con số "rợn người". Riêng trong năm 2016, Báo cáo của WHO thống kê lên tới 79.000 người tử vong do sử dụng rượu, bia ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng trăm nghìn người đã phải nhập viện điều trị vì các bệnh liên quan đến rượu, bia.

“Sử dụng rượu, bia ở mức có hại không chỉ làm gia tăng gánh nặng về các bệnh không lây nhiễm mà nó còn là nguy cơ gây ra các vụ tai nạn giao thông, bạo lực và thương tích.” Do đó, tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam lên tiếng cảnh báo, “sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại đang tước đi các nguồn lực giá trị để đáp ứng các nhu cầu cấp bách về chăm sóc sức khỏe và phát triển đất nước. Tổng thiệt hại về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia ở Việt Nam tương đương khoảng 1,3% - 3,3% tổng sản phẩm quốc nội - GDP.”

Hạn chế nhu cầu tiêu thụ

Sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dân và cộng đồng. Với vấn nạn đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, “phải giải quyết tác hại của việc sử dụng rượu, bia đồng thời làm giảm bớt những gánh nặng cho hệ thống y tế trong bối cảnh các nguồn lực còn hạn chế.”

Để giải quyết thực trạng hiện tại, WHO đã đưa ra một số giải pháp cụ thể hướng tới việc hạn chế các nhu cầu tiêu thụ đồ uống có cồn trong dân chúng.

Tiến sỹ Kidong Park chia sẻ, “các bằng chứng cho thấy việc tăng giá rượu, bia có tác dụng giảm tiêu thụ rượu, bia ở mức nguy hại của những người uống rượu nói chung và thanh thiếu niên nói riêng. Từ đó, tỷ lệ tử vong do uống rượu, bia cũng sẽ giảm.”

Một giải pháp khác là hạn chế sự tiếp cận dễ dàng và tính sẵn có của rượu, bia trên thị trường, như các quy định về mật độ của những điểm bán với một cơ chế cấp phép nghiêm ngặt, hạn chế số ngày và giờ được phép bán cũng như quy định độ tuổi tối thiểu được mua hoặc sử dụng đồ uống có cồn.

Bên cạnh đó, đại diện của WHO cho rằng cũng cần phải có quy định về tiếp thị, quảng cáo đồ uống có cồn đặc biệt ảnh hưởng tới giới trẻ.

“Rất nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra, những người trẻ tiếp xúc với quảng cáo, tiếp thị rượu, bia nhiều thì khả năng sẽ bắt đầu uống hoặc uống nhiều hơn.” Vì vậy, ông Kidong Park cho rằng, nếu được triển khai hiệu quả, việc hạn chế hoặc cấm tiếp thị, quảng cáo rượu, bia có thể làm giảm lượng tiêu thụ, đặc biệt là từ nhóm thanh thiếu niên.

“Đầu tư vào các hoạt động phòng ngừa tác hại do rượu, bia sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho xã hội. Theo một ước tính trong năm 2018 của WHO, cứ mỗi 1 USD chi ra để thực hiện các biện pháp hiệu quả về phòng ngừa tác hại do sử dụng rượu, bia sẽ thu được lợi ích tương đương 9,13 USD,” ông Kidong Park nhấn mạnh.

Quan trọng hơn vẫn là ý thức

Từ một Báo cáo khác của WHO khác hồi đầu năm, “ít nhất 40% nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông bị gây ra bơi những gười điều khiển phương tiện có vi phạm nồng độ cồn.”

Bạn Hà Anh Mến, 31 tuổi đến từ Yên thế, Bắc Giang, một tình nguyện viên truyền thông phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn chia sẻ, “tuổi trẻ bốc đồng không kiểm soát được hậu quả. Tai nạn xảy ra, không chỉ bản thân tôi bị thua thiệt mà còn để lại một gánh rất nặng lớn cả về vật chất và tinh thần cho cha, mẹ và tất cả các thành viên trong gia đình mình.”

Hai mươi ba tuổi, quãng thời gian đẹp nhất của một người đàn ông, nhưng do vui vẻ quá đà trong một buổi tiệc và sau đó là các cuộc nhậu tăng hai, tăng ba kéo dài về đêm đã khiến Hà Anh Mến gặp một sự cố khốc nghiệt. Không làm chủ được tốc độ do uống quá nhiều rượu, bia lẫn lộn, người bạn nhậu chở Mến về đã đâm xe vào một chướng ngại vật trên đường.

Kết quả, người bạn này bị gãy tay, còn Mến bị va đập mạnh dẫn đến mẻ đốt sống cổ. Sau khi hội chẩn, bác sỹ cho biết không thể mổ đồng nghĩa với việc Mến đối mặt với tình trạng liệt tứ chi kéo dài.

Hai năm nằm bất động, với mọi nỗ lực chữa chạy của gia đình, Mến bắt đầu co duỗi được chân tay. Sau đó là ba năm, vận lộn với biết bao đau đớn của quá trình tập luyện, niềm vui lớn đã xuất hiện. Mến có thể nhúc nhắc đi lại nhờ một cái khung gỗ và di chuyển bằng xe lăn.

Vượt qua nỗi đau, sự hoang mang và những mặc cảm, Mến trở thành tình nguyện viên truyền thông phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn với mục đích cảnh báo cho các bạn trẻ “cần phải trân trọng những gì mình đang có, để không giống như bản thân em khi hối tiếc thì đã muộn rồi. Em chỉ mong rằng, mọi người sẽ không lạm dụng rượu, bia và uống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình cũng như xã hội.”

Với những điều đã trải qua, cùng với những di chứng bệnh tật đi theo suốt cuộc đời và thấu hiểu hơn hết, Mến cho rằng, để giải quyết tình trạng lạm dụng rượu, bia ở mức độ cao như hiện nay, chỉ hạn chế bằng các chế tài thì chưa đủ mà cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng với nhận thức mạnh mẽ  về “trách nhiệm bản thân của mỗi người khi uống rượu, bia.”

Phòng chống lạm dụng rượu, bia: Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng ảnh 2Bạn Hà Anh Mến tình nguyện viên truyền thông phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khoảng trống trong chính sách

Đồng tình với quan điểm trên, tiến sỹ Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam cho rằng, việc xây dựng Luật này là cần thiết, bởi việc bảo vệ sức khỏe người dân là trách nhiệm chung của tất cộng đồng.

Một vấn đề khác được vị đại diện ngành này nhắc tới, “đó là tình trạng tự nấu rượu trong cộng đồng và khiến ngân sách thất thu tối thiểu là 800 tỷ đồng. Con số này tương đương với mức đóng góp ngân sách hiện tại của cả ngành. Vì vậy, Luật cần làm rõ hơn về các nội dung quản lý đối với trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp.”

Ngoài ra các doanh nghiệp trong ngành còn khá “ấm ức,” khi ông Việt cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng với rượu, bia hiện tại là 65% (thay đổi 4 lần kể từ năm 2013 đến nay) và thuộc vào mức cao trên thế giới.

Vì vậy, ông Việt khuyến nghị Bộ Y tế và Tổng cục thống kê cần có những đánh giá chính thức về các con số trong ngành và xem xét kỹ lưỡng khi xây dựng Luật.

“Ở các nước khác như Nhật Bản, khi xây dựng một dự án luật nhằm tăng thuế, họ thường mất khoảng 10 năm để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị đầu tư cũng như thích ứng điều chỉnh các hoạt động kinh doanh trong dài hạn.”

Ngoài ra, bà Nguyễn Vân Chi, Ủy viên thường trực Ủy Ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, Luật quy định một khoản đóng góp bắt buộc vào tương tự với thuế tiêu thụ đặc biệt và cuối cùng gánh chịu sẽ là người tiêu dùng. Điểm khác biệt ở đây là khoản thu này sẽ được sử dụng cho các hoạt động y tế, tuyên truyền hoặc các hoạt động khác của Quỹ để phòng chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá. Do đó, bà đề nghị Bộ Y tế bổ sung thêm bản nghiên cứu đánh giá tình hình quản lý và sử dụng Quỹ Thuốc lá trong thời gian vừa qua.

“Xét từ góc độ về quản lý tài chính, để đảm bảo tính khả thi cho dự án Luật này dự kiến trình trước Quốc hội vào kỳ họp tới, đề nghị Bộ Y tế và sau này là cơ quan thẩm tra của Quốc hội với mỗi phương án cần phải có đánh giá tác động định lượng” bà Chi nói. Bà cũng chỉ ra hiện trạng, một tỉ lệ rất lớn rượu thủ công sản xuất công nghệ thấp, rượu nhập lậu, rượu giả… đang không phải nộp bất cứ  loại thuế nào. Vì thành lập Quỹ này cũng chỉ quản lý được các sản phẩm có nhãn mác đăng ký rõ ràng, còn những sản phẩm còn lại vẫn chưa được kiểm soát.

“Đây là một khoảng trống của chính sách, bởi những tác hại của rượu, bia và những tác động xấu đến sức khỏe người dân liên quan nhiều đến rượu lậu, rượu giả hay rượu kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn hơn là những sản phẩm có thương hiệu, giá bán cao và chất lượng tốt,” bà Nguyễn Vân Chi nhấn mạnh./.

Bạn Hà Anh Mến, 31 tuổi đến từ Yên thế, Bắc Giang, tình nguyện viên truyền thông phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn chia sẻ.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục