Phòng, chống hành vi can thiệp bất hợp pháp mạng thông tin hàng không

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an phối hợp Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh thực hiện đề án lập đồn Công an tại các cảng hàng không trọng điểm và xây dựng lực lượng an ninh trên không.
Phòng, chống hành vi can thiệp bất hợp pháp mạng thông tin hàng không ảnh 1Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia phát biểu khai mạc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 10/1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ủy ban, đánh giá kết quả công tác phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn hàng không năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Báo cáo tóm tắt, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, năm 2019, thị trường hàng không phát triển với tốc độ nhanh, ổn định, sản lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa tiếp tục gia tăng so với cùng kỳ năm 2018; quy mô thị trường hàng không tiếp tục được mở rộng. Số lượng tàu bay đăng ký quốc tịchViệt Nam là 218 chiếc, tăng 38 tàu bay so với năm 2018; số lượng trực thăng đăng ký quốc tịch Việt Nam 31 chiếc. Có 10 hãng hàng không được cấp Giấy chứng nhận Người khai thác tàu bay, 12 tổ chức bảo dưỡng tàu bay và 7 tổ chức huấn luyện được phê chuẩn.

Sản lượng điều hành bay đi/đến đạt 458.000 chuyến, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2018; điều hành bay quá cảnh là 419.000 chuyến, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 106 triệu khách, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2018 và sản lượng hàng hóa thông qua là 1,4 triệu tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2018. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 50,3 triệu khách, 404.000 tấn hàng hóa.

Việt Nam hiện có tổng cộng 22 sân bay có hoạt động hàng không dân dụng, gồm 9 sân bay quốc tế, 13 sân bay nội địa. Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của công an, quân đội đóng tại địa bàn cảng hàng không, sân bay, thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát khu vực vành đai sân bay và khu vực công cộng nhà ga, bến bãi; kịp thời xử lý tình trạng gây mất trật tự công cộng, tấn công nhân viên hàng không, điều tra, xử lý vụ việc xâm nhập hệ thống bán vé, đặt chỗ của Vietnam Airlines để lấy thông tin hành khách cung cấp cho dịch vụ taxi tại sân bay.

Năm 2019, công tác đảm bảo an toàn hàng không của ngành hàng không Việt Nam cơ bản được đảm bảo tốt, tiếp tục duy trì 23 năm liên tục không xảy ra tai nạn tàu bay có thiệt hại về người, đảm bảo hoạt động bay của toàn ngành được duy trì mức độ an toàn bền vững. Tuy nhiên, các sự cố/vụ việc liên quan đến việc các phương tiện bay không người lái xâm nhập khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp đến công tác khai thác và đảm bảo an toàn bay.

Thời gian qua, tình trạng vật thể lạ xuất hiện trong khu bay có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác tại cảng hàng không, đe dọa an toàn tàu bay. Theo thống kê, tính đến hết tháng 11/2019, trên các cảng hàng không toàn quốc đã xảy ra 120 vụ tàu bay bị sự cố về lốp, 20 vụ phát hiện vật thể lạ trên khu bay.

Đã xảy ra 9 vụ việc liên quan đến tàu bay không người lái và phương tiện siêu nhẹ tại khu vực cảng hàng không. Đáng chú ý là sự cố chuyến bay VN173 va chạm với phương tiện bay không người lái trong quá trình tiếp cận hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Sau khi hạ cánh, thợ máy xác định tàu bay chỉ bị trầy sơn, không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác. Tuy nhiên, nếu phương tiện không người lái va chạm vào động cơ tàu bay, đặc biệt trong giai đoạn cất và hạ cánh, sẽ gây tai nạn thảm khốc.

Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, trên Biển Đông, các hoạt động của tàu bay lạ/mục tiêu lạ, các tàu bay không có kiểm soát có chiều hướng gia tăng trên khu vực các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam đã gây không ít khó khăn cho các hãng hàng không, đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý vùng trời, đảm bảo an ninh quốc phòng và cung cấp dịch vụ của các cơ sở thực hiện bảo đảm hoạt động bay. Trong năm 2019, có 708 sự vụ liên quan đến các tàu bay lạ/mục tiêu lạ, các tàu bay không kiểm soát, tăng 28,96% so với năm 2018 (549 sự vụ).

“Tình trạng cò mồi, taxi dù diễn ra thường xuyên tại một số cảng hàng không trong thời gian gần đây đã gây mất an ninh, trật tự khu vực công cộng của cảng, làm ảnh hưởng quyền lợi của hành khách đi tàu bay, uy tín của ngành hàng không dân dụng và là hình ảnh xấu về địa phương, đất nước con người Việt Nam trong mắt bè bạn quốc tế khi đến tham quan, du lịch,” Thứ trưởng này nói.

Phòng, chống hành vi can thiệp bất hợp pháp mạng thông tin hàng không ảnh 2Máy bay của các hãng hàng không Việt Nam chuẩn bị đón khách tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiệu quả phát hiện cảnh báo, ngăn chặn đối tượng xâm nhập trái phép vào khu vực hạn chế của cảng hàng không chưa cao, và cũng chưa có giải pháp hiệu quả đối với các tin nhắn thất thiệt, đe dọa an ninh hàng không. Hiện nay trên thế giới có một số tổ chức khủng bố thực hiện phương thức nhắn tin đe dọa khủng bố khiến cơ quan chức năng phải triển khai các biện pháp khẩn cấp để phòng ngừa, gây thiệt hại lớn về kinh tế, hoang mang lo sợ trong xã hội.

Ở Việt Nam, năm 2019 một trường hợp nhắn tin đe dọa được ghi nhận, tuy nhiên, vụ việc chưa gây thiệt hại. Việc sử dụng người lái máy bay nước ngoài với tỷ lệ cao, nhiều quốc tịch (xấp xỉ 50 nước) có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát và tiêu chuẩn hóa.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương các cơ quan, đơn vị thành viên của Ủy ban An ninh hàng không và Ủy ban Nhân dân các địa phương có cảng hàng không, sân bay vì đã nỗ lực phối hợp đạt hiệu quả cao trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng, giữ vững uy tín của ngành hàng không nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, trong năm 2019, còn để xảy ra một số vụ việc uy hiếp an ninh hàng không, tập trung vào một số vi phạm như hành khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm sai quy định; vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay, thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không; gây rối trật tự công cộng, đe dọa, hành hung nhân viên hàng không trên tàu bay và tại cảng hàng không vẫn tiếp diễn.

Nguyên nhân của các vụ việc này xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật về an ninh, an toàn hàng không của người tham gia giao thông hàng không chưa cao, lỗ hổng về pháp lý, việc thiếu sự tuân thủ quy trình xử lý, năng lực chuyên môn và tính chủ động của đội ngũ nhân viên hàng không. Các sự cố an toàn do yếu tố con người vẫn xảy ra, trong đó, các sự cố nghiêm trọng và sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao đều do nguyên nhân là yếu tố con người.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, rà soát, sửa đổi, bổ sung, cập nhật Chương trình An toàn hàng không quốc gia lĩnh vực hàng không dân dụng để đáp ứng yêu cầu của ICAO và thực tiễn hoạt động hàng không tại Việt Nam, cũng như đẩy nhanh các giải pháp áp dụng quy trình, công nghệ mới trong lĩnh vực quản lý an toàn.

Cho biết Chính phủ đang xem xét, phê duyệt Đề án giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không để Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty cảng Hàng không Việt Nam, các cơ quan, đơn vị liên quan có cơ sở triển khai thực hiện, Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian chờ quyết định phê duyệt Đề án của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp khẩn trương cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh hai cảng hàng không quốc tế trọng điểm Nội Bài, Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, đồng thời triển khai đầu tư, sửa chữa kết cấu hạ tầng hàng không, nhằm duy trì đảm bảo đủ điều kiện khai thác, đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh hàng không đối với các cảng hàng không, sân bay trực thuộc.

Các Bộ Giao thông Vận tải, Công an, Quốc phòng, căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình, cần nghiêm túc thực hiện công tác đánh giá nguy cơ rủi ro uy hiếp an ninh, an toàn hàng không theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của ICAO và quy định của các văn bản phối hợp liên ngành khác; tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp, trao đổi, xử lý thông tin liên quan để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và ứng phó kịp thời các tình huống khẩn nguy có thể xảy ra. Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật; tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông hàng không cho toàn xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân; lấy xây dựng văn hóa an toàn trong cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi công vụ và doanh nghiệp hàng không làm động lực.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để ngăn chặn hiệu quả vi phạm về tàu bay không nguời lái, phương tiện bay siêu nhẹ; nghiên cứu để đưa vào xử lý ở mức cao (xử lý hình sự) đối với các vi phạm của loại hình này.

Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan sớm triển khai nhiệm vụ khoa học-công nghệ cấp quốc gia về làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống kiểm soát tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để bảo đảm an toàn cho hoạt động hàng không dân dụng.

Phó Thủ tướng lưu ý Ủy ban Nhân dân các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về sử dụng, quản lý hoạt động của các phương tiện bay không người lái có khả năng uy hiếp an ninh, an toàn hàng không dân dụng.

Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam rà soát, nghiên cứu, bảo đảm xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hành khách bị từ chối nhập cảnh; phối hợp Cục Hàng không Việt Nam cần có biện pháp giải quyết những trường hợp bị từ chối nhập cảnh trong thời gian sớm nhất, phù hợp các quy định pháp luật Việt Nam và yêu cần của ICAO về quy trình vận chuyển hành khách trên toàn cầu, đồng thời đảm bảo quyền nhân thân của hành khách cũng như các yêu cầu an ninh, chính trị của Việt Nam.

Bộ Công an cần chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp các đơn vị liên quan của ngành hàng không xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh hiệu quả với tình trạng trộm cắp tài sản, hành lý của hành khách đi tàu bay, đặc biệt từ số đối tượng người nước ngoài.

Nhấn mạnh đến việc xây dựng quy trình và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố an ninh mạng; phòng, chống hành vi can thiệp bất hợp pháp vào mạng thông tin chuyên ngành hàng không, Phó Thủ tướng nêu rõ, đối với hai Đề án thành lập đồn Công an tại các cảng hàng không trọng điểm và xây dựng lực lượng An ninh trên không, yêu cầu Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm đảm bảo tốt tình hình an ninh, an toàn hàng không dân dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục