Phòng chống hạn, mặn: Hiệu quả từ mô hình tưới nước tiết kiệm ở Ninh Thuận

Để bảo vệ sản xuất và xây dựng hệ thống thủy lợi tích trữ nguồn nước, việc ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm được xem là giải pháp hữu hiệu và đang được Ninh Thuận đẩy mạnh nhân rộng.

Mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây lạc trồng tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây lạc trồng tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Nằm trong khu vực Duyên hải miền Trung và cực Nam Trung bộ, Ninh Thuận được ví như "tiểu sa mạc" với khí hậu khô nóng quanh năm, mùa mưa rất ngắn.

Để bảo vệ sản xuất, cùng với tập trung xây dựng hệ thống thủy lợi tích trữ nguồn nước, việc ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm được xem là giải pháp hữu hiệu và đang được tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh nhân rộng nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Tuấn Tú là thôn có đông đồng bào Chăm sinh sống thuộc xã An Hải, huyện Ninh Phước. Thôn có tổng diện tích tự nhiên 458ha nhưng phần lớn là đất cát bạc màu, đất nông nghiệp sản xuất được chỉ khoảng 215ha; trong đó diện tích trồng cây rau màu 150ha và lúa nước 65ha.

Trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng mô hình tưới nước kiệm biến những thửa đất cát trắng thành những cánh đồng tươi tốt, nổi bật là cây măng tây xanh, hình thành nên vùng sản xuất rau an toàn có tiếng của tỉnh Ninh Thuận.

Ông Từ Công Toán, xã An Hải, huyện Ninh Phước, cho biết đất pha cát cần lượng nước lớn để sản xuất, vào mùa nắng nóng nhu cầu tưới nước cho cây trồng lại càng tăng cao. Trước đây, tưới kiểu truyền thống là bơm nước lên các mương tràn để cho nước tự chảy vào ruộng rồi thấm xuống, hoặc tưới tràn trên mặt đất dẫn đến việc thất thoát lượng nước khá lớn, tốn nhiều công tưới và xói mòn đất.

Chưa kể gặp những năm khô hạn nguồn nước lại càng khan hiếm, khiến việc sản xuất rất khó khăn. Sau khi học hỏi các mô hình tưới nước tiết kiệm, ông Toán đã đầu tư 25 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm phun mưa, tưới nhỏ cho toàn bộ 7.000m2 đất trồng các loại cây măng tây, hành, rau cải, lạc và cây dưa hấu.

ttxvn_Ninh Thuan tiet kiem nuoc1.jpg
Người dân xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm phun mưa trồng cây hành tím trong mùa khô 2024. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

“Từ khi lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm thấy hiệu quả rõ rệt, chỉ cần mở van là nước tự động phun tưới rồi để đó đi làm công việc khác. Tưới tự động lượng nước được điều tiết nên tiêu tốn ít, đủ để giữ ẩm cho cây trồng mà nước không bị thất thoát chảy tràn ra ngoài nên tiết kiệm được một lượng nước khá lớn,” ông Toán cho hay.

Hiện nay, nhiều hộ nông dân, hợp tác xã trên địa bàn xã An Hải đang đẩy mạnh nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, cho biết Hợp tác xã hiện có 84 thành viên tham gia sản xuất cây măng tây xanh theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích gần 40ha đang áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm. Trung bình mỗi sào, đầu tư thiết bị tưới phun mưa từ 3-5 triệu đồng, tưới nhỏ giọt đầu tư từ 10-12 triệu đồng. Nhờ lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm đã giúp các xã viên giải quyết được “bài toán” thiếu nước tưới khi vào mùa khô, sản xuất ổn định và có điều kiện mở rộng sản xuất ở những vùng khan hiếm nước.

"Ngoài mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây măng tây xanh, các xã viên và người dân trên địa bàn xã cũng đang đẩy mạnh nhân rộng mô hình tưới nhỏ giọt, tưới phun tầm thấp và các hệ thống tưới khác trên một số loại cây trồng như hành, ngò, đậu phộng và một số cây hoa màu. Vừa qua, Hợp tác xã đã được tỉnh công nhận vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao An Hải với tổng diện tích 130ha," ông Hùng Ky cho biết thêm.

Tương tự, tại vùng trồng nho xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, đến nay gần như toàn bộ diện tích 200ha nho được các nhà vườn, trang trại lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm.

Ông Nguyễn Văn Trai ở thôn Thái An, cho biết hệ thống được lắp đặt khá đơn giản gồm máy bơm, bồn nước, đường ống chôn ngầm và lắp van điều tiết đặt khắp vườn và chỉ cần một người vặn van xả nước là tưới được khắp vườn. Tưới tiết kiệm giúp phân bố đều lượng nước nên không gây ra hiện tượng úng cục bộ như tưới tràn, giúp bộ rễ cây nho phát triển mạnh, người trồng có đủ lượng nước để duy trì tưới quanh năm, không còn nỗi lo thiếu nước về mùa khô như các năm trước đây.

ttxvn_Ninh Thuan tiet kiem nuoc2.jpg
Vùng trồng cây măng tây xanh và rau màu trên đất cát ở xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cho biết để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tỉnh đang tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, cơ cấu mùa vụ và tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất. Địa phương đã và đang triển khai các chính sách hỗ trợ, huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án, hoàn thiện các quy trình tưới nước tiết kiệm trên các loại cây như nho, táo, rau màu, hành, tỏi, măng tây xanh, dưa lưới, cỏ chăn nuôi... chuyển giao vào sản xuất.

Theo tính toán, áp dụng mô hình tưới tiết kiệm phun mưa, tưới nhỏ giọt sẽ tiết kiệm được lượng nước từ 20-40%, thậm chí có cây trồng lên đến 70% so với phương pháp tưới truyền thống; đồng thời tăng năng suất cây trồng từ 15-20%.

Ngoài ra, có thể kết hợp bón phân, chế phẩm sinh học qua hệ thống tưới, giúp giảm chi phí sản xuất. Nhờ hiệu quả mang lại, đến nay tỉnh Ninh Thuận có gần 2.000ha ứng dụng công nghệ tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, trong đó hơn 800ha cây lâu năm và gần 1.200ha cây hàng năm.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, nguồn nước tại các công trình thủy lợi để kịp thời xây dựng phương án, kế hoạch, giải pháp quản lý và điều tiết để sử dụng nguồn nước hợp lý.

Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước cho các loại cây trồng tại các địa bàn khác nhau nhằm đảm bảo mục tiêu sản xuất theo kế hoạch đề ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục